Chủ động đổi mới tư duy khoán, quản trị chi phí
TKV đã có 12 lần nghiên cứu, sửa đổi điều chỉnh cơ chế khoán để phù hợp với yêu cầu quản lý của từng giai đoạn và bình quân 3 năm thay đổi cơ chế khoán một lần. Từ năm 2006, Tập đoàn áp dụng khoán giá thành theo đơn giá công đoạn tổng hợp. Đến nay, đơn giá công đoạn tổng hợp đã được rà soát, điều chỉnh 5 lần vào năm 2006, 2008, 2012, 2017 và 2021 (theo QĐ số 1892 ngày 25/8/2006, QĐ số 3026/QĐ-KH ngày 16/12/2008, QĐ số 2634 ngày 20/12/2012, QĐ 199 ngày 10/2/2017, QĐ số 1829 ngày 29/12/2021).
Công tác giao khoán chi phí sản xuất tiếp tục được các đơn vị triển khai đồng bộ và dần hoàn thiện. Đến nay, tất cả các đơn vị đã triển khai giao khoán chi phí xuống các công trường phân xưởng, tổ đội. Các đơn vị đều đã ban hành quy chế khoán nội bộ, có chế tài thưởng phạt rõ ràng, tạo động lực tiết kiệm chi phí đến từng người lao động.
Năm 2014, do khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, sản lượng than tiêu thụ giảm, hiệu quả kinh doanh giảm. Trước diễn biến của cuộc khủng hoảng, lãnh đạo Tập đoàn đã triển khai giải pháp chủ yếu nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2015 - 2020, ban hành Quyết định số 2070/QĐ-TKV ngày 15/10/2015, theo đó các giải pháp kỹ thuật công nghệ đầu tư, giải pháp về tổ chức điều hành sản xuất, giải pháp về cơ chế quản lý điều hành KHPHKD và khoán chi phí đã được ban hành. Đây là bước ngoặt về đổi mới sáng tạo giúp TKV vượt qua khó khăn và tăng tốc bứt phá giai đoạn 2014 - 2023.
Thay vì thanh toán cho các công ty kho vận, tuyển than để các công ty này chuyển tiền trả cho các công ty khai thác, từ năm 2015, TKV thực hiện thanh toán tiền than trực tiếp đến các công ty khai thác, theo đó đã tăng hiệu quả sử dụng vốn trong toàn Tập đoàn.
Có thể khẳng định, khoán quản trị chi phí là mô hình sáng tạo đã được lãnh đạo Tổng công ty Than Việt Nam trước đây và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) quan tâm chỉ đạo xây dựng và liên tục sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với các quy định của pháp luật và điều kiện thực tế trong hoạt động SXKD của TKV từng thời kỳ kể từ khi thành lập đến nay.
Trải qua 12 lần nghiên cứu, sửa đổi điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu quản lý của từng giai đoạn, từ khoán theo chi tiết, theo yếu tố hình thành nên giá thành từ định mức kinh tế kỹ thuật của các đơn vị, Tập đoàn đã áp dụng khoán giá thành theo đơn giá công đoạn tổng hợp dựa trên các chỉ tiêu định mức trung bình tiên tiến. Từ khoán quản trị chủ yếu áp dụng trong khối than đến nay đã nhân rộng ra mô hình khoán cho lĩnh vực khoáng sản, hóa chất, điện lực... Riêng lĩnh vực pha trộn chế biến đang được nghiên cứu và hoàn thiện trong năm 2024.
Thông qua mô hình khoán quản trị mà TKV đã huy động được sức mạnh nội lực tăng sản lượng than khai thác đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, tạo ra sân chơi bình bình đẳng cho các công ty con đơn vị, điều tiết được địa tô tăng được sản lượng than khai thác.
Tổng số tiết kiệm chi phí khoán năm 2023 toàn Tập đoàn là 850 tỷ đồng. Đó cũng chính là “quả ngọt” của việc ban lãnh đạo Tập đoàn đã chủ động đổi mới tư duy điều hành, đổi mới quản trị doanh nghiệp. Có thể đánh giá giai đoạn 2014 - 2023 là giai đoạn bứt phá thành công của TKV, cụ thể: doanh thu giai đoạn 2014 - 2023 bình quân một năm có mức doanh thu gấp hai lần của giai đoạn 2004 - 2013; nộp ngân sách Nhà nước một năm của giai đoạn 2014-2023 có số tiền nộp ngân sách Nhà nước lớn hơn 1,41 lần của giai đoạn 2004 - 2013. |
P.V