Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Hoa tay và hoa hương

17:11 | 08/11/2013

|
Bạn đọc: Trong một thời gian dài sống và làm việc ở miền Bắc trước đây, tôi chưa bao giờ nghe nói đến hai tiếng “hoa tay” để chỉ sự khéo tay như ở trong Nam thường dùng. Xin ông An Chi vui lòng cho biết có phải đây cũng là “hoa” trong “bông hoa” dùng để ví von với sự “tài hoa” không. Và, thưa ông, chữ “hoa” trong “hoa tay” này có phải cũng là một với “hoa” trong “hoa hương” của câu Kiều số 497 (Hoa hương càng tỏ thức hồng) không: “hoa” là chàng tài hoa Kim Trọng và “hương” là nàng sắc nước hương trời Thúy Kiều? Huỳnh Công Sáu (Cần Giuộc, Long An)

Học giả An Chi: Cũng không hẳn là chỉ trong Nam mới dùng danh ngữ “hoa tay” đâu bạn. Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức giảng “hoa tay” là “tài khéo ở tay làm ra”. Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967) giảng là “tài khéo của tay” còn Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng - Vietlex, 2007) thì giảng chi tiết hơn là “đường vân xoáy tròn ở đầu ngón tay [nói khái quát]; được coi là dấu hiệu biểu thị sự khéo tay bẩm sinh”. Nếu “hoa tay” chỉ là một lối nói mang tính phương ngữ thì chắc chắn hai quyển từ điển sau hoặc không thu nhận hoặc nếu thu nhận thì đã có ghi chú (là thuộc phương ngữ) rồi. Vậy ta chỉ có thể nói “hoa tay” là một danh ngữ của tiếng Việt toàn dân nhưng thông dụng hơn ở trong Nam mà thôi.

Cứ như trên thì “hoa tay” chính là cái mà ngôn từ hiện đại gọi là “vân tay” và hẳn là có nhiều người sẽ cho rằng “hoa” trong “hoa tay” cũng chính là “hoa” trong “bông hoa”, được dùng để ví von với sự tài hoa, như bạn đã gợi ý. Nhưng chúng tôi xin nói ngay rằng “hoa” trong “tài hoa” không phải là “hoa” trong “bông hoa”. “Hoa” trong “bông hoa” là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [花] còn “hoa” trong “tài hoa” tuy cũng là một yếu tố Hán Việt nhưng chữ Hán lại là [華]. Tuy hai chữ “hoa” này hoàn toàn khác nhau nhưng người ta vẫn có thể biện luận rằng dù sao thì “hoa” trong “hoa tay”, do những đường vân của nó, vẫn cứ là “hoa” trong “bông hoa”. Có thể sự thật đúng là như thế nhưng cũng có thể là không phải như thế vì chuyện chữ nghĩa không phải bao giờ cũng đơn giản và thẳng tuột. Ta còn có thể hình dung ra một hướng khác. Tiếng Hán có một từ để chỉ vân tay ghi bằng chữ [腡], thường đọc là “loa”, vẫn được từ điển giảng là “thủ chỉ văn” (đường vân ngón tay). Chữ này cũng còn đọc là “qua”. Chúng tôi cho rằng rất có thể là chính cái chữ [腡] này, với âm “loa” hoặc “qua”, đã bị từ nguyên dân gian đồng hóa với chữ “hoa”[花] trong “bông hoa”. Việc mượn chữ “loa/qua” để chỉ vân tay chẳng qua chỉ là chuyện thường ngày ở huyện. Đến cái “đầu” [頭] ta còn mượn được, nói chi đến cái vân tay!

 Còn “hoa” trong “hoa hương” thì lại càng không phải là từ dùng để chỉ chàng thanh niên tài hoa Kim Trọng. Chúng tôi cho rằng các nhà chú giải trước đây đã không đúng khi giảng về khái niệm “hoa” trong câu Kiều thứ 497. Những lời giảng của họ tuy có những chỗ “tiểu dị” nhưng đều “đại đồng” ở chỗ cho rằng hai tiếng “hoa hương” ở đây dùng để tả người (và đó là nàng Kiều). Tiếc rằng cái chỗ “đại đồng” này thì lại hoàn toàn sai lầm vì các nhà chú giải chỉ ngắt riêng câu 497 ra mà giảng chứ không chịu đặt nó vào trong cả đoạn thơ hữu quan để thấy rằng đây thực chất chỉ là một câu tả vật, tả cảnh. Cách đây 10 năm, trên Kiến thức ngày nay số 481 (20/12/2003), chúng tôi đã trả lời về chữ “hoa” này như sau (có sửa chữa một số chỗ):

“Xin đọc kỹ lại đoạn 445-528, kể chuyện Kiều lại trở qua nhà Kim Trọng trọ học trong cái đêm mà “một nhà mừng thọ ngoại hương” chưa về. Trong đoạn này, ba câu 446, 485 và 497 có liên quan với nhau một cách rất chặt chẽ và cực tế nhị để tạo ra một khung cảnh “mơ màng” cho cuộc tình nồng thắm:

446: Đài sen nối sáp (a), song đào thêm hương (b).

485: Ngọn đèn khi tỏ khi mờ.

497: Hoa hương càng tỏ thức hồng.

Câu 485 tả tiếp về cái ngọn đèn sáp trong 446(a) còn câu 497 thì lại tả tiếp về cái mảnh hương trầm trong 446(b). Mối quan hệ giữa 485 với 446(a) thì quá dễ thấy nhưng mối quan hệ giữa 497 với 446(b) thì lại có nhiều phần khó nhận thức vì ai cũng cứ ngỡ rằng ở đây “hương” là mùi thơm còn “hoa” thì là bông.

Nào phải như thế. “Hương” chính là cái mảnh chất thơm bằng gỗ trầm mà Kim Trọng đã thêm vào song đào (Đào Duy Anh phiên là “lò đào”) còn “hoa” thì lại là cái phần đã cháy đượm mà không bốc thành lửa của mảnh hương trầm (“Hoa” trong “hoa hương” thực chất chỉ là một với “hoa” trong “hoa đèn”). Vậy “hoa hương” ở đây không phải là hai danh từ đẳng lập. Đây là một danh ngữ kiểu chính phụ mà “hoa” là trung tâm còn “hương” là định ngữ, giống hệt như “đèn” là định ngữ của “hoa” trong danh ngữ “hoa đèn”.

Cái phần hoa của mảnh hương (hoa hương) càng rực đỏ (càng tỏ thức hồng) thì càng làm cho lửa tình cháy bỏng thêm như có thể thấy thể hiện nơi đầu mày cuối mắt của đôi uyên ương Kim Kiều ở câu 498 (Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu). Vậy xin đừng thoát khỏi văn cảnh hữu quan mà cho rằng “hoa hương” là “người đẹp có hoa có hương thì lại đẹp thêm” (Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim), là “hương tình, hoa tình” (Nguyễn Thạch Giang), là “hoa và hương càng làm tỏ vẻ đẹp” (Đào Duy Anh), là “cái vẻ đẹp của người con gái như bông hoa còn nguyên nhị” (Nguyễn Quảng Tuân), v.v... Ta cứ tự đặt mình vào văn cảnh cần thiết và nhất là đầy đủ mà tỉnh táo phân tích thì sẽ thấy rằng 485 nói rõ thêm cho 446(a) còn 497 thì nói rõ thêm cho 446(b) để tạo khung cảnh “hot” cho mối tình càng “hot” hơn của chàng Kim và nàng Kiều. Thế thôi và đây là một điều chắc chắn.

A.C