Làm giàu lòng nhân ái
“Người Việt Nam mình”, những lần ra nước ngoài tôi thường nghe câu nói này với tất cả lòng thương yêu, tự hào. Xa quê càng thấm thía cái nghĩa đồng bào. Hai tiếng đồng bào xuất phát từ truyền thuyết trăm trứng đẻ trăm con - nguồn gốc giống nòi cao quý, cùng chung một bọc, của dân tộc Việt. Hai tiếng đồng bào cũng gợi lên một phẩm chất đáng quý nhất được thử thách qua hàng nghìn năm lịch sử, qua những thời điểm khó khăn, nguy hiểm nhất, đó là lòng nhân ái.
Ca dao xưa viết: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Câu ca dao ấy có tuổi đời hẳn đã nghìn năm. Đó vừa là lẽ tự nhiên của người Việt (con người sinh ra tính vốn thiện), vừa là phương châm sống. Rất nhiều, rất nhiều những sáng tác dân gian nói về những con người thiện lương, quên mình vì người khác. Những Thạch Sanh, Lục Vân Tiên, Tống Trân, Lưu Bình - Dương Lễ... như những vì sao lấp lánh trên bầu trời nhân nghĩa Việt Nam. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai, dịch bệnh, lòng nhân ái cũng trở thành vũ khí giết giặc, trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn. Gần đây nhất, qua hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành đã có hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện cảm động trong việc trị bệnh cứu người, giúp nhau vượt khó, vượt cái chết trong gang tấc.
Bây giờ đã là áp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Truyền thống nhân ái như nguồn mạch mùa xuân ấm mỗi căn nhà, xóm thôn, đường phố. Không dừng lại ở những sự tương trợ, giúp đỡ cá nhân mà nhân ái đã trở thành phong trào, như những con sóng nhỏ nối nhau, lan tỏa, kết thành những con sóng lớn.
"Hội chợ 0 đồng" có những mặt hàng thiết yếu với giá 0 đồng gồm thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Báo Điện tử Tổ Quốc) |
Mới đây, ở hai đầu đất nước là Hà Nội và Bình Dương đã cùng tổ chức “Hội chợ 0 đồng” và “Chợ Tết 0 đồng”. Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) với sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Tết nhân ái, lan tỏa yêu thương” năm 2024 cho các bệnh nhân đang điều trị nội trú... Hội chợ có nhiều mặt hàng thiết yếu với giá 0 đồng, bao gồm thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người bệnh. Mỗi tấm phiếu có thể nhận được 5 món hàng miễn phí.
Còn tại Trung tâm Văn hóa xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã tổ chức 25 gian hàng, bán các loại nhu yếu phẩm giá 0 đồng cho 150 hộ có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi hộ gia đình tham gia nhận phiếu mua hàng trị giá một triệu đồng và bao thư một triệu đồng, để mua các mặt hàng được bán trong hội chợ.
Đại diện Ban tổ chức chương trình “Chợ Tết 0 đồng” trao quà Tết tới người dân. (Ảnh: Báo Điện tử Tuổi trẻ Thủ đô) |
Đây chỉ là hai địa chỉ được dẫn ra ngẫu nhiên. Bởi nó xuất phát từ các phong trào vì người nghèo của Mặt trận Tổ quốc các cấp, của Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ… Tiêu biểu là phong trào “Tết nhân ái” được thực hiện từ năm 2023 trên cơ sở kế thừa, phát huy kết quả của phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động. Phong trào “Tết nhân ái” năm 2024, Hội đặt mục tiêu sẽ vận động được 1,2 triệu suất quà, trị giá hoạt động khoảng 700 tỷ đồng và những hoạt động này được triển khai ở tất cả các vùng, miền trong cả nước. Trung ương Hội sẽ tổ chức điểm ở 18 tỉnh, thành phố. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các địa phương đặc biệt quan tâm thăm hỏi, tặng quà người có công, đối tượng chính sách, đồng bào miền núi ở biên giới, hải đảo, gia đình yếu thế, khó khăn.
Thật là những câu chuyện tử tế, những câu chuyện ấm lòng người khi Tết đến xuân về. Hôm 18/1 vừa qua, khi gặp mặt đoàn đại biểu trong chương trình “Việc tử tế” của Đài Truyền hình Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nói rằng: “Chúng ta có 100 triệu dân, nếu như mỗi người làm một việc tử tế thì sẽ có hàng chục triệu việc làm tử tế”.
Sống tử tế, có nhiều việc làm tử tế chính là góp phần làm giàu lòng nhân ái. Bà con ta bảo nhau, dù khó khăn đến đâu cũng đừng để nhà ai không có Tết. Cái Tết cổ truyền Việt Nam thật là thiêng liêng, cái Tết sum vầy, cái Tết sẻ chia, cái Tết đưa con người xích lại gần nhau hơn. Hãy quan tâm nhau, giúp đỡ nhau bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, một cái bắt tay ấm áp, một nụ cười, một lời cảm thông, chia sẻ. Mùa xuân khởi đầu cho một năm. “Mùa người” cũng đầy lên theo năm tháng. Một xã hội có nhiều người bao dung và nhân ái sẽ là một xã hội tốt đẹp, hạnh phúc.
Quảng Ninh: Ấm áp những "Chợ Tết 0 đồng" |
Chợ Tết Công đoàn 2024: Mang Xuân ấm áp đến người lao động |
Tết nhân ái - Chung tay sẻ chia, cùng cộng đồng đón Tết an vui 2024 |
Hải Đường