Hạt, hột, hạch và trứng
Học giả An Chi: “Hạch” là một từ Hán Việt mà chữ Hán là 核, có nghĩa gốc là hạt (hột), được dùng trong tiếng Việt hiện đại theo các nghĩa mà Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên giảng là: “1. Chỗ phình to trên mạch bạch huyết, thường vô hại. – 2. Chỗ sưng to và đau trên mạch bạch huyết. – 3. Nhân tế bào. – 4. Nơi tập trung và liên hợp của các tế bào thần kinh, làm thành phần phình to trên dây thần kinh ở động vật không xương sống”.
Thế là âm “hạch” của chữ 核 không được dùng với nghĩa gốc của nó (“hạt [hột]”) trong tiếng Việt hiện đại. Nhưng có một điều mà có lẽ nhiều người ít ngờ đến là, bên cạnh “hạch”, chữ này còn có một âm thư tịch nữa là “hột”, như đã được ghi nhận trong Tập vận và Chính vận, mà Khang Hy tự điển đã dẫn lại: “hồ cốt thiết” [胡骨切]. Chúng tôi đã cẩn thận đối chiếu với bộ Tập vận do Đài Loan Trung Hoa thư cục ấn hành năm 1970, nhị sách, nhập thanh cửu, tờ 22b, thì thấy quả nhiên đó là chữ thứ 15 của âm “hột”. Từ hải (bản cũ) và Từ nguyên (bản cũ) đều phiên: “hồ ngột thiết” [胡兀切]. Thì cũng là “hột”; và tương ứng với âm “hột” Hán Việt thì khẩu ngữ Bắc Kinh hiện đang còn có “hú”, bên cạnh “hé” (tương ứng với “hạch”). Cứ như trên thì, trong tiếng Việt hiện đại, “hột” hiển nhiên là một từ Hán Việt chính tông chứ không phải “thuần Việt”, như nhiều người có thể lầm tưởng.
Từ điển Việt Bồ La của A. de Rhodes (1651) chỉ ghi nhận “hột” mà không có “hạt”, giúp ta có cơ sở để khẳng định rằng chữ [核] đã đi thẳng vào nước Đại Việt với âm “hột”, để tiếp tục sống một cách bền bỉ cho đến hiện nay trong phương ngữ miền Nam (hột đậu, hột gạo, hột lúa, hột mè, hột bụi, hột cát, hột cườm, hột xoàn, v.v…) trong khi ở miền Bắc thì nó đã trở thành “hạt”, trễ nhất cũng là trước cuối thế kỷ XIX. Dictionarium Latino-Annamiticum của M. H. Ravier (Ninh Phú, 1880) đã đối dịch “granum” là “hạt”, “granatim” là “từng hạt một”, “granatus” (danh từ) là “sự sinh hạt”, “granatus” (tính từ) là “có hạt”, “granifer” là “sinh nhiều hạt”, “granosus” là “đầy hạt”. Không có từ “hột” trong quyển từ điển này vì nó không còn được dùng trong phương ngữ của miền Bắc nữa. Như thế là trong khi ngoài Bắc người ta đã chuyển “hột” thành “hạt” thì người trong Nam vẫn giữ đúng cái âm nguyên thủy của chữ [核] (là “hột”) mà dùng. Vì vậy nên ở đây ta có một sự đối ứng về phương ngữ giữa “hạt” (Bắc) và “hột” (Nam) để chỉ cùng một khái niệm mà Từ điển tiếng Việt của Vietlex giảng là “bộ phận nằm trong quả, do noãn cầu của bầu hoa biến thành, nảy mầm thì cho cây con” (nghĩa 1), “quả khô của một số cây lương thực” (nghĩa 2), “vật có hình giống như hạt gạo, hạt ngô” (nghĩa 3). Do đó mới có hiện tượng “hột mè, hột đậu” (a), “hạt mè, hạt đậu” (b) mà bạn Bé Hổ Lí Lắc đã thắc mắc. Trường hợp (a) là cách nói của miền Bắc tương ứng với trường hợp (b) là cách nói của miền Nam. Người Bắc không nói “hột mè, hột đậu” mà người Nam cũng không nói “hạt mè, hạt đậu”; chứ không phải “hạt” và “hột” có thể thay thế cho nhau mọi lúc mọi nơi ở cả hai miền. Nhưng đây chỉ là chuyện “đời xưa”, chứ sau 1954 (lần thứ nhất), rồi sau 1975 (lần thứ hai) thì đã có sự “hòa nhập” trong một số cách dùng từ.
Trong Nam, người ta chỉ dùng từ “hột” với nghĩa là “trứng” trong hai danh ngữ sau đây mà thôi: “hột gà”, “hột vịt”; rồi “ăn theo” hai danh ngữ này là mấy cấu trúc “hột vịt lộn”, “hột vịt muối”, “hột vịt bắc thảo”, “hột vịt ung”, v.v... “Hột gà lộn” cũng ít dùng vì ít ăn. Đến như ngỗng, cũng là một loài gia cầm quen thuộc cùng với gà, vịt nhưng trong Nam, người ta cũng không hề gọi trứng của nó là “hột ngỗng”. Chỉ có “trứng ngỗng” và học trò mà “ăn trứng ngỗng” tức là bị điểm “không” (zéro). Vậy tất cả chỉ có thế chứ ngay ở trong Nam thì “trứng cá”, “trứng chí (chấy)”, “trứng chim”, “trứng cút”, v.v…, cũng không bao giờ được thay bằng “hột cá”, “hột chí”, “hột chim”, “hột cút”, v.v... cả. Nghĩa là, ngoài mấy trường hợp kể trên, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc đều thống nhất dùng “trứng”.
Không liên quan gì với “hột” về mặt từ nguyên, “trứng” là một từ Việt gốc Hán, liên quan đến một từ mà chữ Hán là [種], nếu đọc “chủng” thì có nghĩa là giống (nòi) còn đọc thành “chúng” thì có nghĩa là gieo trồng. Cái từ [種], thường đọc thành “chủng” này có sáu điệp thức là: “trồng”, “giồng”, “trống”, “sống”, “giống” và “trứng”. Ở đây, chúng tôi xin chỉ nói về hai từ “trống” và “giống” là những điệp thức trực tiếp có liên quan đến vấn đề đang bàn. Tuy đã có một vài người công nhiên hay mặc nhiên thừa nhận rằng, từ “giống” bắt nguồn ở từ “chủng” nhưng đây chỉ là chuyện gián tiếp: “giống” chỉ là điệp thức hậu kỳ của “trống” mà chính “trống” mới trực tiếp bắt nguồn từ “chủng”. Về mối quan hệ ngữ âm lịch sử giữa hai phụ âm đầu CH của “chủng” và TR của “trống”, ta có thể chứng minh một cách dễ dàng. “Chủng” [種] là một hình thanh tự mà nghĩa phù là “hòa” [禾] còn thanh phù là “trọng” [重] ( = nặng; cũng đọc thành “trùng” = tầng, lần, lớp; lặp đi lặp lại nhiều lần). Khi một chữ được hài thanh bằng chữ có phụ âm đầu TR thì bản thân nó cũng hoàn toàn có thể đã từng được đọc với phụ âm đầu đó và đây là điều mà ta có thể tấy với từ “trống” trong “trống mái”. “Trống” chẳng qua là con vật cho giống (lợn giống, gà giống đều là những con đực, con trống), dùng để nói về các loài chim. Về sau, theo xu hướng chuyển hóa từ TR thành GI đối với một số từ thì “trống” mới thành “giống”, cũng như “trai’ thành “giai”, “trăng” thành “giăng”, “trầu” thành “giầu”, “tro” thành “gio”, “trời” thành “giời”, “trối” thành “giối”,“trồng” thành “giồng”, “trương” thành “giương”, v.v… Còn “trứng” cũng là một điệp thức của “trống”, mà nếu giải nghĩa theo từ nguyên thì chẳng qua là “giống của con trống do con mái đẻ ra” mà thôi.
A.C
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn
- Tử vi ngày 12/10/2024: Tuổi Mão phúc lộc dồi dào, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 11/10/2024: Tuổi Tý đạt được mục tiêu, tuổi Thân tia sáng hy vọng
- Tử vi ngày 10/10/2024: Tuổi Dần tài lộc hanh thông, tuổi Dậu nhìn xa trông rộng