“Khai tử” nhà siêu mỏng, siêu méo
Agribank ủng hộ 100 tỷ đồng hưởng ứng đợt thi đua cao điểm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước |
LPBank chung tay vì cộng đồng: Trao 100 tỷ đồng xóa nhà tạm, nhà dột nát |
Ảnh minh họa |
Hoan nghênh là bởi chính quyền thành phố đã quyết liệt trong việc chấn chỉnh kỷ cương đô thị. Nói bài bản hơn một chút là, thấu triệt tư tưởng: Điều thiết thực nhất trong khi kỷ niệm các sự kiện chính trị trọng đại là, tái hiện lịch sử đi đôi với làm mới lịch sử, tập trung giải quyết dứt điểm những việc chưa hoàn thành.
Không để tồn tại những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo chềnh ềnh ngay mặt phố như cái gai đâm vào mắt, là một chủ trương đã có từ hàng chục năm nay. Nhưng càng bàn thì càng tắc, vướng đủ thứ chuyện. Mà cái lý phổ biến nhất là, tại luật pháp chưa hoàn thiện, luật đô thị, luật xây dựng còn vênh nhau. Thế nên, mỗi nơi thực thi, vận dụng một phách. Những căn nhà toen hoẻn 2-3 mét vuông vẫn kiên gan đứng đó tháng ngày. Thế nên người dân còn băn khoăn, chắc lần này vẫn “báo động” vậy thôi, chứ chưa đụng đến đâu.
“Lần này” là ý người trong cuộc muốn nhắc tới cái Quyết định mới của UBND thành phố Hà Nội - Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND, còn nóng hổi, có hiệu lực từ ngày 7/10. Nội dung chính của Quyết định là siết chặt quản lý về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố. Theo đó, những mảnh đất sau thu hồi có diện tích dưới 15 m2, mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng là 3 m sẽ dứt khoát không để tồn tại.
Quyết tâm một bao giờ cũng phải đi liền với biện pháp mười. Những lần trước người dân thủ đô đã nhiều lần nghe nói tới việc chấm dứt tình trạng cho tồn tại những miếng đất như vạt áo, xây cất sơ sài được gọi là “nhà”. Có miếng đất mặt ngõ có chiều dài nhỉnh hơn cái đòn gánh, chiều sâu vừa vặn... hai gang tay. Thế nhưng hộ dân bên cạnh muốn mua lại thì bị “quát” giá cả mấy trăm triệu đồng. Lại có những mảnh đất có hình tam giác, chiều sâu 2m nhưng nơi nông nhất chỉ 30cm. Chủ đất vẫn quyết xây lên, đẻ ra cái “nhà” siêu méo.
Tiếc rằng, những ngôi “nhà” kiểu này không hiếm ở khắp các quận nội thành, nhất là những nơi vừa mở đường, giải phóng mặt bằng. Giá đất từ chỗ mấy chục triệu đồng/m2 lên tới hàng trăm triệu đồng, cho nên chủ đất đã cố thủ để đòi bồi thường, hoặc đòi giá chuyển nhượng cao hơn giá bình thường nhiều lần.
Chuyện này kéo dài mãi. Vô lý thế, mất mỹ quan đô thị như thế nhưng chả có cách gì “xúc” đi được.
Vì sao chuyện nhà chả ra nhà, cứ như cái “quan tài dựng ngược” mà vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt? Theo các chuyên gia về kiến trúc đô thị, lỗi là do chính quyền chưa chú trọng đến quy hoạch chi tiết, cụ thể, để cho bộ mặt đô thị rất láo nháo.
Từ năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 20, nêu rõ, Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về tình trạng tồn tại, hoặc phát sinh thêm các trường hợp nhà đất siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý. Thế nhưng, chẳng biết chủ tịch quận “chịu trách nhiệm” đến đâu. Chả thấy ông nào mất chức vì chuyện này. Cứ ở đâu có dự án mở đường, tuyến phố mới xuất hiện là y như rằng những “túp lều bê tông” mọc lên, càng làm cho công tác quản lý đô thị nóng hơn. Hỏi đến cán bộ phường, cán bộ quận, cho đến thanh tra xây dựng đều có câu trả lời như khuôn đúc sẵn: các quy định của pháp luật còn chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chẳng hạn khái niệm thế nào là giá thị trường; thế nào là giá theo môi giới bất động sản? Rồi thực tiễn mua bán, giá đất vào thời điểm đền bù...
Cách trả lời như thế là “đánh bùn sang ao”. Khuyết điểm thuộc về vĩ mô, còn như vi mô chúng tôi đã cố gắng hết sức rồi (!). Khắc phục chuyện này, Chỉ thị mới của Hà Nội quy định rõ điều kiện hợp thửa cho các miếng đất khôn đủ điều kiện tồn tại. Thời gian thực hiện thỏa thuận hợp thửa đất là 6 tháng đối với đất phi nông nghiệp và 3 tháng đối với đất nông nghiệp. Mốc thời gian tính từ khi UBND cấp quận/huyện ban hành Thông báo thu hồi đất.
Đối với những chủ sử dụng đất không thực hiện việc hợp thửa đất vì các lý do khác nhau, cấp có trách nhiệm sẽ quyết định thu hồi đất. Đương nhiên, sẽ bồi thường, quản lý diện tích đất này theo quy định của pháp luật. Còn có một giải pháp căn cơ để ngăn chặn “nhà-lều”, đó là, mở rộng phạm vi, diện tích thu hồi hai bên đường khi thực hiện quy hoạch. Áp dụng cơ chế góp đất và điều chỉnh đất đai, tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ. Phát triển dự án bất động sản hai bên đường mới mở, tái phát triển nhà cửa...
Hi vọng với những giải pháp phù hợp, đồng bộ, khả thi, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, lần này Hà Nội sẽ thành công trong việc “khai tử” nhà siêu mỏng, siêu méo.
Hải Đường