Xuất khẩu gạo: Thiếu giống lúa số 1
Thiếu giống tốt
Thị trường xuất khẩu gạo đầu năm 2018 đang diễn biến theo chiều hướng tích cực. Giá gạo ở các nước xuất khẩu lớn đồng loạt tăng khoảng 5-10%. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tăng 13-15USD/tấn, gạo 5% tấm Thái Lan tăng 22-24USD/tấn, gạo cùng loại của Việt Nam tăng 30-35USD/tấn. Theo nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo, không chỉ giá gạo xuất khẩu tăng cao, sản lượng xuất khẩu dự kiến cũng khả quan trong năm 2018. Tuy nhiên, muốn hóa giải “điểm nghẽn” cho hạt gạo Việt phải lựa chọn giống tốt và xây dựng vùng nguyên liệu hợp lý.
Bước vào đầu năm 2018 thị trường xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu lạc quan |
Có một thực tế khiến các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam luôn băn khoăn: Giống lúa. Bởi vì, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa xác định được giống lúa chủ đạo cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong chiến lược xuất khẩu gạo cần xác định rõ ràng đâu là những thị trường xuất khẩu trọng tâm và tiềm năng, thị trường đó cần những chủng loại gạo gì, chất lượng ra sao để có kế hoạch chọn giống lúa phù hợp.
Đại diện Vinafood 1 nhận xét, năng suất lúa Việt Nam khoảng 5,3 tấn/ha, trong khi Thái Lan chỉ khoảng 2,8 tấn/ha, nhưng giá trị xuất khẩu gạo Thái Lan cao hơn nhiều so với Việt Nam. Thương hiệu gạo của Thái Lan tạo được chỗ đứng trên thị trường thế giới, trong khi gạo Việt không được nhiều người tiêu dùng biết tới.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho rằng: “DN Việt Nam thường có gì bán đó, đa phần chào bán những loại gạo khách hàng không cần, trong khi loại gạo khách cần thì DN không có hoặc chỉ có số lượng rất hạn chế không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng”.
Chính vì thiếu giống lúa số 1 nên dù Việt Nam đứng nhất, nhì về lượng gạo xuất khẩu hằng năm nhưng giá trị thường đứng hàng thấp nhất, nhì thế giới. Thị trường đầu ra của gạo rất bấp bênh, DN hay bị ép giá, thương hiệu gạo vô cùng mờ nhạt.
Chuyên môn hóa vùng nguyên liệu
Phân tích về điều kiện thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo, nhiều DN và nhà quản lý khẳng định, ngoài việc chọn giống lúa chất lượng cao cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu. Hầu hết DN xuất khẩu bày tỏ, muốn ổn định nguồn cung và phát triển thị trường xuất khẩu gạo đòi hỏi phải xây dựng được vùng nguyên liệu lúa.
Năng suất lúa Việt Nam khoảng 5,3 tấn/ha, trong khi Thái Lan chỉ khoảng 2,8 tấn/ha, nhưng giá trị gạo xuất khẩu Thái Lan cao hơn nhiều so với Việt Nam. Thương hiệu gạo Thái Lan tạo được chỗ đứng trên thị trường thế giới, trong khi thương hiệu gạo Việt mờ nhạt. |
Thực tiễn đã chứng minh, từ năm 2011 đến nay, kể từ khi một số DN tạo vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân sản xuất lúa, gắn sản xuất với tiêu thụ, cung cấp gạo chất lượng cao, gạo đồng nhất chỉ từ 1 loại giống lúa, các nhà nhập khẩu gạo nước ngoài phải trả thêm trung bình 50-80USD/tấn gạo đồng nhất đó. Hiện nhiều loại gạo đồng nhất, thơm, sạch của Việt Nam được nhiều nhà nhập khẩu gạo ở các quốc gia đặt hàng. Nhiều loại gạo đang được các nhà nhập khẩu yêu cầu nhưng các thương nhân Việt Nam không đủ hàng để bán.
Về việc xây dựng vùng nguyên liệu, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nên xác định rõ vùng nguyên liệu. Ví dụ, có thể lấy vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới thị trường xuất khẩu là chính. Nhóm giống lúa chất lượng cao (gạo trắng, hạt dài, thơm nhẹ hoặc không thơm) chiếm khoảng 50%, giống lúa thơm chiếm khoảng 25%, nếp và đặc sản địa phương chiếm khoảng 15%.
Song song với lựa chọn giống lúa, cần xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng chuyên môn hóa, khuyến khích tích tụ đất đai cho sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ. Với những DN liên kết với nông dân cần sự hỗ trợ đất, vốn, thuế, phí…
Đặc biệt, cần chú ý xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tốt hoạt động sản xuất, chế biến lúa gạo. Ví dụ, đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nhà nước nên đầu tư thích đáng để hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, thu hoạch, chế biến, thương mại; bảo đảm cơ giới hóa 100%, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong chuỗi giá trị.
Theo chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, đến năm 2020 sẽ điều chỉnh sản lượng gạo trắng cấp thấp và trung bình còn dưới 20%, gạo trắng cấp cao khoảng 25%; nâng tỷ lệ gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica lên 30%, gạo nếp 20%. Tuy nhiên, các DN xuất khẩu gạo cho rằng, hạt giống chất lượng tốt cộng với vùng nguyên liệu lúa với quy trình canh tác sạch chắc chắn thị trường tiêu thụ gạo có ngay từ thời điểm gieo cấy lúa. Trường hợp không tìm ra hạt giống tốt, không xây dựng được vùng nguyên liệu hợp lý, Nhà nước có chi hàng ngàn tỉ đồng để xúc tiến thương mại thì gạo Việt vẫn phải bán với giá rất thấp và không dễ dàng tiêu thụ. |
Thanh Hồ
-
Tin tức kinh tế ngày 17/11: Tỷ giá dự báo còn "căng thẳng" đến cuối năm
-
Tin tức kinh tế ngày 10/11: Giá gạo Việt Nam xuất khẩu cao nhất khu vực
-
Tin tức kinh tế ngày 3/11: Xuất khẩu gạo năm 2024 khả năng đạt kỷ lục mới
-
Tin tức kinh tế ngày 1/11: Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng vọt
-
Tin tức kinh tế ngày 31/10: Thị trường chứng khoán hồi phục bất ngờ
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?