Xuất khẩu nông sản - Con đường còn lắm cam go
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: 3 nhóm thách thức cơ bản với nền nông nghiệp
PV: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về xuất khẩu nông sản năm 2018?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Sau một quá trình đổi mới, đến năm 2018, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu của gần 100 triệu dân trong nước mà còn tạo ra khối lượng sản phẩm xuất khẩu giá trị tới 40,2 tỉ USD, trong đó có 10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên. Có thể khẳng định đây là một bước tiến rất lớn trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
PV: Với “kỳ tích” xuất khẩu của năm 2018, dự báo xuất khẩu nông sản năm 2019 có “tươi sáng” hơn không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Dự báo năm 2019 và những năm tới, để hàng nông sản Việt Nam tiếp tục tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu là thách thức rất lớn. Có 3 nhóm thách thức cơ bản.
Thứ nhất, nền sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn dựa trên 8,6 triệu hộ nhỏ lẻ, rất phân tán, manh mún, không đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao của thị trường quốc tế.
Từ nay tới năm 2020, nước ta sẽ có khoảng 50.000 hợp tác xã. Số hợp tác xã đó sẽ liên kết với 8,6 triệu hộ nông dân và với hơn 1 vạn doanh nghiệp để tạo thành mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và mở rộng thị trường. |
Thứ hai, nước ta là 1 trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất thế giới về biến đổi khí hậu. Môi trường, dịch bệnh… ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản.
Thứ ba, Việt Nam càng hội nhập sâu rộng thì sự cạnh tranh sẽ càng quyết liệt. Với xuất phát điểm hiện nay, GDP bình quân đầu người chỉ đạt 2.574 USD, so với các nước có tiềm năng lớn về kinh tế, khoa học kỹ thuật, Việt Nam sẽ rất khó khăn trong tiêu thụ nông sản, tương tự “người tí hon” đấu với “người khổng lồ”.
Một điểm đáng lưu ý nữa là kể từ sau năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, hiện nay các nước có xu hướng tập trung đầu tư cho nông nghiệp, coi đây là ưu tiên số 1 trong phát triển kinh tế. Chính vì vậy, khi Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu phải chịu áp lực cạnh tranh rất quyết liệt.
PV: Vậy phải làm gì để vượt qua 3 thách thức lớn đó, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta phải tiếp tục tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ với 8,6 triệu hộ thành một nền nông nghiệp tập trung, hiện đại, hướng đến sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...
PV: Bộ trưởng từng cho rằng, phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ nông sản không phải là câu chuyện riêng của ngành nông nghiệp hoặc ngành công thương, vì sao vậy?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Thực sự câu chuyện phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân không phải là của riêng Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương. Việc tái cơ cấu một ngành hàng kinh tế lớn đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng…
Sơ chế thanh long để xuất khẩu |
Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp. Đi đôi với hoàn thiện thể chế là cải cách hành chính thông thoáng nhất, tiện lợi nhất, đây là việc của các bộ, ngành.
Trong tổ chức sản xuất hàng hóa hiện nay, nếu không có doanh nghiệp tham gia chắc chắn không thể thành công. Hiện nay có khoảng 10.000 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất trong khu vực nông nghiệp. Cùng với đó, nước ta có khoảng 49.000 doanh nghiệp chế biến tham gia ở các phân khúc khác nhau tạo ra những sản phẩm hỗ trợ cho hàng nông sản.
Thêm nữa, đó là sự phát triển hợp tác xã. Từ nay tới năm 2020, nước ta sẽ có khoảng 50.000 hợp tác xã. Số hợp tác xã đó sẽ liên kết với 8,6 triệu hộ nông dân và với hơn 1 vạn doanh nghiệp để tạo thành mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và mở rộng thị trường.
Mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế là vì người dân. Đất nước chúng ta hiện nay có gần 100 triệu dân. Vậy trước hết phải chăm lo chính đời sống người dân của đất nước mình. Xuất khẩu xét đến cùng cũng là một giải pháp lấy lợi nhuận về phục vụ đời sống nhân dân. |
Quan điểm của tôi là không thể để người nông dân sản xuất đơn lẻ. Một mình nông dân không thể sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường 100 triệu dân với nhu cầu ngày càng cao, không thể hội nhập, không thể tự mình mở rộng thị trường, xuất khẩu nông sản… Vì vậy, nông dân phải liên kết với doanh nghiệp, phải tham gia hợp tác xã, phải khởi nghiệp. Tôi rất hoan nghênh nhiều sinh viên sau khi học xong đại học đã quay trở lại chính quê hương mình để sản xuất nông nghiệp với một tâm thế mới.
Từ đó, chúng ta mới có thể thành công trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản.
PV: Còn việc xây dựng thương hiệu nông sản xuất khẩu của Việt Nam thì sao, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đòi hỏi một quá trình dài. Việt Nam từ một nước thiếu ăn trở thành nước đủ ăn và mới bước sang giai đoạn sản xuất hàng hóa. Vì vậy, yêu cầu xây dựng thương hiệu nông sản đang rất cấp thiết. Chúng ta từng bước sẽ có những thương hiệu nông sản tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng chắc chắn rất gian khó, nhất là khi nền kinh tế nông nghiệp dựa trên quy mô hộ sản xuất nhỏ lẻ.
PV: Dù hội nhập quốc tế sâu rộng, xuất khẩu nông sản ngày càng tăng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp, người nông dân vẫn phải hướng về thị trường trong nước. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế là vì người dân. Đất nước chúng ta hiện nay có gần 100 triệu dân. Vậy trước hết phải chăm lo chính đời sống người dân của đất nước mình. Xuất khẩu xét đến cùng cũng là một giải pháp lấy lợi nhuận về phục vụ đời sống nhân dân. Xu hướng của tất cả các nền kinh tế phát triển đều phải lấy “nội” làm trọng, để phát triển bền vững. Các biến động trên thị trường thế giới luôn xảy ra khó lường, vì vậy phải lấy thị trường trong nước làm nền tảng, từ đó có thể bứt phá, mở rộng ra các thị trường thế giới. Đây không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để phát triển ngành nông nghiệp bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản: Xác định khó khăn, chủ động ứng phó
PV: Ông có nhận xét gì về những khó khăn mà ngành nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong năm 2018?
Ông Nguyễn Quốc Toản: Năm 2018, tình hình thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi như cạnh tranh gay gắt trong khu vực và trên thế giới do xung đột thương mại Mỹ - Trung, sự gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường lớn như như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Ở trong nước, bên cạnh dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nhất là nguy cơ xâm nhập dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam. Những yếu kém nội tại về sản xuất nhỏ, phân tán của nền nông nghiệp Việt Nam mặc dù đã được khắc phục, chuyển biến nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao. Cùng với đó là thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường...
Vì vậy, ngay từ đầu năm 2018, Bộ NN&PTNN đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó, tập trung vào các giải pháp then chốt về đổi mới xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản trong nước, tháo gỡ các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật gắn với các mặt hàng và thị trường cụ thể; nâng cao năng lực nắm bắt và xử lý thông tin thị trường, chú trọng nghiên cứu và dự báo cung cầu, cung cấp thông tin kịp thời bằng nhiều phương tiện cho các địa phương, doanh nghiệp và nông dân để điều chỉnh sản xuất phù hợp; chủ động nghiên cứu, dự báo để tận dụng tốt cơ hội do tác động của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đem lại, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết...
PV: Có ý kiến cho rằng, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt kết quả khả quan với kim ngạch hơn 40 tỉ USD, trong khi thị trường trong nước lại bỏ ngỏ. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Nguyễn Quốc Toản: Không phải như vậy, bởi phát triển thị trường trong nước cũng là một chủ trương của ngành nông nghiệp, coi đây là mục tiêu số 1. Năm 2018, Bộ NN&PTNN đã xây dựng và phát triển hệ thống tiêu thụ nông sản trong nước với gần 1.500 sản phẩm và hơn 3.000 địa điểm bán, kiểm soát theo chuỗi nông sản an toàn thực phẩm; thành lập mới 2.200 doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản, gần 2.000 hợp tác xã, kết nối hơn 25.000 hộ sản xuất nông nghiệp với các doanh nghiệp sản xuất được cấp chứng nhận VietGap…
Các thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Riêng thị trường EU vẫn giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. |
Bên cạnh đó Bộ NN&PTNN cũng kết nối với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức diễn đàn, kết nối tiêu thụ và quảng bá các mặt hàng nông sản là thế mạnh của các địa phương, doanh nghiệp, đồng thời kết nối doanh nghiệp tiêu thụ, phân phối với doanh nghiệp, người sản xuất để giảm thiểu các khâu trung gian… Ngành nông nghiệp xác định rõ vẫn phải tiếp tục phát triển thị trường trong nước để đáp ứng nhu cầu cho gần 100 triệu dân.
PV: Thưa ông, năm 2019 và những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp sẽ gặp những khó khăn, thách thức gì?
Ông Nguyễn Quốc Toản: Chúng tôi xác định có 6 khó khăn, thách thức lớn.
Thứ nhất, quy mô sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn nhỏ, phân tán, nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao.
Thứ hai, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung - cầu nông sản.
Thứ ba, các nước trên thế giới đều tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, kể cả các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc… nên các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh vô cùng gay gắt.
Thứ tư, các thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Riêng thị trường EU vẫn giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ vẫn đang tiếp tục…
Thứ năm, xung đột thương mại Mỹ - Trung, những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit, những bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng tới việc xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Cuối cùng, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14-1-2019 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực trong tương lai gần sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức với nông sản Việt Nam.
PV: Vậy Bộ NN&PTNT đã xây dựng những giải pháp ứng phó như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Toản: Ngành nông nghiệp đã xây dựng 9 giải pháp quan trọng, trong đó đáng chú ý là cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi Bộ NN&PTNN quản lý, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân tổ chức sản xuất kinh doanh…
Bên cạnh đó Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu nông sản; tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật cho các sản phẩm hoa tươi, rau quả, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao; duy trì và phát triển thị trường Trung Quốc, mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu hàng hóa bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Đông…
Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt sẽ tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của những vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, do ảnh hưởng của việc Mỹ và các quốc gia tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại và trừng phạt gian lận thương mại để kiểm soát nguy cơ gia tăng nhập khẩu hàng hóa dư thừa của Trung Quốc…
PV: Xin cảm ơn ông!
Tú Anh
-
Tin tức kinh tế ngày 26/10: Nợ nước ngoài của Chính phủ giảm nhanh
-
Tin tức kinh tế ngày 21/7: Lãi suất vay mua nhà tăng trở lại
-
Tin tức kinh tế ngày 15/6: Nhiều đường bay ế khách dù trong cao điểm hè
-
Gỡ khó cho xuất khẩu nông sản, liên Bộ Công Thương - Nông nghiệp họp khẩn
-
Tin tức kinh tế ngày 19/3: Nông sản đón nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu