Chiến lược vắc xin: Những điều chỉnh "cần làm nhất", "cần làm ngay"
Thực tế, mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp "mạnh tay" nhưng dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại TPHCM và nhiều tỉnh thành phía Nam, gây ra hậu quả nặng nề.
Như chúng ta đã biết, tiêm chủng vắc xin được coi là một trong những biện pháp cơ bản, bền vững để chống dịch Covid-19 do tạo ra được miễn dịch cộng đồng chủ động.
Đến nay, công thức phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được điều chỉnh, đó là 5K + Vắc xin + Công nghệ và tùy nơi còn bổ sung "+ Điều trị tốt". Cần nhấn mạnh rằng, không phải đến tận bây giờ, mà ngay từ khi dịch bệnh mới xảy ra, Đảng và Chính phủ ta đã rất quan tâm đến vấn đề vắc xin.
Ngày 10/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 với mục tiêu tiêm 150 triệu mũi cho khoảng 75 triệu người.
Gần đây, Chính phủ cũng đã thông qua một chiến lược ngoại giao vắc xin, nhờ đó Việt Nam đã tiếp nhận được khoảng 21 triệu liều vắc-xin từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 51 triệu liều vắc xin các loại về Việt Nam. Đặc biệt khoảng giữa tháng 9/2021 Nanocovax - một loại vắc xin do Việt Nam sản xuất, có thể sẽ được đưa vào sử dụng.
Kết quả đến ngày 22/8, trên cả nước tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 17.065.896 liều, trong đó tiêm một mũi là 15.274.648 liều, tiêm mũi 2 là 1.791.248 liều.
Với những thông tin trên cho thấy Việt Nam đang rất nỗ lực để tìm kiếm nguồn vắc xin - trên một thị trường rất khan hiếm và đang rất quyết liệt tổ chức tiêm vắc xin cho nhân dân, nhất là đồng bào trong các vùng dịch đang bùng phát.
Chiến lược vắc xin cần có sự linh hoạt để phù hợp với diễn biến của dịch cũng như nguồn cung vắc xin. Vậy trong bối cảnh hiện tại, chiến dịch tiêm chủng vắc xin của Việt Nam nên được thực hiện như thế nào?
Trước khi nói về vấn đề này, tôi xin đề cập một số vấn đề có tính chuyên môn về vắc xin.
Vắc xin là một loại "thuốc" gián tiếp, sau khi tiêm vào cơ thể phải có thời gian (khoảng sau nửa tháng trở đi, tùy loại vắc xin) cơ thể mới sinh ra kháng thể và rồi mới phát huy tác dụng ngừa được nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là cơ sở khoa học quan trọng nhất cần nắm để tổ chức tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.
Vậy để ngăn chặn sự lây lan của dịch, nhất là phòng ngừa dịch bùng phát thì phải ưu tiên tiêm chủng vắc xin sớm cho những địa phương có nguy cơ bùng phát dịch. Phải tiêm sớm như vậy thì mới có đủ thời gian để sinh kháng thể trong cơ thể người được tiêm, hiệu quả phòng dịch sẽ tốt hơn.
Còn ở những khu vực dân cư mà dịch đã bùng phát rồi mới tiêm vắc xin thì chắc chắn là cơ thể không kịp sinh ra kháng thể, nên hiệu quả phòng dịch sẽ không cao. Đặc biệt, ở khu vực dân cư có tỷ lệ người nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng đã ở mức cao (trên 50%) thì việc tiêm vắc xin không có nhiều ý nghĩa. Lý do là ở những nơi này miễn dịch cộng đồng tự nhiên đã có.
Ở Việt Nam hiện tại, địa phương nào cũng cần được tiêm vắc xin. Tuy nhiên, do nguồn vắc xin đang chưa đầy đủ vì vậy rất mong Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đưa ra lựa chọn ưu tiên cung cấp vắc xin nhằm đẩy mạnh hơn việc tiêm chủng vắc xin ở những tỉnh, thành đang có nguy cơ bùng phát dịch cao, đặc biệt là cho Thủ đô Hà Nội. Đây là sự điều chỉnh rất cần thiết!
Đi sâu vào tình hình ở Hà Nội, chúng ta đều thấy rõ, thời gian qua, chính quyền Thủ đô đã có những hành động chống dịch rất quyết liệt, chủ động và linh hoạt như có các Công điện 15, 16, 17 rồi thực hiện giãn cách xã hội rất sớm và kéo dài cho đến 6/9; tổ chức truy vết F0 thần tốc để cách ly, khoanh vùng và xử lý… Chính vậy, cho đến nay, Hà Nội đã kiềm chế được sự lây lan của dịch và giữ không cho dịch bùng phát lớn như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…
Tuy nhiên, hiện tại nguy cơ bùng phát dịch ở Hà Nội vẫn là rất rõ, cận kề và bất cứ lúc nào.
Thủ đô Hà Nội là nơi có dân số xấp xỉ 10 triệu người, mật độ dân số rất cao nên chỉ dùng biện pháp 5K và thực hiện chỉ thị 16 thì chắc khó mà giữ được việc tránh bùng phát dịch.
Hà Nội là thành phố có nguồn lực dù lớn nhưng thời gian qua đã vừa chống dịch cho chính mình, vừa chi viện cho các tỉnh thành khác, nên chắc chắn nguồn lực đã có phần bị vơi bớt (đội ngũ cán bộ y tế, thuốc men, máy móc, gạo, tiền…).
Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước. Vậy, giữ để không bùng phát nặng dịch Covid-19 ở Hà Nội chính là giữ cho cả nước, là cách đảm bảo sự chi viện chống dịch tốt nhất cho TPHCM và các tỉnh thành khác.
Với những lý do đó, tôi cho rằng, lúc này đẩy mạnh hơn nữa tiêm chủng vắc xin cho Thủ đô Hà Nội đã trở thành một việc cần làm nhất, cần làm ngay. Qua bài báo này, tôi tha thiết đề nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quan tâm ý kiến này để ưu tiên có vắc xin cho Hà Nội.
Theo tôi, khoảng từ 14 triệu đến 18 triệu liều vắc xin là có thể yên tâm có miễn dịch cộng đồng cho toàn thành phố Hà Nội. Với những nguồn vắc xin đã ký mua được và của Việt Nam sản xuất được (từ giữa tháng 9, nếu được thông qua) thì số lượng ấy là không quá lớn, không ảnh hưởng nhiều đến nguồn vắc xin để cung cấp cho các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch khác trong cả nước.
Với những vùng đã có dịch bùng phát rồi, tôi cho rằng nên ưu tiên hơn việc điều trị (đó là sắp xếp để có nhiều hơn các cơ sở điều trị Covid-19, bổ sung thêm nhiều cán bộ y tế, cung cấp đủ thuốc kháng viêm, thuốc chống rối loạn đông máu, ô-xy, máy thở, máy trợ thở…) để hạn chế số người bệnh nặng và giảm đến mức thấp nhất số người bị tử vong do Covid-19. Những vùng bị dịch nặng đó nên tổ chức làm xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 để tìm được đúng những người cần tiêm vắc xin (là người trong cơ thể chưa có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2) thì mới có hiệu quả cao, tránh gây ra những phản ứng không có lợi, đỡ tốn vắc xin khi tiêm cho những cá thể không cần phải tiêm nữa và cũng để tiết kiệm vắc xin dành tiêm cho người cần tiêm.
Sự thành công của chiến dịch tiêm chủng vắc xin không chỉ được quyết định bởi phương án phân bổ vắc xin, mà còn ở tính hiệu quả của chiến lược triển khai tiêm chủng.
Theo tôi, có 7 điểm cần lưu ý để tối ưu hiệu quả tiêm chủng vắc xin:
- Có sự ưu tiên cho đúng đối tượng: Cần thấy, ở các địa phương, bao gồm cả Hà Nội - là vùng có nguy cơ bùng phát dịch rất cao, thì ai cũng cần được tiêm vắc xin. Nhưng vì nguồn vắc xin còn hạn chế, nên cần có sự ưu tiên hợp lý cho các đối tượng như trong Nghị quyết 21/NQ-CP. Trong đó, cần chú ý ưu tiên hơn các đối tượng là những người làm công việc phải tiếp xúc với người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 (như cán bộ y tế, những người làm các dịch vụ liên quan đến người bệnh), hoặc phải tiếp xúc với nhiều người (như người giao hàng, cung cấp dịch vụ…).
- Xác định vùng ưu tiên hợp lý để tiêm vắc xin: Tiêm ngay nhân dân ở những "vùng vàng" rồi đến "vùng xanh". Còn vùng da cam, đặc biệt là vùng đỏ thì nên làm xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 trước, và chỉ tiêm vắc xin cho những người chưa có kháng thể.
- Cần tổ chức tiêm vắc xin hợp lý và thuận tiện nhất cho nhân dân, như đưa các điểm tiêm vắc xin về gần dân nhất, lập nhiều trạm tiêm vắc xin lưu động gọn nhỏ đặt ngay các khu phố, ở đó có cán bộ chuyên môn thực hiện tiêm. Có thông báo trước để nhân dân ở nhà và ra điểm tiêm chủng đúng giờ theo hẹn, tránh chờ đợi đông người ở địa điểm tiêm.
- Cần ứng dụng công nghệ để hẹn giờ, lập lịch, quản lý tiêm, liên hệ hai chiều khi cần thiết, báo cáo, quản lý và theo dõi.
- Phải thực hiện việc minh bạch loại vắc xin, số lượng vắc xin và đối tượng ưu tiên trong quá trình tiêm chủng.
- Cần có chỉ tiêu, kế hoạch, biện pháp, cách thức tiêm cụ thể, linh hoạt và phải quyết tâm thực hiện theo kế hoạch đó.
- Người dân cần tham gia chiến dịch tiêm chủng vắc xin này một cách trách nhiệm nhất, chấp hành cao nhất và nhân văn nhất.
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí
Anh hùng Lao động, Đại biểu Quốc hội khóa XV
Dân trí
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí