Cấp bách “giải cứu” người dân khu bãi rác Củ Chi
Vấn đề ô nhiễm môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) và những cảnh báo về những hệ lụy mà nó có thể dẫn đến đã được đề cập hàng chục năm nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, câu chuyện này lại đang trở lên “nóng ran” hơn bao giờ hết khi tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước… trở lên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Khói bay mù mịt tại khu Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi |
Theo thông tin được lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi chia sẻ với báo chí thì, qua khảo sát, mùi hôi từ khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc phát sinh ra ngoài tập trung chủ yếu ở hoạt động xử lý rác, khu vực ô nhiễm mùi hôi có bán kính lên đến 10km. Vào mùa mưa, kết hợp với triều cường, tình hình thu gom nước thải tại đây vẫn chưa đảm bảo, đất đai quanh khu vực xử lý rác bị bỏ hoang, không thể canh tác, đời sống của người dân bị ảnh hưởng.
Còn theo những hộ dân sinh sống tại khu vực này thì tình trạng ô nhiễm bắt đầu xuất hiện chỉ vài năm sau khi Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đi vào hoạt động (năm 2003). Nước trong giếng đào ngả màu, đóng phèn, có mùi lạ.
Nhưng theo bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, mùi hôi thối chỉ là một phần của sự ô nhiễm. Nước từ rác thải đã ngấm xuống đất, khu vực đó không thể có cây nào sống được.
Tính chất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một lớn khi theo lãnh đạo huyện Củ Chi thì mùi hôi thối từ hoạt động xử lý rác không chỉ lan tỏa ở xã Thái Mỹ, Phước Hiệp mà hiện đã lan tới cả khu vực thị trấn Củ Chi, xã Tân An Hội, Phước Thạnh, Trung Lập Thượng, Phước Vĩnh An.
Phản ánh với báo chí về tình trạng ô nhiễm ở khu vực này, ông Đinh Xuân Chín trú tại tổ 14, ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi cho biết, thời điểm ông mới về đây lập nghiệp (20-30 năm trước) thì khu vực này có môi trường rất tốt. Những hàng cây rợp bóng, cùng ao hồ nước trong xanh…Tuy nhiên từ khi khi các nhà máy xử lý rác thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đi vào hoạt động (năm 2003) thì môi trường tại khu vực bắt đầu bị ảnh hưởng, ngày một nặng nề. Gần như 24/24h trong ngày các thành viên trong gia đình ông và láng giềng đều bị “ngâm" trong cái mùi hôi thối nồng nặc.
Những núi rác khổng lồ bên trong khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi). |
Số liệu thống kê từ Sở TN&MT TPHCM, mỗi ngày thành phố phát sinh gần 10.000 tấn rác thải, được chuyển về 4 đơn vị để xử lý. Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đảm nhiệm xử lý khoảng 3.200 tấn/ngày. Trong khu này hiện có hai nhà máy của Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar hoạt động, với công nghệ hiện hữu là đốt, ủ phân compost và chôn lấp.
Năm 2009, cả hai Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar đồng loạt khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện theo công nghệ hiện đại. Trong đó, nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa có vốn lên đến 5.000 tỷ đồng, công suất xử lý rác khoảng 1.000 tấn/ngày, còn nhà máy của Vietstar xử lý gần 2.000 tấn/ngày. Các nhà máy dự kiến hoạt động vào cuối năm 2020, hứa hẹn giải quyết đáng kể lượng rác phải chôn lấp. Tuy nhiên, hiện tại việc chuyển đổi trên vẫn "bất động" vì chờ thủ tục, trong khi lượng rác vẫn tăng lên mỗi năm.
Nỗi thống khổ của người dân quanh khu vực bãi rác Củ Chi đã đến mức cùng cực. Gần 20 năm sống trong bầu không khí ô nhiễm, độc hại như vậy, không biết sức khỏe của họ sẽ như thế nào khi mà những đụn khói đen xì ngày ngày bủa vây, những dòng nước rỉ sét, đen ngòm từ các khu chôn lấp chảy vào, nhuộn đen xì các dòng kênh, con rạch.
Trao đổi với Petrotimes xung quanh chủ đề “nóng” về vấn đề xử lý rác sinh hoạt cũng như rác công nghiệp được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa rồi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng đây là thách thức lớn đối với không chỉ Việt Nam mà của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo ông Huân, nếu xử lý rác thải không đúng cách có thể gây ra nhiều vấn đề về môi trường, như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí… Hiện xu thế của thế giới đang là xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện.
Mặc dù đây là công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường song việc phát triển các nhà máy xử lý rác để phát điện ở Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều vấn đề. Thứ nhất là rác thải ở Việt Nam chưa được phân loại từ nguồn, rác vô cơ rác hữu cơ lẫn với nhau. Thứ hai là rác ở Việt Nam độ ẩm rất cao, lên tới 65% -70%, nhất là rác ở các tỉnh phía Nam và trong mùa mưa. Chính vì thế nếu đưa vào nhà máy đốt rác để phát điện thì chỉ còn khoảng 30% là có thể sử dụng làm chất đốt. Như vậy thì không hiệu quả.
Cách nhà máy xử lý rác khoảng 100 m, nước thải chảy ra khiến kênh 17 đổi màu nâu đen, nổi váng dầu. Lớp cặn màu trắng đục bám dưới đáy, cành cây. |
Hơn nữa, một số nhà máy cũng đốt rác phát điện thải ra lượng tro xỉ chôn lấp lên tới 25%, chưa kể từ 5% khí bụi bay ra ngoài. Vậy nhà máy xử lý được bao nhiêu? Khi tỷ lệ xử lý không đáng kể sẽ ảnh hưởng đến tài chính của doanh nghiệp bởi phát ít điện quá, hoặc sản xuất được lượng phân compost ít. Khi vấn đề tài chính không bảo đảm, nhà máy đóng cửa thì rác thải lại ùn ứ, lại phải chôn lấp!?
Và trên thực tế nhiều nhà máy xử lý rác tại Việt Nam vẫn dùng kết hợp nhiều phương pháp. Vừa chôn lấp, vừa đốt, vừa ủ rác làm phân vi sinh… “Trong rác thải có những chất như nhựa, bóng kính, hộp xốp, cao su… khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chất fura và dioxin - là những chất độc gây ung thư cho con người. Nếu muốn khử được thì phải có màng than hoạt tính, hoặc đốt nhiệt độ cao. Hai vấn đề này hiện ta chưa xử lý được” - ông Huân nhấn mạnh.
Thêm vào đó, các địa phương chưa đủ điều kiện để dịch chuyển sang công nghệ đốt rác phát điện (công nghệ và lựa chọn nhà đầu tư). Các quy trình thủ tục cũng chưa rõ ràng, dẫn đến lãng phí tài nguyên rác. “Lẽ ra cách làm đúng là các địa phương trước hết lựa chọn một khu đất sạch, giao cho công ty có công nghệ đốt rác tiên tiến để tập trung cho công tác xử lý rác. Đằng này một số nơi lại giao cho “mấy ông” với mục đích chủ yếu để lấy đất, còn việc xử lý rác tính sau!”, ông Huân nói.
Dòng nước đen được cho rỉ ra từ bãi rác, đi theo cách rãnh trồng cây chảy qua nhà dân |
Đề cập như vậy để thấy rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc không còn là cảnh báo mà là nguy cơ hiện hữu. Không chỉ đơn thuần là vấn đề môi trường mà đó còn là sức khỏe của hàng ngàn hộ dân nơi đây. Tính chất và mức độ nghiêm trọng của việc này cần phải được nhận diện một cách thẳng thắn, trách nhiệm từ phía các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương để từ đó có giải pháp quyết liệt, xử lý dứt điểm để “giải cứu” người dân.
Được biết, ngày 18/8 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có giao Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường lập đoàn thanh tra tình trạng ô nhiễm ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Rất mong với trách nhiệm được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sớm có kết luận chính thức, có câu trả lời thỏa đáng và đưa ra được giải pháp xử lý dứt điểm vấn đề này.
Người dân Củ Chi đã phải chung sống với môi trường độc hại này quá lâu. Chúng ta không thể chậm trễ, kéo dài hơn nữa!
Nhóm phóng viên