FDI vào dệt may Việt Nam vẫn tăng mạnh
Dệt May Việt Nam có sức hút lớn
PV: Thưa ông, xin ông cho biết năm 2017, tình hình đầu tư nước ngoài vào DMVN như thế nào?
Ông Vũ Đức Giang: Dù chưa có TPP thì FDI đổ vào ngành dệt may ở Việt Nam vẫn rất cao, tới hơn 3 tỉ USD. Đây là một điều đáng ngạc nhiên và cũng chứng tỏ rằng, DMVN có sức hút rất lớn, là điểm đến đầu tư hấp dẫn. So với năm 2016, thì lượng FDI vào DMVN năm nay tăng hơn 10%. Tuy nhiên, dòng đầu tư này đã được chuẩn bị từ năm 2015 cho tới nay, chứng tỏ có một chiến lược đầu tư dài hơi vào Việt Nam. Song song đó, việc kim ngạch xuất khẩu tăng tương ứng khoảng 10% cũng là dấu hiệu đáng mừng.
PV: Theo ông nhận định, DMVN có những cơ hội và thách thức nào từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Ông Vũ Đức Giang: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho chúng ta cơ hội tốt để vận dụng mà phát triển nhanh. Chúng ta có thể đưa vào những giải pháp công nghệ, quản trị, đem lại năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, do đó mà nâng cao năng lực cạnh tranh của DMVN lên hơn nữa. Hội nghị APEC tổ chức tại Việt Nam năm 2017 cũng là cơ hội tuyệt vời giới thiệu Việt Nam ra với thế giới và các nhà đầu tư thế giới, trong đó có các nhà đầu tư về dệt may. APEC cũng tạo ra tầm nhìn của Chính phủ nói riêng và thể chế trong phát triển thị trường nói chung. Các nước trên thế giới cũng có dịp kiểm định lại, đánh giá Việt Nam là nước có thị trường mở, thuận lợi cho thương mại, đầu tư… Nhờ đó mà tiềm năng đầu tư nước ngoài vào DMVN sẽ càng khởi sắc. Hiện nay, chúng ta đã có nhiều nhà đầu tư mạnh đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Hongkong, Thái Lan…
Dệt may Việt Nam có sức hút lớn, là điểm đến đầu tư hấp dẫn |
PV: Ông dự đoán thế nào về tình hình đầu tư nước ngoài vào DMVN trong dài hạn?
Ông Vũ Đức Giang: Ngành công nghiệp DMVN còn tiếp tục hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài cho tới năm 2040, tiếp tục hút mạnh nguồn vốn FDI. Đơn cử, khi các nhà đầu tư nước ngoài hiện đã đầu tư vào DMVN và phát triển tốt, họ sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư khác tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của DMVN trong năm 2017 là minh chứng cho điều đó. Cuối năm 2016, khi không có TPP, chúng tôi dự đoán KNXK của DMVN năm 2017 chỉ là 29,5 tỉ USD. Nhưng nửa cuối năm, xuất khẩu DMVN đã tăng mạnh, nhất là quý IV có tăng trưởng mạnh nhất, nên KNXK của DMVN năm 2017 chắc chắn đạt mức 31,5 tỉ USD. Đây là một đột phát của DMVN trong bối cảnh không có TPP.
Thời trang Việt Nam cần có thương hiệu xuất khẩu
PV: Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các doanh nghiệp nước ngoài, thì doanh nghiệp DMVN cần lưu ý điều gì để không bị thua thiệt và bị loại ra khỏi cuộc chơi?
Ông Vũ Đức Giang: Các doanh nghiệp DMVN cần lưu tâm ba điều: Thứ nhất, phải giải quyết phần cung thiếu hụt hiện nay trong khâu dệt vải. Nên đầu tư nguyên liệu vải dệt thoi, dệt kim cao cấp, sợi cao cấp chỉ số từ 120-160. Thứ hai, đầu tư nguồn nhân lực đủ trình độ. Thứ ba, đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa cao để tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp DMVN.
PV: Với cương vị Chủ tịch VITAS, ông có ý kiến đề xuất gì về cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với DMVN?
Ông Vũ Đức Giang: Chúng tôi mong rằng, Chính phủ, Bộ Công Thương sớm hoạch định chiến lược DMVN đến năm 2040, quy hoạch khu công nghiệp dệt may chuẩn mực về xử lý chất thải, về mức độ xanh, sạch, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, để các nhà mua là khách hàng của doanh nghiệp DMVN đánh giá được về khả năng cạnh tranh, đáp ứng về môi trường, chế độ cho người lao động, về văn hóa… mà hợp tác lâu dài với doanh nghiệp DMVN. Cần tạo nền tảng chính sách ổn định, và các địa phương cũng phải tuân thủ chính sách này để DMVN có thể phát triển bền vững, giải quyết dứt điểm được tình trạng đầu tư manh mún, cạnh tranh lao động không lành mạnh diễn ra bao lâu nay.
PV: Ông có kỳ vọng gì thương hiệu thời trang Việt, khi sản xuất DMVN đã rất phát triển?
Ông Vũ Đức Giang: Các doanh nghiệp DMVN cần xây dựng tầm cao hơn, phải có thương hiệu sản phẩm của riêng mình. Cần có chiến lược dài hơn, tận dụng công nghệ, cùng với nguồn lực quản trị chất lượng cao để tạo nên sản phẩm thương hiệu Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới. Riêng với các sản phẩm thời trang thương hiệu Việt Nam, thì chúng tôi mong rằng, tới năm 2025 DMVN có thể đưa ra 5% thương hiệu thời trang của chính mình trong tổng lượng hàng xuất khẩu. Hiện nay, ngành sợi, khăn, phụ liệu Việt Nam đã tạo dựng được thương hiệu riêng của mình và xuất khẩu tới 3 tỉ USD năm 2017, đó là điều rất đáng mừng. Do đó, các nhãn hiệu thời trang của Việt Nam cần phấn đấu để tăng sức cạnh tranh, được thị trường thế giới chấp nhận.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đặng Thanh
-
Xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng bứt phá
-
Tin tức kinh tế ngày 5/11: Xuất nhập khẩu gạo 10 tháng lập kỷ lục
-
Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 9 tháng năm 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 3/10: Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh
-
Tin tức kinh tế ngày 29/9: Thu hút FDI là điểm sáng kinh tế Việt Nam 2024
-
Châu Âu diễn tập đối phó sự kết thúc của thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga
-
Những bất ổn mới cho giá dầu thế giới?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 11/11 - 16/11
-
Hoa Kỳ sẽ không thực hiện các hợp đồng LNG trị giá hàng chục tỷ đô la cho châu Âu
-
Tin tức kinh tế ngày 15/11: Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT 6 tháng đầu năm 2025