Bồn tắm & bồn hoa
Học giả An Chi: Một cách giảng mang dáng dấp hiện đại (như của baike.soso.com) có giảng rằng, khi sản phụ sinh thì đáy xương chậu giãn nở cho thai nhi dễ sổ ra. Xương chậu, tiếng Hán là “cốt bồn” [骨盆] (chậu [cấu tạo bằng] xương); vì vậy nên gọi sinh nở là “lâm bồn” [臨盆]. Lối giảng “tân thời” này không cần đếm xỉa đến tâm thức của dân Tàu. “Lâm bồn”, hiểu một cách bình dân theo đúng truyền thống là “rơi vào hoàn cảnh phải nằm gần cái chậu để rặn đẻ”. Số là, thường thì người nhà của sản phụ phải pha sẵn một chậu nước ấm đặt kế bên để khi thai nhi lọt lòng thì tắm cho nó. Ví thế cho nên đây là “dục bồn [浴盆] (chậu để tắm) chứ không phải “cốt bồn” [骨盆] (xương chậu) theo cách giảng mô-đéc.
Vậy trong “lâm bồn” thì “bồn” có nghĩa gốc là “chậu” và đây cũng chính là chữ “bồn” trong “bồn địa” [盆地], dùng theo ẩn dụ, mà Sổ tay thuật ngữ địa lý của Nguyễn Dược - Trung Hải (NXB Giáo dục, tái bản lần thứ năm, 2003) giảng là: “Địa hình trũng, thấp, dạng chậu hoặc lòng chảo, hình thành do kết quả của nhiều quá trình địa chất như: sự sụt lún của một bộ phận vỏ trái đất, sự bào mòn của băng hà, v.v... Bồn địa thấp nhất trên bề mặt trái đất là bồn địa Tuôcphan, nằm ở phía đông dãy Thiên Sơn thuộc đất Tân Cương, Trung Quốc (154m dưới mực nước biển). Có những bồn địa bị ngập nước, tạo thành các hồ như: hồ Caxpi, hồ Aran, v.v... Bồn địa còn gọi là vùng trũng”.
Trên đây là thuật ngữ; còn hiểu một cách đơn giản theo cấu tạo từ thì “bồn địa” là “vùng đất trũng xuống như cái chậu”. Vậy “bồn” trong “bồn địa” có phải là một với “bồn” trong “bồn hoa” hay không? Xin thưa rằng không. “Bồn” trong “bồn địa” là “bồn lõm”, còn “bồn” trong “bồn hoa” thì lại là “bồn lồi”. Ta hãy xét kỹ vấn đề qua lời giảng trong một số từ điển.
Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của ghi: “Bồn. Chậu (…) Bồn trồng cây: Chậu riêng để mà trồng cây; chậu kiểng. Xây bồn: Xây đắp chỗ trồng cây (…)”.
Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức ghi: “Bồn 盆. Cái chậu: Bồn cây (chậu giồng cây), Bồn nước (chậu đựng nước)”.
Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967) có hai mục. “Bồn. Chậu to đựng nước, để trồng cây hoặc đảo sợi”. Và “Bồn hoa - 1. Khoảng đất ở sân đắp cao lên để trồng hoa, cây cảnh. 2. Chậu trồng hoa”.
Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức ghi nhận hai chữ “bồn” khác nhau (Xin gọi chữ trước trong từ điển là “bồn1”, chữ sau là “bồn2”). “Bồn1” được giảng là: “Ụ đất cao ở giữa sân hoặc giữa mối đường rộng có trồng kiểng hay không, để làm nơi tránh xe: Cúc mai trồng lộn một bồn, Hai đứa mình chồng vợ, ai đồn mặc ai”, với các mục phụ: “bồn binh”, “bồn kèn”, “bồn kiểng”. Còn “bồn2” được giảng là: “Ảng, đồ đựng hình tròn, hột xoài hay đa - giác”, với các mục phụ: “bồn cá”, “bồn tắm”, “bồn nước”.
Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng - Vietlex, 2007) ghi: “Bồn. 1. Đồ dùng chứa nước để tắm rửa hoặc trồng cây cảnh, v.v…, thường đặt ở những vị trí nhất định: bồn tắm - bồn rửa bát - một bồn hoa. 2. Khoảng đất đánh thành vồng và thường có xây bờ bao thấp xung quanh để trồng cây, trồng hoa: bồn hoa”.
Trong 5 quyển từ điển trên đây, theo chúng tôi, chỉ có Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức là rành mạch và đầy đủ hơn cả, đặc biệt là đã phân biệt “bồn1”, bồn lồi, với “bồn2” là bồn lõm. Ở đây, không thể có chuyện “bồn lồi” chuyển nghĩa thành “bồn lõm” hoặc ngược lại. Đây là hai từ “bồn” có từ nguyên khác nhau. “Bồn2”, như đã thấy, là một từ Hán Việt, mà chữ Hán là [盆]. Nhưng “bồn1” cũng là Hán Việt không kém. Có điều, nó thuộc loại được Vương Lực gọi là cổ Hán Việt, mà nguyên từ được ghi bằng chữ [墳], âm Hán Việt là “phần”, có nghĩa thường biết là “mộ, mả”, như trong “phần mộ”. Nhưng chữ này còn có một nghĩa rộng hơn là “gò”, là “mô đất”. Đây cũng chính là nghĩa gốc của “bồn 1”. Ở đây, ta có tương quan ngữ âm PH ~ B, giữa “phần” và “bồn”. Trên Năng lượng Mới số 298 (21/2/2014), cũng tại chuyên mục này, chúng tôi đã viết: “Mối quan hệ giữa hai phụ âm đầu PH- ~ B- (giữa “phấn” và “bón”) đã được Vương Lực chỉ ra tại mục “Cổ trọng thần âm” trong thiên “Hán Việt ngữ nghiên cứu” (1948), in trong Hán ngữ sử luận văn tập (Khoa học xuất bản xã, 1958, tr.290-406)”. Chúng tôi đã đưa ra nhiều dẫn chứng và với những dẫn chứng đó ta sẽ thấy hiện tượng “bồn1” bắt nguồn từ “phần” là chuyện thực sự bình thường. Huống chi chữ “phần” [墳] lại được hài thanh bằng chữ [贲] - vì font chữ [của chúng tôi] không có chữ phồn thể hữu quan nên chúng tôi phải dùng chữ giản thể này - có âm Hán Việt quen thuộc là “bôn” (cũng còn có âm “bí”, phần”). Mà từ “bôn” đến “bồn” thì chỉ có một bước nhỏ.
A.C
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn
- Tử vi ngày 12/10/2024: Tuổi Mão phúc lộc dồi dào, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 11/10/2024: Tuổi Tý đạt được mục tiêu, tuổi Thân tia sáng hy vọng
- Tử vi ngày 10/10/2024: Tuổi Dần tài lộc hanh thông, tuổi Dậu nhìn xa trông rộng