Cù lao? Có năm thứ cù lao
Học giả An Chi: Hai tiếng “cù lao” mà bạn hiểu là “chỉ một doi đất nổi lên ở giữa sông” là một khái niệm về địa lý tự nhiên, bắt nguồn từ tiếng Mã Lai pulau, có nghĩa là “đảo”, mà phương Tây thường phiên âm thành poulo, còn tiếng Việt thì lại phiên thành… cù lao. Chúng tôi chưa tìm được nhiều thí dụ về mối lương duyên ngữ học cụ thể giữa p- của pulau với k- của cù lao; nhưng ít nhất ta cũng có một trường hợp đồng dạng tương ứng nữa nên có thể khẳng định đây là một điều chắc chắn: police (Pháp) cú-lít (Việt). Do mối quan hệ từ nguyên này mà trong khi Đông Nam Á có nhiều pulau thì Việt Nam ta cũng có nhiều… cù lao: Cù lao Chàm, Cù lao Giêng, Cù lao Phố, Cù lao Rồng v.v…
Dĩ nhiên là hai tiếng cù lao trên đây chẳng có liên quan gì đến hai tiếng cù lao dùng để nói về công lao cha mẹ. Một đằng là gốc Mã Lai còn một đằng lại gốc Hán, bắt nguồn ở hai từ ghi bằng hai chữ 劬勞Ù, mà âm Hán Việt hiện đại là… cù lao. Hai chữ cù lao này thì lại xuất xứ từ Kinh Thi:
Phụ hề sinh ngã,
Mẫu hề cúc ngã,
Ai ai phụ mẫu
Sinh ngã cù lao,
Dục báo thâm ân,
Hạo Thiên võng cực.
Nghĩa là: Cha thì sinh ta, mẹ thì nuôi ta, thương thay cha mẹ sinh ta, nuôi dưỡng khó nhọc, muốn báo ơn sâu, ơn đức của cha mẹ mênh mông như bầu trời.
Ta thường nói chín chữ cù lao (Cửu tự cù lao), tức là chín điều khó nhọc của cha mẹ sinh dưỡng con cái. Chín chữ đó là: Sinh (sinh đẻ), Cúc (nâng đỡ), Dục (dạy dỗ), Phủ (vuốt ve), Xúc (cho bú sữa), Trưởng (nuôi cho khôn lớn), Cố (trông nom), Phục (ôm ấp), Phúc (bảo vệ).
Nhưng còn một thứ cù lao nữa mà có lẽ bạn chưa nghe nói đến. Thứ cù lao này thuộc về lĩnh vực ẩm thực trong tiếng Việt miền Nam, mà “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức (Khai Trí, Sài Gòn, 1970) giảng là: “Cái lẩu, đồ đựng thức ăn có nước, giữa có ống đựng than lửa”. Trước năm 1955, khi tác giả của những dòng này chưa ra Bắc thì ở trong Nam, người ta vẫn còn gọi cái lẩu là cù lao; đến năm 1975, khi trở về thì đã nghe bàn dân thiên hạ gọi cù lao thành lẩu.
Ngoài ra, để “tận thu” từ ngữ, xin nói với bạn rằng còn một thứ cù lao nữa mà “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức giảng là “cái quai trên đầu quả chuông”. Ở đây đã xảy ra một sự nhầm lẫn do từ nguyên dân gian đưa đến. Hai tiếng cù lao ở đây chẳng qua là do nói chệch từ hai tiếng bồ lao mà chữ Hán là 劬勞Ù, được “Hán Việt tân từ điển” của Nguyễn Quốc Hùng giảng như sau: “Tên một loài thú, có thuyết bảo là một loài chim cực lớn, thường đánh nhau với cá kình ngoài biển để giành mồi. Mỗi lần đánh nhau thì chim bồ lao kêu vang động một vùng. Vì vậy về sau người ta đúc hoặc khắc hình chim bồ lao ở chuông và khắc hình cá kình ở dùi đánh chuông, mong cho tiếng chuông đánh lên sẽ vang xa như tiếng kêu của chim bồ lao khi đánh nhau với cá kình”. Từ hải nói rõ hơn rằng, chính cái núm chuông mới là hiện thân của con chim bồ lao và cũng chính vì thế nên trong Nam mới gọi chệch cái núm chuông từ bồ lao thành cù lao.
Cuối cùng là cái… đít chai mà “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức giảng là “cái đáy ve nổi u lên để chịu sức nặng của nước”. Khi cái chai còn đọng một phần nước ở đáy thì cái cục u đó nổi lên như một hòn đảo tí hon và làm ẩn dụ cho cái cù lao.
Thế là ta có năm thứ cù lao.
A.C
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn
- Tử vi ngày 12/10/2024: Tuổi Mão phúc lộc dồi dào, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 11/10/2024: Tuổi Tý đạt được mục tiêu, tuổi Thân tia sáng hy vọng
- Tử vi ngày 10/10/2024: Tuổi Dần tài lộc hanh thông, tuổi Dậu nhìn xa trông rộng