Làm thế nào để thu hút được nhà đầu tư ngoại vào các dự án PPP?
Trên nền tảng pháp lý có sẵn, thời gian qua nhiều dự án đầu tư theo phương thức kết hợp sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước với vốn đầu tư tư nhân (PPP) để xây dựng các công trình công ích đã được triển khai thực hiện. Hầu hết các dự án PPP tập trung vào ngành điện, khu vực cảng biển, lĩnh vực viễn thông và lĩnh vực nước.
Những năm gần đây, lĩnh vực thu hút đầu tư dưới hình thức PPP đã có sự thay đổi, ngoài đầu tư vào ngành điện, các dự án PPP được đề xuất và thực hiện khá nhiều trong lĩnh vực giao thông. Một số lĩnh vực thu hút dự án PPP khác là cấp thoát nước, bảo vệ môi trường. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn là những địa phương thu hút chủ yếu nguồn vốn đầu tư dưới hình thức PPP.
Tiềm năng thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng PPP của Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá rất cao |
Đại dịch Covid-19 đã làm các hoạt động kinh tế bị tác động mạnh, dẫn đến nguồn thu ngân sách của Chính phủ sụt giảm mạnh. Trong khi đó, chi phí xử lý đại dịch và chi phí an sinh xã hội rất lớn, đã tạo thâm hụt ngân sách rất lớn, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lực đầu tư của Chính phủ trong giai đoạn tiếp theo.
Chính vì vậy, việc huy động vốn từ các nguồn ngoài Nhà nước trong các dự án PPP được kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nước ta. Tuy nhiên, hiện hầu như có rất ít dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông thu hút được nhà đầu tư nước ngoài. Việc thiếu vắng các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án PPP không chỉ làm hạn chế một nguồn vốn quan trọng, mà còn khiến Việt Nam không tiếp cận được những công nghệ tiên tiến và phương thức quản lý hiện đại từ hình thức đầu tư này mang lại.
Nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP, tại Kỳ họp 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP). Sự ra đời của luật này thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP.
Tại tọa đàm “Thời cơ mới, cơ hội mới cho nhà đầu tư PPP” do Hiệp hội các nhà đầu tư phát triển hạ tầng giao thông phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, nhóm chuyên gia gồm PGS.TS Nguyễn Hồng Thái và PGS.TS Vũ Cương nhận định, Luật PPP theo phương thức đối tác công tư kế thừa những quy định tốt đã và đang thực hiện, đồng thời bổ sung các nội dung mới, quan trọng, bảo đảm tính đặc thù của hình thức PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho các dự án PPP trong thời gian tới.
Việc ban hành một đạo luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của PPP, tạo ra môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp. Cụ thể, Luật PPP quy định riêng cho mối quan hệ hợp tác công tư để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của Nhà nước thuộc trách nhiệm của Nhà nước nhưng nay cần huy động tư nhân tham gia đầu tư, tránh tình trạng vay mượn các quy định pháp luật liên quan.
Trước đây, hợp tác công tư chỉ dừng ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật liên quan như: Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Nhà ở… nên rất khó quy định những nội dung hết sức đặc thù của quan hệ đối tác công tư.
Luật PPP đảm bảo khung khổ pháp lý ổn định và lâu dài để tạo lòng tin cho nhà đầu tư, vì quan hệ đối tác công tư thường mang tính dài hạn, 20-30 năm. Nếu khung khổ pháp lý không ổn định rất khó tạo lòng tin cho nhà đầu tư. Ngoài ra, Luật PPP hoàn thiện hàng loạt cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cho riêng loại hình dự án PPP như: Bảo đảm ngoại tệ, chia sẻ rủi ro, phần vốn nhà nước trong dự án PPP…
Theo nhóm chuyên gia, để Luật PPP sớm đi vào cuộc sống, cần ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư; Nghị định quy định về cơ chế tài chính trong đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Phát biểu tại Tọa đàm, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, tiềm năng thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng PPP của Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá rất cao. Tuy nhiên, do nhiều rào cản nên sự tham gia của các nhà đầu tư thuộc khu vực kinh tế tư nhân với lĩnh vực cơ sở hạ tầng công - tư còn nhiều hạn chế.
Chủ tịch VCCI hy vọng, khi những rào cản PPP được gỡ bỏ thì PPP Việt Nam sẽ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ và sẽ thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế. Theo Chủ tịch VCCI, có ba giải pháp để tháo gỡ rào cản.
Một là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho PPP. Trước mắt tập trung soạn thảo ban hành các bước thực thi PPP cho phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý với mục tiêu kép là có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, đảm bảo lợi ích công và thúc đẩy được nguồn lực của xã hội cũng như an toàn tài sản quốc gia, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc tại các dự án đã và đang triển khai nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư PPP với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp. Sự tôn trọng các hợp đồng PPP của cơ quan Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng để giữ được niềm tin với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ ba, phải gắn kết mục tiêu phát triển bền vững. PPP được thực hiện vì con người, vì cộng đồng trong chính sách và thực thi. Thực tế cho thấy các dự án PPP nếu chỉ xoay quanh lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư và ngân hàng cho vay mà không chú ý đến lợi ích của cộng đồng với tư cách là người dân, người tiêu dùng sẽ dẫn tới bùng nổ sự phản ứng, bức xúc trong dư luận…
“Liên Hiệp Quốc đang liên tục thúc đẩy PPP vì con người, đặt con người ở vị trí trung tâm. PPP vì con người có thể đạt được nếu dự án tăng cường được khả năng tiếp cận dịch vụ, tăng công bằng, vận hành hiệu quả và có tính bền vững đề cao môi trường và trách nhiệm xã hội, cũng như mở rộng và lan tỏa” - TS Lộc nhấn mạnh.
Minh Lê
Luật PPP gồm 11 chương và 101 điều, là luật thống nhất điều chỉnh hoạt động đầu tư, thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư một số lĩnh vực hạ tầng quan trọng, thiết yếu theo phương thức đối tác công - tư. Luật PPP hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, tạo hành lang pháp lý cao nhất để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng thiết yếu theo phương thức PPP. |
-
Triển khai hiệu quả nhiều dự án trọng điểm: EVN được Thủ tướng biểu dương
-
EVN được Thủ tướng Chính phủ biểu dương tại Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công năm 2024
-
Chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước
-
Hàng trăm dự án chậm triển khai, nguồn lực bị "chôn" trong đất
-
Kinh tế Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6,0%
-
Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero
-
BRICS hấp dẫn thế nào mà hơn 30 quốc gia "săn đón"?
-
Tổng thống Putin đề xuất chiến lược kinh tế mới cho BRICS
-
[Infographic] Vì sao nói áp thuế VAT phân bón 5% nông dân được thụ hưởng?
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 24/10: Giá dầu thế giới lấy lại đà tăng