Giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng do thời tiết xấu
Một khu chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. |
Ngành tiêu dùng của Trung Quốc là mối quan tâm chính của Bắc Kinh khi nhu cầu trong nước yếu kém đang làm tê liệt nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong khi hoạt động sản xuất suy giảm.
Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng nhẹ lên mức cao nhất trong 5 tháng là 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7, so với mức tăng 0,2% vào tháng 6, vượt qua mức tăng 0,3% trong cuộc thăm dò từ các nhà kinh tế của Reuters.
Chuyên viên thống kê Dong Lijuan của NBS cho biết, nắng nóng và mưa lũ ở một số khu vực vào tháng trước đã đẩy giá thực phẩm lên cao, góp phần vào sự phục hồi tăng trưởng.
Giá thực phẩm dao động từ mức giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 6, sang mức không thay đổi vào tháng 7, trong khi tốc độ tăng trưởng giá các mặt hàng phi thực phẩm chậm lại từ 0,8% vào tháng 6 xuống 0,7% vào tháng 7.
Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, cho biết: “Có sự tương phản rõ rệt giữa CPI thực phẩm và CPI không bao gồm thực phẩm… Không có loại hàng hóa và dịch vụ nào khác có hiện tượng tăng giá, cho thấy nhu cầu trong nước không có dấu hiệu phục hồi”.
Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và nhiên liệu tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7, giảm so với mức 0,6% của tháng 6.
Nhu cầu trong nước yếu là vấn đề lớn của nền kinh tế, trong khi hy vọng về sự phục hồi từ xuất khẩu bị kìm hãm bởi căng thẳng thương mại gia tăng với phương Tây, thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc và lo ngại về suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ.
Người tiêu dùng không mấy mặn mà với các ưu đãi phục hồi tiêu dùng do tình trạng suy thoái nhà ở kéo dài, tình trạng công việc bất ổn... đã ngăn cản họ mua những mặt hàng có giá trị lớn.
Doanh số bán ô tô, thị phần lớn nhất trong doanh số bán lẻ của Trung Quốc, đã giảm trong tháng thứ tư liên tiếp vào tháng 7 mặc dù có chính sách nới lỏng các quy định về vay mua ô tô.
Thủ đô Bắc Kinh đã công bố mức giảm 6,3% trong doanh số bán lẻ vào tháng 6 trong khi Trung tâm tài chính Thượng Hải chứng kiến mức giảm 9,4%, thấp hơn mức tăng trưởng toàn quốc là 2%, theo số liệu chính thức.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 0,8% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, không thay đổi so với tháng trước và cao hơn mức dự kiến là giảm 0,9%.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết vào cuối tháng 7 rằng các biện pháp kích thích để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ hướng đến người tiêu dùng, vài ngày sau khi công bố phân bổ 300 tỷ nhân dân tệ (41,96 tỷ USD) trái phiếu kho bạc dài hạn để hỗ trợ tiêu dùng.
D.Q
Reuters
-
Online Friday 2024: Lan tỏa giá trị hàng Việt Nam trên nền tảng số
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Người lao động "thắt chặt" chi tiêu dù thu nhập bình quân tháng tăng 7,4%
-
9 tháng đầu năm: CPI tăng 3,88%, lạm phát cơ bản tăng 2,69%
-
Trung Quốc tung gói kích thích kinh tế quy mô lớn
-
Nhà đầu tư tích trữ vàng trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ
-
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cảnh báo rủi ro gia tăng
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới dự kiến sa thải 17.000 nhân viên
-
Ấn Độ trên hành trình trở thành gã khổng lồ về “vàng trắng”