Vợ đại gia Novaland bất ngờ muốn chi cả trăm tỷ đồng để nắm cổ phần tập đoàn
Thị trường chứng khoán bất ngờ chuyển xấu trong phiên chiều cuối tuần (12/7). Các chỉ số đảo chiều ngay từ đầu phiên và đồng loạt giảm điểm.
VN-Index kết phiên mất 3,23 điểm tương ứng 0,33% còn 975,4 điểm trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư khi đã duy trì được 3 phiên tăng liên tục trước đó. HNX-Index cũng mất 0,16 điểm tương ứng 0,15% còn 105,86 điểm.
Lúc này, số mã giảm trên toàn thị trường đã vượt qua số mã tăng giá. Có 356 mã giảm và 55 mã giảm sàn so với 291 mã tăng và 57 mã tăng trần.
Thanh khoản đạt 157,3 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 3.602,52 tỷ đồng và 25,93 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 404,2 tỷ đồng.
Phiên này, VN-Index không còn nhận được sự hỗ trợ của các mã vốn hoá lớn. Nhiều cổ phiếu tăng giá trong thời gian qua đã bị nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn. VNM, VIC, VRE, MSN, VCB, TCB, GAS đều giảm giá và gây áp lực giảm điểm lên VN-Index, trong khi những nỗ lực từ SAB và HPG lại chưa đủ để giúp chỉ số bật lên mốc tham chiếu.
Diễn biến giá NVL trong 3 tháng qua |
Không thoát khỏi xu hướng chung của thị trường, NVL phiên hôm qua bị chốt lời và giảm nhẹ 0,81% còn 61.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó mã này có hai phiên tăng liên tiếp và đạt mức giá 61.500 đồng, mức cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại.
Đáng chú ý là giữa lúc cổ phiếu có xu hướng tăng thì bà Cao Thị Ngọc Sương, vợ ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Novaland lại đăng ký mua hơn 2,2 triệu cổ phiếu dự kiến thực hiện từ ngày 18/7 đến 16/8. Hiện tại, bà Sương chưa sở hữu cổ phiếu NVL nào.
Giao dịch này có thể sẽ được thực hiện bằng khớp lệnh hoặc thoả thuận. Nếu thành công, vợ Chủ tịch Novaland sẽ nắm trong tay khối lượng cổ phiếu tương đương với 0,23% vốn điều lệ tập đoàn.
Trước đó vào thồi tháng 4/2019, ông Bùi Cao Nhật Quân, con trai ông Bùi Thành Nhơn cũng đã mua vào 1,3 triệu cổ phiếu NVL. Cộng với sở hữu của ông Bùi Thành Nhơn là 190,89 triệu cổ phiếu NVL (tương ứng 20,37% vốn điều lệ), gia đình Chủ tịch Novaland có thể sẽ nắm giữ tổng cộng 25.09 triệu cổ phần Novaland nếu giao dịch của bà Cao Thị Ngọc Sương hoàn thành như dự kiến.
Theo quan sát của VDSC, thị trường phiên cuối tuần chịu áp lực bán mạnh nhất ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Có tới 22/30 cổ phiếu trong rổ VN30 giảm điểm khiến chỉ số VN30-Index đánh mất 0,41%. Trong khi đó VNMID-Index và VNSMLIndex khả quan hơn với mức giảm lần lượt 0,18% và 0,13%.
Nhóm cổ phiếu lớn giảm điểm đáng chú ý nhất là ROS giảm 2,4%; EIB giảm 1,9%; CII giảm 1,8%; VRE giảm 1,5%; TCB giảm 1,4%; MSN giảm 1,2% và VNM giảm 1%... Phía tăng điểm là CTD tăng 2,1%; HPG tăng 1,6% và SAB tăng 1%...
Dòng tiền tiếp tục vận động mạnh mẽ trong nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Khá nhiều cổ phiếu tăng trần như PVC tăng tới 9,9%; PXS tăng 6,9%; HUT tăng 8,3%; CMX tăng 7%... Ngoài ra còn nhiều cổ phiếu có mức tăng khá như VCS; BMP; VCI; ACL; CMG...
Nhìn chung, nhóm thủy sản tỏ ra tích cực, trong khi dệt may, ngân hàng, bất động sản... đa phần giảm điểm.
Theo đánh giá của VDSC, áp lực chốt lời là tương đối lớn, nhất là ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn duy trì được phong độ với nhiều cổ phiếu tăng mạnh. Xu hướng này đã kéo dài khá lâu và chưa có dấu hiệu kết thúc.
Theo Dân trí
-
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
-
BRICS "nhấn ga" tái thiết tài chính toàn cầu, đẩy nhanh phi USD hóa, SWIFT lung lay, giá vàng lên 150.000 USD/ounce
-
Giá vàng hôm nay (23/10): Đồng loạt tăng
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 23/10: Giá dầu thế giới diễn biến trái chiều
-
Các chuyên gia nói gì về nhu cầu dầu từ nay đến năm 2035?