Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Ai nói cái mình không biết

07:00 | 06/07/2014

|
Bạn đọc: Trong một bài phỏng vấn của Phạm Phú Lữ, nhan đề “Cao Tự Thanh, dịch giả “tự cao”, đăng trên cand.com ngày 17-2-2011, dịch giả họ Cao đã phát biểu:

“Chứ tôi có giỏi thì bất quá cũng chỉ đọc sách kiếm cơm, đáng cái gì mà lên mặt. Có điều là, tôi chỉ nói cái gì tôi biết, nhưng có vài người cứ lên mặt nói những cái họ không biết, đôi khi ngứa mồm, tôi cũng bình phẩm vài câu nên họ ghét, bảo tôi tự cao thôi (…). Người có tài luôn kiêu ngạo, nhưng cái đó khác với khoác lác. Người thật sự giỏi luôn biết mình giỏi tới mức nào, với lại người giỏi luôn thừa nhận cái giỏi của người khác, chỉ những kẻ chưa giỏi đủ mức cần thiết mới không chấp nhận được chuyện người khác cũng giỏi thôi”.

Bác ấy đã dạy như thế nhưng trong bài “Nhận xét sơ sơ về bài của một chuyên gia” trên Năng lượng Mới số 334 (27-6-2014), thấy bác ấy toàn nói về những cái mình không biết. Té ra ngôn hành bất nhất! Không biết bác ta còn “hành bất như ngôn” ở chỗ nào khác nữa không, thưa ông An Chi? Còn một chuyện này mà từ lâu tôi đã cố nén, bây giờ sẵn trớn xin mạn phép hỏi luôn. Nghe nói bác Cao từng rêu rao trên blog rằng ông An Chi đã “ra sức chửi bới mỉa mai”bác ấy. Vậy việc này đã xảy ra như thế nào và ở đâu, xin ông công bố đúng sự thực cho rộng đường dư luận vì riêng tôi, tuy đã “theo sát” và quý mến ông từ bài “Từ nguyên của địa danh Sài Gòn” (1990), nghĩa là từ 24 năm nay, nhưng tôi không tán thành việc chửi bới nhau trên điễn đàn văn học nghệ thuật. Lại nghe nói hình như cũng có người vào Facebook của ông và quy ông vào“thể loại văn hóa chửi mất gà”.

Thực hư như thế nào, xin ông vui lòng cho biết luôn. Nếu có điều gì không phải, xin ông sẵn lòng bỏ qua cho; tôi xin trân trọng cám ơn.Sáu Danh (Ngã ba Cây Thị, Bình Thạnh, TP HCM)  

Năng lượng Mới số 336

Học giả An Chi: Trước nhất, xin nói rõ rằng trong bài “Nhận xét sơ sơ về bài của một chuyên gia” trên Năng lượng Mới số 334, bài mà chúng tôi nói đến (tức bài “Một số từ gốc Hoa trong phương ngữ Nam Bộ”) không phải của Cao Tự Thanh, mà là của Tầm Hoan. Ta không biết Tầm Hoan và Cao Tự Thanh có phải là một người hay không nên không thể thông qua những cái sai sơ đẳng và ngây ngô của Tầm Hoan mà kết luận rằng Cao Tự Thanh đã nói những cái mình không biết. Nhưng ta hoàn toàn có quyền khẳng định rằng, với những lời phát biểu trên đây - mà bạn Sáu Danh đã dẫn - thì hiển nhiên là Cao Tự Thanh đã có đủ tư cách để dạy cho Tầm Hoan một bài học nhớ đời.

Nhưng cả bác Cao Tự Thanh nhà ta cũng từng nói những cái mình không biết, chẳng hạn, tại bài “Hoàng - Huỳnh, Phúc - Phước, Vũ - Võ… với vấn đề «kiêng húy»”, bác ta đã khai mào một cách hoành tráng như sau: “Trước nay, không ít người vẫn coi hiện tượng các từ Việt Hán (tức Hán Việt - AC) có hai âm đọc song vẫn không thay đổi ý nghĩa từ vựng và chức năng ngữ pháp như Hoàng - Huỳnh, Phúc - Phước, Vũ - Võ… là kết quả của việc kiêng húy các vua chúa phong kiến. Đáng tiếc là đến nay quan niệm sai lầm ấy vẫn được nhiều trí thức, trong đó có cả một số nhà ngôn ngữ học chính thức thừa nhận và công khai phổ biến”.

Trong cái đoạn hùng biện trên đây thì bác đại chuyên gia nhà ta đã sai ngay từ đầu với hai cặp Hoàng - Huỳnh và Phúc - Phước. “Hoàng” hiển nhiên là húy của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, người đã đi tiên phong trong việc mở rộng bờ cõi xuống phía nam, tạo điều kiện cho 9 ông chúa và 13 ông vua của dòng họ Nguyễn Phúc trị vì Đàng Trong trong vòng hơn 380 năm. Cái lý do thứ nhất mà bác ta đưa ra để phủ nhận việc kiêng húy Chúa Tiên là: “Hán tự có nhiều chữ hoàng, phúc, vũ… và không phải chữ nào cũng chuyển âm thành huỳnh, phước, võ… chẳng hạn không ai nói kinh hoàng, thần Thành hoàng thành kinh huỳnh, thần Thành huỳnh cả, mà chữ bị đọc chệch âm ra huỳnh (họ Huỳnh) là chữ hoàng (vàng) lại không phải là tên Nguyễn Hoàng - tên ông Thái tổ của nhà Nguyễn này là hoàng (vàng) + chấm thủy”.

Thực ra cái mà bác ta nói đến chỉ là chuyện kiêng chữ còn việc thay “hoàng” bằng “huỳnh” thì lại là việc kiêng âm. Huống chi, khi ta chưa có điều kiện thật sự đầy đủ, nhất là về thư tịch để nghiên cứu vấn đề cho thấu đáo thì một sự kết luận như của bác ta là một việc làm phiến diện vì, thực ra, ngoài chữ “hoàng” [黄] là vàng của bác ta ra, ta còn có một chữ “hoàng”  khác nữa, cũng đọc thành “huỳnh” ở  trong Nam. Đó là chữ “hoàng” [皇] là vua, như đã được ghi nhận trong Dictionarium Anamitico Latinum (viết tay, 1772-73) của Pierre  Pigneaux de Béhaine. Đăc biệt, trong quyển từ điển cùng tên (Serampore, 1838), J.L. Taberd đã cho như sau: “[皇] Huình, rex”. “[皇后] Huình hậu, regina; (Vide Hoàng)”. “Rex” là vua, đã đươc từ điển Taberd ghi là “huình” còn “regina” là hoàng hậu, được ghi bằng “huình hậu”. Vậy thì chữ “hoàng” [皇] là vua hiển nhiên đã có thời từng được đọc thành “huỳnh” ở trong Nam; ngược với “cái” mà bác đại chuyên gia đã khẳng định.  Đặc biệt cái ý “Vide Hoàng” (Vide = xin xem, hãy xem) nhắc ta tra thêm mục từ “Hoàng”, tại đây, bên cạnh mục chính, còn có thêm 6 mục phụ là: - hoàng đế; - hoàng thượng; - hoàng hậu; - hoàng tử; - hoàng thiên, - ngọc hoàng. Cách trình bày như thế này trong từ điển cho thấy, lúc đó, chữ “hoàng” là vua đang song song tồn tại với biến thể ngữ âm của nó là “huỳnh” nhưng “hoàng” mới là biến thể thông dụng còn “huỳnh” thì đang mất dần công dụng để trở thành một hình vị… chết. Nhưng xin cung cấp thêm một trường hợp nữa, vô cùng ngoạn mục và tất nhiên cũng ngược với cái mà đại chuyên gia đã nói: Chữ “hoàng”, tên của Chúa Tiên, tức “hoàng (vàng) + chấm thủy” theo cách miêu tả của đại chuyên gia, cũng từng được đọc thành “huỳnh” mới… chết người! Thì đây, cứ mở Dictionnaire annamite-français của J.F.M. Génibrel (Saigon, 1898), trang 323, cột 1, ta sẽ thấy mục sau: “潢 Huình. (Bàu), Étang. Ngân huình, Voie lactée”.

Với mục từ trên đây, ta biết được rằng “huỳnh” là “bàu” (trong “bàu sen”), mà Génibrel đối dịch là “étang” (= ao) và ta còn có thêm “Ngân huỳnh” là “Ngân hà” (Voie lactée). Đây hiển nhiên đích thị là chữ [潢] dùng để ghi tên của Nguyễn Hoàng, theo đúng miêu tả của đại chuyên gia.

Nhưng, suy đến cùng, kiêng húy hay không kiêng húy, thì cái chứng cứ quan trọng bậc nhất và tuyệt đối không thể bỏ qua vẫn là những điều ghi chép trong gia phả của dòng họ đang xét. Công trình Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc tổ chức biên soạn và ấn hành (NXB Thuận Hóa, Huế, 1995) đã khẳng định “Huỳnh” và “Phước” là hai âm kiêng húy của hai chữ “Hoàng” và “Phúc” (Xin x. sđd, tr.427 & 428) nên, nhân tiện, về chữ “Phúc/Phước” chúng tôi cũng bất tất phải nói gì thêm. Còn “Võ” là âm kiêng húy của “Vũ”, như đã được ghi nhận trong Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các thời đại của Ngô Đức Thọ (NXB Văn hóa,1997, tr.123).

Thế nhưng bác đại chuyên gia còn cường điệu: “Cho nên cần phải có một sự đính chính trước khi người ta kéo nhau đi tìm tên vợ con và bà con nội ngoại của các vua chúa để giải thích bằng được và bằng hết những Cương - Cang, Cảnh - Kiểng, Chính - Chánh hay Uy - Oai, Tiến - Tấn, Tùng - Tòng…”.

Bác đại chuyên gia hăng quá nên vơ đũa cả nắm chứ có ai rồ dại mà đi làm cái chuyện vớ vẩn đó! Vì có ai đã cả quyết rằng tất cả những trường hợp mà bác ta đã nêu ra đều là những chữ húy? Nhưng trên đà biện luận hùng hồn của mình, đại chuyên gia còn nói thêm: “Thứ nữa, quan sát địa bàn phân bố của các cặp âm bị đọc chệch ấy qua chứng cứ lịch sử là các địa danh Việt Nam, có thể thấy rằng phần lớn những Phúc Yên, Vĩnh Phúc, Thái Lai, Nghĩa Xá là ở miền Bắc còn Phước An, Bình Phước, Tân Thới, Quảng Ngãi là ở miền Nam, điều này cho thấy đây là sản phẩm của một tiến trình lịch sử”.

Cái mà đại chuyên gia ám chỉ bằng bốn tiếng “tiến trình lịch sử” trên đây đã được bác ta diễn giảng trong bài “Từ Việt Hán và từ Hoa Hán” (//tunguyenhoc.blogspot.com/) tại đoạn: “Những biến động lịch sử ở Việt Nam còn làm hình thành trong mảng từ Việt Hán những biệt sắc địa phương khác nhau, chẳng hạn người miền Bắc đọc chữ Hán theo Đường âm thế kỷ IX, X thì nói là Hoàng, Phúc, Vũ, Diến Điện còn người Miền Nam từ Quảng Nam trở vào chịu ảnh hưởng Minh Âm, Thanh Âm theo chân các di thần phản Thanh phục Minh Hoa Nam qua Đàng Trong tỵ nạn chính chị thế kỷ XVII, XVIII thì nói là Huỳnh, Phước, Võ, Miến Điện”.

Đây là một sự suy luận hoàn toàn sai và về cái sai này, trong bài “Tiếng Quảng Đông ơi là tiếng Quảng Đông” (Năng lượng mới số 129, ngày 15-6-2012), chúng tôi đã viết: “Hai tiếng “Đường âm” ở đây dĩ nhiên là để chỉ âm tiếng Hán đời nhà Đường. Trở lại với mấy tiếng “Minh âm”, “Thanh âm” của chuyên gia Cao Tự Thanh, xin nói rằng đây là hai danh ngữ dùng để chỉ hai giai đoạn của tiếng Quan thoại trong quá trình phát triển của nó. Minh âm là hệ thống ngữ âm của tiếng Quan thoại đời Minh, mà người ta cho rằng dáng dấp vẫn còn được bảo lưu trong trên 90% những từ Triều Tiên gốc Hán hiện nay.

Còn Thanh âm thì trên đại thể là hệ thống ngữ âm của tiếng Quan thoại đời nhà Thanh, đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của ngữ âm tiếng Mãn Châu, ngôn ngữ của những kẻ thống trị, mà Khang Hy là một hoàng đế nổi tiếng về văn hoá. Xem ra, “Minh âm” và “Thanh âm” của chuyên gia họ Cao chẳng trực tiếp có dây mơ rễ má gì với ngôn ngữ của “các di thần phản Thanh phục Minh Hoa Nam qua Đàng Trong tị nạn” cả”.Chúng tôi đã viết như thế còn bây giờ xin nói rõ thêm một chút. Những “Huỳnh, Phước, Võ, Miến Điện” của người miền Nam từ Quảng Nam trở vào chẳng qua vốn vẫn là “Hoàng, Phúc, Vũ, Diến Điện” của người miền Bắc, mà họ đã đem theo “nguyên xi” khi đi xuống phía Nam để sinh cơ lập nghiệp. Chỉ về sau thì nó mới biến thành “Huỳnh, Phước, Võ, Miến Điện” do lệnh kiêng húy (Huỳnh, Phước, Võ) hoặc một lý do nào đó (Miến Điện). Lệnh kiêng húy này chỉ có hiệu lực ở Đàng Trong còn dân Đàng Ngoài không hề biết đến nó nên “Hoàng, Phúc, Vũ” vẫn tồn tại trong nguyên trạng là chuyện dĩ nhiên.

Đến như một số địa danh trong Nam ngoài Bắc mà đại chuyên gia  họ Cao cho là “sản phẩm của một tiến trình lịch sử” thì cái tiến trình đó là như sau, và cũng rất đơn giản: Phúc Yên, Vĩnh Phúc, Thái Lai, Nghĩa Xá là những địa danh Đàng Ngoài không hề bị tác động gì của lệnh kiêng húy ở Đàng Trong; còn Phước An, Bình Phước, Tân Thới, Quảng Ngãi là những địa danh đặt ra tại Đàng Trong nên đương nhiên phải tuân thủ lệnh kiêng húy của địa phương. Đây cũng là chuyện “gặp thời thế, thế thời phải thế”. Đại chuyên gia nhà ta khéo quy nó vào khái niệm “tiến trình lịch sử” chẳng qua để dẫn lối đưa đường cho những địa danh Miền Nam trên đây bị cuốn vào quỹ đạo của “ngôn ngữ Hoa Nam”, là món ruột của bác ta. Nhưng, như đã thấy, đây chỉ là chuyện nội tình, nội bộ của đất Việt, dân Việt, tiếng Việt, chẳng có liên quan gì đến Hoa Nam hay Hoa Bắc cả!

Trở lên là chuyện “nói cái mình không biết”. Còn bây giờ, xin nói đến chuyện “chửi bới”. Sáu Danh đề nghị An Chi công bố trung thực cho rộng đường dư luận nhưng xin thưa rằng mỉa mai thì có, tranh luận kiên quyết, thẳng thừng, không khoan nhượng thì có chứ chửi bới trong tranh luận là một kiểu hành xử lưu manh, mạt hạng thì An Chi không bao giờ làm. Nhưng bác ta thì có đấy. Đây, bác ta đã nói về An Chi như thế này trên //comieng.wordpress.com (29-4-2012):

“Riêng chuyện ông AC ra sức chửi bới mỉa mai tôi không hề gì, tôi là dân chuyên nghiệp, không thèm hạ mình cãi cọ với đám người học hành không tới nơi tới chốn mà còn làm phách như y, với lại tôi không chơi blog lâu rồi. Hơn mười năm trước y đã hứng thú với chuyện mồ mả thì hiện nay nhiều tuổi hơn có hứng thú hơn cũng không phải lạ, chỉ là vụ xe thổ mộ = xe giống như cái mả đất của y quả là thuộc trường phái từ nguyên học dân gian bá láp, đúng là có tác dụng phi thường trong chuyện làm cho em cháu ngu đi”.

Đây không chỉ là chửi bới, mà còn là rủa sả nữa. Nhưng An Chi đâu có sợ chết; mà chết bây giờ thì thiêu thôi, không có mả đất, mả gạch gì đâu bác đại chuyên gia. Chẳng qua, chúng tôi chỉ muốn ghi lại nguyên văn để “triển lãm” những “lời vàng”  của bác cho bạn Sáu Danh và các bạn khác có thể tỏ tường về nhân cách của đại chuyên gia Cao Tự Thanh đó thôi.

Cuối cùng là chuyện An Chi bị cho vào loại “văn hóa chửi mất gà”. Số là trên Facebook của mình, chúng tôi có đưa lên bài “Khách là loại người nào?”, đã đăng trên Năng lượng Mới số 264 (11-10-2013). Cũng ngay trong ngày bài được đưa lên, một anh chơi “Phây” có hiệu là Luong Le-Huy (Brisbane, Queensland, Australia) đã vào xem và bình như sau (khi viết lời bình này hình như hắn đang ở Pháp):

“Tình thực mà nói, hai bài viết (đoạn văn) trên khá phức tạp, khiến tôi đọc nhiều lần mà vẫn không chắc là mình hiểu đúng ý hai người viết! Có nhiều chi tiết rườm rà, với nhiều ngụ ý mô tả đối thủ hơn là tranh luận sự việc, hẳn là viết cho “đã nư” hơn là nội dung học thuật.

Trong thế giới văn minh hiện nay những chuyện như thế này được coi là phí phạm năng lực và sẽ được bỏ qua một bên. Nhưng ở Việt Nam ta hình như thể loại văn hóa “chửi mất gà” vẫn còn giữ nguyên, cải đổi chăng là ở mặt kỹ thuật. Thay vì vừa uống nước ao vừa cất giọng oanh vàng, thì nay ngồi ở bàn bên tách cà phê gõ vào phiếm (sic)”.

Chúng tôi cũng “triển lãm” nguyên văn những “lời vàng” trên đây của Luong Le-Huy để bạn Sáu Danh và các bạn khác tỏ tường về nhân cách của một kẻ chơi “Phây”. Không biết hắn ta là con cái nhà ai và học hành giỏi giang đến đâu mà lại ăn nói hỗn xược, mất dạy đến như thế. Chúng tôi tranh luận đường đường chính chính, dù lời lẽ có kiên quyết đến đâu cũng không vượt quá ranh giới của thái độ văn minh. Thế mà hắn dám bảo chúng tôi “chửi mất gà”. Vậy thì An Chi đã “chửi mất gà” hay là chính Luong Le-Huy?

A.C