Cóc hay là cáo?
Học giả An Chi: Nhiều người chưa hiểu rõ câu “Cóc chết ba năm quay đầu về núi” là phải. Về vấn đề này, trong bài “Tại sao một số thành ngữ, tục ngữ lại khó hiểu?” (Thông tin Khoa học & Công nghệ, Thừa Thiên - Huế, số 3/1996), chúng tôi đã viết như sau (ở đây có chỉnh sửa đôi chút):
“Đó là do người viết văn thời nay đã vô tình hoặc cố ý bóp méo một số thành ngữ, tục ngữ, chủ yếu là thành ngữ, mà làm cho chúng trở nên dị dạng so với hình thức gốc. Những dạng thức mới này thực chất chỉ là những thành ngữ dỏm vì người viết không nắm vững từ ngữ nên đã viết sai một cách vô ý thức hoặc vì người viết tuy có vốn từ ngữ phong phú nhưng lại “cải biên” thành ngữ không đúng điệu, nên cuối cùng cũng làm cho chúng “không giống ai”. Từ điển thành ngữ Việt Nam của Viện Ngôn ngữ học do Nguyễn Như Ý chủ biên đã ghi nhận câu “Cóc ba năm lại quay đầu về núi” (lấy ở báo Tiền phong ngày1/7/1977). Hình thức gốc (và đúng) của câu này là “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”. Ta đâu có thể nào tự tiện đổi “cáo” thành “cóc” được, vì nếu có thể hoán vị một cách tùy tiện như thế thì biết đâu sẽ chẳng có người hứng chí mà tuyên bố rằng “con cáo là cậu ông trời” để làm một cuộc đổi đời vì xưa nay ai cũng biết rằng, cậu của ông ta chỉ là con… cóc trong ngôn ngữ dân gian mà thôi”.
Chúng tôi đã viết như thế cách đây 17 năm, còn lần này xin nói thêm như sau. Nếu những người tập hợp thành ngữ thành từ điển để làm khuôn vàng thước ngọc cho người xài tiếng Việt noi theo mà kỹ lưỡng đến nơi đến chốn thì có thể là họ đã gạt bỏ câu này một cách không thương tiếc. Hay là họ muốn tận dụng những câu như thế này để làm cho sách của mình dày thêm? Chính vì những sự “buông thả” như thế mà nhiều câu thành ngữ “khuyết tật” mới có cơ hội len lỏi vào kho văn học dân gian rồi được “phát tán”. Câu này cũng vậy. Xin bạn đọc bài “Tâm thức cội nguồn” của PVM trên Thanh niên Online ngày 26/2/2012. Tác giả này đã viết:
“Cóc chết ba năm còn quay đầu về núi” - câu ngạn ngữ đầy ẩn dụ. Bởi cóc có một bản năng “tìm về mái nhà xưa” rất đáng nể. Hãy bắt một “cậu” cóc thường tá túc nơi góc hiên nhà, lấy sơn trắng bôi lên đầu làm dấu rồi di dời cậu ta ra ngoài gò mả thật xa. Đảm bảo vài ba ngày sau lại thấy cậu lim dim cặp mắt ngồi lù lù nơi chỗ cũ”.
Cứ làm như đó là một câu thành ngữ đích thực! Chúng tôi nêu thí dụ trên đây làm một dẫn chứng để cho thấy cái câu trẹo trọ kia đã được một số người sử dụng mà không hề quan tâm đến mối quan hệ giữa chủ thể “cóc” với quê hương của nó là “núi” (dĩ nhiên là chỉ theo lời của câu trẹo trọ kia). Thực ra, môi trường sinh sống của cóc chủ yếu là đồng bằng và rừng rậm chứ không phải núi. Huống chi nếu cóc chết đi thì xác của nó sẽ phân hủy trong một thời gian ngắn chứ làm sao có chuyện đã chết ba năm rồi mà nó còn quay đầu về núi! Vậy ta phải quẳng cóc đi mà trả chỗ cho cáo.
Về câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi” thì trên Kiến thức Ngày nay số 304 (10/1/1999), chúng tôi đã viết (có sửa chữa):
“Câu này bắt nguồn ở thành ngữ tiếng Hán “hồ tử thú khâu” [狐死首丘] (cáo chết hướng [về] gò), thường nói tắt thành “thú khâu” 首丘 (= hướng về phía gò). “Hồ tử thú khâu” thực chất là một lối dụng điển vì thư tịch Trung Hoa xưa từng nói đến chuyện này. Thiên “Đàn Cung” trong sách Lễ ký viết: “Người đời xưa có lời nói rằng cáo chết hướng về đúng gò; ấy là nhân vậy” (Cổ chi nhân hữu ngôn viết: Hồ tử chính khâu thú; nhân dã). Bài “Ai Dĩnh” trong phần “Cửu chương” của Sở từ có câu “Cáo chết ắt quay về phía gò” (Hồ tử tất thú khâu). Truyện Khấu Vinh trong Hậu Hán thư có câu “Không bằng cái tình của con cáo chết mà (còn biết) hướng về gò” (Bất thắng hồ tử thú khâu chi tình). Thiên “Thuyết lâm” trong sách Hoài Nam Tử có câu “Chim bay về quê, thỏ chạy về hang, cáo chết hướng gò” (Điểu phi phản hương, thố tẩu quy quật, hồ tử thú khâu). Chữ nghĩa rành rành như thế thì sao lại có thể tùy tiện mà đổi cáo thành “cóc” được?”.
Cách đây 14 năm, chúng tôi đã viết như trên. Lần này xin nói thêm như sau. Với những văn liệu đã thấy, ta khó có thể nói rằng câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi” không phải do tích Tàu, sách Tàu mà ra. Có điều là tiền nhân của người Việt đã thêm mắm thêm muối nên làm cho câu thành ngữ càng khó hiểu với hai tiếng “ba năm”. “Hồ tử thú khâu” thì dịch thành “Cáo chết hướng (về) gò” là đủ rồi. Sao phải thêm “ba năm”? “Ba năm” là làm sao? Ba năm thì đã thịt nát xương tan tuyệt tích rồi còn đâu. Mà đây là lấy chuyện thực tế để ví von chứ đâu có phải chuyện vô hình, siêu nhiên mà hòng đem chuyện hồn của con cáo đã chết ra nói! Lại nữa, “khâu” cũng đâu phải là “núi” mà là “gò” và chỉ là một hoán dụ để chỉ cái hang của con cáo mà thôi. Câu thành ngữ này dùng để chỉ những người yêu quê hương, không phải là những kẻ vong bản, những người tuy sống ở tha phương nhưng muốn lúc chết thì được chôn ở quê nhà.
Thế nhưng trên trang tw.myblog.yahoo.com/mchuchen, người ta lại đem câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi” ra dịch ngược trở lại sang tiếng Tàu thành “Hồ ly tử tam niên nhưng trạo đầu hướng sơn khâu” [狐狸死三年仍掉頭向山丘] rồi còn giải thích rằng, nó tương ứng với câu “Hồ tử thú khâu” của Tàu nữa! Không biết Tàu đọc đến đó có phì cười hay không, nhất là với hai tiếng “ba năm”?
A.C
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn
- Tử vi ngày 12/10/2024: Tuổi Mão phúc lộc dồi dào, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 11/10/2024: Tuổi Tý đạt được mục tiêu, tuổi Thân tia sáng hy vọng
- Tử vi ngày 10/10/2024: Tuổi Dần tài lộc hanh thông, tuổi Dậu nhìn xa trông rộng