Hà Nội lập trạm thu phí xe vào nội đô từ 2025
Đơn vị tư vấn xây dựng phương án thu phí phương tiện vào nội đô thành phố Hà Nội vừa hoàn thành đề án và báo cáo với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội.
Theo đó, đơn vị tư vấn đã tính toán và làm việc với các sở, ngành, đơn vị có trách nhiệm và đưa ra 68 vị trí để lập 78 trạm thu phí xe vào nội đô.
Vị trí các trạm thu phí nằm ở khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố và lấy đường Vành đai 3 làm ranh giới. Trong đó có các vị trí như: Nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Nút giao Big C Thăng Long, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Giải Phóng, Cổ Linh - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hoàng Quốc Việt, Võ Chí Công, cầu Đông Trù, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì…
Thời gian thu phí xe vào nội thành là ban ngày, khung giờ 5h-21h, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.
Nhiều tuyến phố ở Hà Nội thường xuyên gặp tình trạng ùn tắc. |
Về lộ trình triển khai, đơn vị tư vấn đề án cho biết, có ba giai đoạn, gồm: Từ năm 2021 đến 2025: nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện triển khai thu phí; Từ năm 2025 đến 2030: xây dựng dự án và tổ chức thí điểm thực hiện thu phí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; Từ năm 2030: xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án.
Sau khi xác định được vị trí đặt các trạm thu phí, thời gian thực hiện, sắp tới đơn vị tiếp tục làm việc với Sở GTVT Hà Nội và các bộ phận có liên quan để xác định cụ thể về nội dung, bản chất của loại phí mới. Cùng với đó xác định rõ phạm vi thu phí, đối tượng thu phí; hình thức đầu tư các trạm thu phí, mức phí và công nghệ thu phí...
Đánh giá về giải pháp thu phí này, đơn vị tư vấn cho rằng, việc thu phí đối với phương tiện giao thông đường bộ vào một số khu vực là giải pháp kinh tế. Giải pháp này có mục đích là nhằm hạn chế phương tiện giao thông đi vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Mặc dù hình thức thực hiện này đã được nhiều nước trên thế giới, trong khu vực áp dụng có hiệu quả, tuy nhiên đối với nước ta vẫn là một vấn đề vừa mới vừa quan trọng.
Trước đó, Hà Nội đã thông qua lộ trình quản lý phương tiện cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030 (Đề án quản lý xe cá nhân) hồi tháng 7/2017.
Xuân Hinh
-
Quảng Ngãi: Các khu vực đỗ xe tránh mưa lũ
-
Đường sắt Việt Nam bán vé tàu qua bản đồ trực tuyến
-
Quy định mới về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục
-
Thiết kế nội thất Nhà ga hành khách sân bay Long Thành thể hiện tính dân tộc, văn hóa, truyền thống
-
Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025