Cần nâng cao chuỗi giá trị cho titan
Năng lượng Mới số 313
PV: Dưới góc độ lãnh đạo Hiệp hội Titan Việt Nam, ông đánh giá thế nào về triển vọng phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản titan của Việt Nam hiện nay?
Ông Nguyễn Thượng Đắt: Theo đánh giá chung, tài nguyên quặng sa khoáng titan ở Việt Nam là rất lớn, đảm bảo đủ cơ sở để xây dựng ngành công nghiệp khai thác, chế biến hiện đại, phát triển ổn định lâu dài. Triển vọng của ngành công nghiệp khai thác, chế biến titan đã được Nhà nước nhìn thấy từ lâu và Tổng cục Địa chất & Khoáng sản (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã xác định đây là một trong những khoáng sản cần được được đặt lên hàng đầu trong khai thác, chế biến, sử dụng. Trong Quyết định số 1546/QĐ-TTg (ban hành ngày 3-9-2013) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030 cũng đã khẳng định rõ điều này và đưa ra lộ trình phù hợp.
Ông Nguyễn Thượng Đắt
Việt Nam có trữ lượng lớn về titan, đứng hàng thứ 2 trên toàn cầu và được nhắc đến như một thế mạnh về tài nguyên của nước ta. Nhưng để biến thế mạnh đó thành hiện thực nhằm phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến titan ở Việt Nam theo hướng hiện đại, nổi trội trên thế giới thì tôi cho rằng cần khoảng 30 năm nữa. Đó là khi chúng ta hoàn toàn sở hữu được công nghệ khai thác và chế biến với lợi thế về vùng nguyên liệu khoáng sản, để hoàn thiện sản phẩm đầu cuối có giá trị tăng cao.
Vấn đề thách thức đặt ra hiện nay là ở một số địa phương, người dân, một số bộ phận truyền thông và doanh nghiệp cũng như các cấp quản lý thấp vẫn chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc quy hoạch phát triển lâu dài cho ngành công nghiệp titan. Họ vẫn chưa thấy được bức tranh tổng quát về titan của Việt Nam trong tương lai.
PV: Được biết, phần lớn titan bán ra thị trường chủ yếu là quặng thô. Không chỉ thế, lợi nhuận cao từ việc bán titan đã khiến người dân, doanh nghiệp nhỏ đua nhau khai thác, buôn bán tràn lan. Chảy máu tài nguyên và việc Nhà nước thất thu là bài toán nan giải của các nhà quản lý. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Thượng Đắt: Tôi cho rằng, để giảm thiểu chảy máu tài nguyên titan, tránh thất thu cho Nhà nước thì bên cạnh việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm tránh xuất lậu, xuất thô thì điều nên làm hiện nay là xây dựng lộ trình chế biến sâu titan và sớm thúc đẩy hoàn thiện.
Mặt khác, Nhà nước cần khuyến khích, tạo điều kiện tối đa, có cơ chế mở cho các doanh nghiệp tham gia chế biến sâu titan để họ giảm bớt những áp lực, thách thức khi bước chân vào lĩnh vực này.
Phát triển công nghiệp titan là việc sẽ làm và phải làm, phải phát triển ngành công nghiệp titan hợp lý, xứng tầm, nâng cao chuỗi giá trị và tạo thế mạnh cho quốc gia. Nếu làm tốt sẽ giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo dựng thương hiệu và mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Vấn đề đặt ra hiện này là Nhà nước cần quản lý chặt chẽ, thúc đẩy chế biến sâu titan.
PV: Có trữ lượng lớn về titan nhưng tại sao Việt Nam mới chỉ có một số nhà máy xỉ titan nằm rải rác và hoàn toàn chưa có đơn vị nào sản xuất được pigment - nguyên liệu dùng trong các ngành công nghiệp thiết yếu như sơn, lớp phủ bề mặt, giấy, ống nhựa, hóa mỹ phẩm…?
Ông Nguyễn Thượng Đắt: Theo đánh giá, hiện nay sức tiêu thụ titan tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ thường tăng 8-10% mỗi năm, điều này dẫn đến sự tăng giá của ilmenite và xỉ titan. Trong đó, riêng nhu cầu đối với pigment mỗi năm tăng khoảng 7% và xu hướng này nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới.
Với pigment, muốn sản xuất ở trong nước thì cần phải đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu (trong khi chất lượng xỉ titan ở mỗi vùng mỗi khác nhau) và phải có đủ vốn để đầu tư. Trong khi đó nguồn nguyên liệu khoáng sản titan ở nước ta lại nằm rải rác, chất lượng lại khác nhau. Trong khi để có nhà máy chế biến pigment thì đòi hỏi cần được đầu tư hàng trăm triệu USD và phải được chuyển giao công nghệ từ các quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực này. Điều đó đòi hỏi cần có sự bảo lãnh về vốn vay từ phía ngân hàng và Chính phủ. Một vấn đề khác là hạ tầng và kiến thức để tiếp nhận công nghệ sản xuất pigment ở nước ta vẫn còn hạn chế, trong khi để tìm được đối tác chuyển giao công nghệ là không dễ.
Để khắc phục điểm yếu này thì trong công nghiệp khai thác, chế biến titan chúng ta cần xác định sản xuất pigment là một trong những mục tiêu và phải được tạo điều kiện tối đa từ phía quản lý Nhà nước để cho chuỗi giá trị này hình thành sớm. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên mạnh dạn tạo điều kiện cho những doanh nghiệp tiên phong trong chế biến sâu titan nói chung và Pigment nói riêng nhằm phát triển lĩnh vực này. Đây là những sản phẩm mới cần được khuyến khích để thay hàng nhập khẩu (năm 2013 lượng pigment nhập vào Việt Nam là 70.000 tấn). Có như vậy các doanh nghiệp chế biến titan của Việt Nam mới nhanh chóng vượt qua ngưỡng cửa chế biến sâu một cách thuận lợi nhất.
PV: Với lợi thế về trữ lượng đứng thứ 2 toàn cầu, theo ông, để nâng cao chuỗi giá trị chế biến titan của nước ta thì đòi hỏi những yếu tố gì?
Ông Nguyễn Thượng Đắt: Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan đồng bộ và bền vững theo hướng hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường và trật tự an toàn xã hội là vấn đề cần thiết hiện nay như trong Quyết định số 1546/QĐ-TTg mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ.
Sản phẩm của ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan phải là các sản phẩm chế biến sâu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Để làm được điều này, trước hết chúng ta cần làm sao để làm tốt công tác tuyên truyền để cấp quản lý Nhà nước và người dân hiểu biết đầy đủ về khai thác, chế biến titan.
Khu vực thi công xây dựng cụm công nghiệp Thắng Hải II chuyên về chế biến sâu các sản phẩm titan tại huyện Hàm Tân, Bình Thuận
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng là “muốn gặt” thì phải có đầu tư. Vì đây là ngành công nghiệp còn non trẻ và đầy thách thức nhưng lại có tiềm năng cao nên cần phải đầu tư đúng mức về nguồn nhân lực, đầu tư về vốn. Phải xác định cần có chế độ ưu tiên nhất định để có cơ hội phát triển tốt và nhanh. Tôi nghĩ Nhà nước cần có chiến lược đào tạo nhân lực chuyên ngành, có thể là thành lập một viện nghiên cứu về titan hoặc những chuyên khoa về khai thác, chế biến sâu titan, về công nghệ thiết bị, tách quặng khoáng mỏ…
Bên cạnh đó là vấn đề chuyển giao công nghệ đòi hỏi cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để kết nối với những quốc gia có nền công nghiệp chế biến sâu titan rất hiện đại như Nga, Nhật, Mỹ.
Đối với các doanh nghiệp khai thác titan trong nước thì cần liên doanh, liên kết lại với nhau để tạo thế mạnh đủ lớn nhằm thực hiện những dự án có tầm, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Chính phủ cũng như địa phương cần xác định là khuyến khích, tạo điều kiện phát triển khai thác, chế biến titan nhưng chỉ nên tập trung vào một số đầu mối lớn, có đủ năng lực, kinh nghiệm và có khả năng triển khai những dự án lớn, bài bản, chuyên nghiệp và đủ tầm cạnh tranh.
PV: Theo ông, việc đầu tư vào công nghệ tiên tiến, mang tính đột phá để chế biến sâu titan, tạo ra các sản phẩm giá trị cao như pigment, rutile, zircon, monazite có phải cách tiếp cận thị trường thế giới?
Ông Nguyễn Thượng Đắt: Như anh thấy đó, tại sao Việt Nam mới chỉ có một số nhà máy xỉ titan hoàn nguyên, zircon siêu mịn nằm rải rác và hoàn toàn chưa có đơn vị nào sản xuất được pigment.
Nếu chúng ta không mạnh dạn đầu tư, không quyết tâm phát triển những khu công nghiệp chuyên sâu về chế biến titan, không tự tin vào khả năng tổ chức, quản lý theo quy trình hiện đại thì có thể, rất lâu nữa chúng ta cũng không thể giành lấy cơ hội tạo ra giá trị thặng dư lớn với khoáng sản quý giá không thể tái tạo này.
Tôi cho rằng, Nhà nước cần quan tâm, có chính sách hỗ trợ về đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực đủ sức tiếp nhận công nghệ cao cùng với công tác xúc tiến đầu tư tìm kiếm thị trường mới; đặc biệt tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu titan với quy mô lớn.
Bên cạnh đó, cần có chính sách thuế cho phù hợp. Tôi nghĩ rằng, cần ưu tiên giảm thuế đối với các sản phẩm chế biến sâu titan như: rutile nhân tạo, zircon siêu mịn, ilmenite hoàn nguyên, pigment và titan kim loại trong tương lai. Đây là những sản phẩm mới cần được khuyến khích để thay hàng nhập khẩu lâu nay. Có như vậy các doanh nghiệp chế biến titan Việt Nam mới nhanh chóng vượt qua ngưỡng cửa chế biến sâu một cách thuận lợi nhất.
PV: Theo ông, vấn đề ô nhiễm môi trường trong khai thác, chế biến titan cần được hiểu như thế nào?
Ông Nguyễn Thượng Đắt: Trước hết, cần phải hiểu rằng, trong thành phần titan vốn đã có sẵn chất phóng xạ, đó là Monazite. Mục tiêu của chúng ta khi khai thác titan là lấy khoáng sản và lấy chất phóng xạ ở nơi đó đi, trong đó có monazite. Cho nên vấn đề khai thác titan là đồng nghĩa với việc làm sạch môi trường, bởi vì bản thân ở vùng đất nào có quặng sa khoáng titan thì nơi đó chất phóng xạ ít nhiều đã có sẵn. Việc quan trọng là làm cho người lấy được an toàn, còn môi trường phải luôn sạch sẽ, không gây ô nhiễm tràn lan.
Làm sạch môi trường một cách khoa học là một chiến lược lâu dài của công nghiệp khai thác chế biến titan. Những vụ việc ảnh hưởng đến nguồn nước, cát bay, bùn thải… khiến người dân bức xúc chỉ là yếu tố ngắn hạn, nếu quản lý chặt chẽ thì về lâu dài những vùng đất được khai thác titan vẫn sẽ tốt hơn sau khi được khai thác. Cái đúng của người dân là chỉ trong ngắn hạn, trong từng vụ việc cụ thể. Thế nhưng nếu không hiểu rõ những vụ việc đó rất dễ để thổi bùng lên thành vụ việc hệ trọng. Còn bản chất thật sự của khai thác, chế biến titan là làm sạch môi trường, làm cho vùng đất có chứa khoáng sản titan sẽ hết chất phóng xạ. Cho nên cần hiểu rằng sau khi khai thác titan thì việc trồng cây và phát triển hệ sinh thái ở vùng đất đó cũng sẽ thuận lợi hơn.
PV: Ông đánh giá thế nào về tiến độ đầu tư các dự án khai thác, chế biến sâu titan theo Quyết định số 1546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vốn đã được nhiều doanh nghiệp tích cực hưởng ứng nhằm sớm hình thành ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu titan tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Thượng Đắt: Hiện nay các dự án chế biến sâu titan đang đổ về Việt Nam rất nhiều vì các doanh nghiệp trong và ngoài nước bắt nhịp rất nhanh và tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam định hướng, quy hoạch phát triển ngành này ngày càng hiện đại về lâu dài.
Tôi hy vọng nay mai ở Việt Nam sẽ tập trung được những nhà máy chế biến sâu titan ở tầm thế giới. Đó chính là khởi điểm. Điều này sẽ giúp thay đổi cuộc sống của người dân ở các địa phương có khoáng sản titan. Tôi hy vọng người dân, cơ quan quản lý cũng như giới truyền thông sẽ hiểu và nhận thức sớm về quy hoạch phát triển và tiềm năng của lĩnh vực khai thác, chế biến sâu titan để cùng chung tay góp sức.
Để giảm thiểu chảy máu tài nguyên titan, bên cạnh việc chống xuất lậu, xuất thô thì điều nên làm hiện nay là thúc đẩy lộ trình chế biến sâu titan
PV: Có không ít ý kiến từ dư luận lo ngại rằng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang chi phối lĩnh vực đầu tư khai thác, chế biến titan tại Việt Nam. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Thượng Đắt: Theo tôi được biết thì sự thật là có một số doanh nghiệp Trung Quốc tham gia một số dự án khai thác chế biến titan trước đây cũng như hiện nay ở Việt Nam nhưng không thể gọi là có tính chi phối. Một phần vì công nghệ khai thác titan của Trung Quốc chỉ mang tính chất thô sơ, khai thác nguyên liệu titan ở góc độ sơ chế, không sở hữu được các công nghệ cao về chế biến sâu titan ở khâu đầu cuối, vì vốn dĩ lĩnh vực này với công nghệ hiện đại chủ yếu nằm ở các nước như Mỹ, Nhật, Nga.
PV: Theo ông, liệu có lợi ích nhóm trong khai thác, chế biến titan?
Ông Nguyễn Thượng Đắt: Tôi nghĩ rằng, gọi là lợi ích cục bộ thì đúng hơn. Ở nhiều góc cạnh, từ khâu thăm dò cho đến đầu tư cơ sở hạ tầng, giải tỏa đền bù phục vụ khai thác chế biến ở các địa phương có titan sẽ phát sinh nhiều mâu thuẫn, xung đột lợi ích cục bộ trong đó. Những mâu thuẫn này nếu không được giải quyết kịp thời, rốt ráo sẽ dễ mang lại tiếng xấu cho titan.
PV: Theo ông, một trong những tiêu chí quan trọng để đặt vị trí khu, cụm công nghiệp chế biến sâu titan là gì nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường?
Ông Nguyễn Thượng Đắt: Trước hết là phải có vùng nguyên liệu khoáng sản titan phong phú, tiếp theo là trang thiết bị, công nghệ tiên tiến. Nhà nước và chính quyền địa phương cũng phải cùng vào cuộc, hỗ trợ về vốn, hạ tầng cơ sở, đường sá, cảng biển đến hệ thống điện nước… Bù lại địa phương sẽ có nguồn thu lâu dài, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
PV: Theo công bố gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì trữ lượng titan chỉ riêng địa bàn Bình Thuận ước gần 600 triệu tấn, chiếm trên 90% trữ lượng titan cả nước. Theo ông, tỉnh Bình Thuận hiện đang đi theo hướng đi nào trong công nghiệp chế biến sâu titan?
Ông Nguyễn Thượng Đắt: Từ lâu, đã có nhiều khuyến cáo đối với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận trước việc quản lý nguồn tài nguyên sa khoáng titan như thế nào để vừa khai thác lợi thế nguồn tài nguyên dồi dào phục vụ đắc lực cho xây dựng địa phương, đồng thời tránh được những hậu quả, mặt trái mà Bình Thuận phải trả giá trong việc quản lý, khai thác titan.
Chính vì vậy, để giải bài toán khai thác titan hướng đến chế biến sâu, hạn chế ô nhiễm môi trường, hiện nay Bình Thuận đã khoanh vùng có trữ lượng titan, xác định những khu vực có thể khai thác quy mô công nghiệp. Để hạn chế việc xuất khẩu thô titan với giá trị thấp như lâu nay, Bình Thuận đã đưa vào quy hoạch hai khu vực chế biến sâu titan nhằm trở thành trung tâm chế biến titan lớn nhất Việt Nam. Trước đây khu vực ven biển Bình Thuận có hàng chục dự án khai thác titan, nhưng nằm phân tán và nhỏ lẻ. Chính quyền tỉnh Bình Thuận đã đóng cửa các dự án này để đưa vào cụm công nghiệp Thắng Hải để khai thác, chế biến sâu titan tập trung.
Tôi cho rằng, nếu quản lý tốt thì trong 30 năm nữa Bình Thuận sẽ trở thành “thủ đô” titan của cả thế giới. Ngoài tỉnh Bình Thuận, ở những địa phương khác có nguồn khoáng sản titan thì cũng cần phát triển tập trung, cho doanh nghiệp mạnh về chế biến sâu, thực hiện đầy đủ chủ trương của Nhà nước, có đủ năng lực để làm. Còn nếu chỉ cấp giấy phép cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ thì vẫn là bóc ngắn cắn dài. Chúng ta không nên làm nhỏ lẻ, nếu như vậy thì chỉ làm khổ cho các địa phương mà thôi, vì khi khai thác nhỏ sẽ dễ sinh ra manh mún, khó kiểm soát quản lý, gây hậu quả ô nhiễm môi trường.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Titan là khoáng sản quý hiếm có rất nhiều ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Từ titan thô, sau khi được chế biến sâu sẽ phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp, như công nghiệp, quân sự, sản xuất máy bay, tàu vũ trụ; chế biến sơn, giấy, nhựa, lớp phủ; phục vụ cho ngành gốm sứ; pin điện thoại, chip điện tử. Ngoài ra titan còn được dùng để làm mỹ phẩm, giấy, nhựa cao cấp, chất chống mài mòn... |
Thế Vinh (thực hiện)