Vinacomin và câu chuyện của 14 vạn con người
Khó khăn không thể chối bỏ
Trả lời đông đảo báo giới bên lề diễn đàn Quốc hội, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) Trần Xuân Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh không ngại che giấu sự lo lắng: “Tồn kho tăng, sản xuất gặp nhiều khó khăn, giá than bán cho một số hộ tiêu dùng thấp hơn giá sản xuất khiến đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Hòa cho biết. “Chúng tôi xác định rõ, khó khăn của ngày hôm nay cần được công khai để 14 vạn cán bộ, công nhân viên ngành than - khoáng sản biết đủ, biết hết, biết tường tận”.
Lượng than tồn kho tăng cao trong các đơn vị thuộc Vinacomin
Khoảng 2-3 năm trở lại đây, vấn đề thuế, phí của ngành than - khoáng sản bỗng trở thành đề tài “nóng” của dư luận. Thuế xuất khẩu lên xuống thất thường, giá than bán cho điện dù tăng nhưng vẫn chưa bù được giá thành sản xuất, khoáng sản bị “khoáng tặc” hoành hành mà không được trao quyền để xử lý… Mọi việc càng bị đẩy đi quá xa khi họ không ngần ngại vu cho “Vinacomin “kỳ kèo” thuế xuất khẩu”, “được Chính phủ ưu ái vẫn than khó” hay “tăng giá bán than kéo theo giá điện tăng”… Đa số nhắm vào lợi nhuận, doanh số, lợi ích… mà quên rằng, ngành than - khoáng sản đang lo đầu vào cho hơn 10.000MW điện của EVN và quan trọng hơn là công ăn việc làm cho 14 vạn con người, kéo theo đó là gần nửa triệu người ăn theo. Họ quên mất ngành than - khoáng sản cũng đang góp phần giữ nhịp sinh hoạt cho chính họ và người thân của họ.
“Cán bộ, công nhân viên và gia đình ngành than chiếm 1/3 dân số tỉnh Quảng Ninh. Bởi vậy, không cần nói nhiều thì mọi người cũng hiểu rằng ngành quan trọng như thế nào đối với địa phương”, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng khẳng định. “Hiện nay, khai thác than đóng góp tới 1/3 GDP và hơn một nửa ngân sách tỉnh. Đây cũng là một ngành quan trọng của đất nước, đồng thời gắn liền an ninh năng lượng quốc gia. Mọi bài toán về mô hình phát triển kinh tế - xã hội tất yếu phải tính đến sự phát triển của ngành than”.
Trên thực tế, ngành than - khoáng sản chưa bao giờ là ngành có khả năng tăng trưởng đột biến. Nguyên nhân là vì điều kiện khai thác hết sức đặc thù. Ngành than đang tích cực dịch chuyển từ khai thác lộ thiên sang hầm lò, với nhu cầu lớn từ vốn cũng như khoa học công nghệ. Với thực tế hết sức khó khăn về cân đối tài chính như hiện tại, có thể ngành than sẽ “vỡ” trước sức ép gia tăng của như cầu năng lượng trong nền kinh tế. Điển hình là trên sàn chứng khoán, nhiều đơn vị “tên tuổi” của ngành như Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu, Mông Dương đã bắt đầu báo lỗ vì không chịu nổi các loại thuế, phí, lãi suất.
Đừng ác cảm với doanh nghiệp Nhà nước
Thời trước, dư luận bàn tán nhiều về than lậu, than thổ phỉ. Đó là vấn đề muôn thưở - ranh giới mỏ. Ngành than cũng từng thừa nhận mình có trách nhiệm trong đó trước khi quyết liệt cắt bỏ khối ung nhọt. Thế nhưng, trên hết mọi việc giá trị cốt lõi được phân biệt giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, đó chính là trách nhiệm xã hội, phục vụ quốc kế dân sinh. Ngoài nhiệm vụ sinh lời như thiên chức của một doanh nghiệp bất kỳ, doanh nghiệp Nhà nước còn chịu khá nhiều áp lực từ việc đảm bảo ngân sách quốc gia, điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Để bù đắp các khoản lỗ do phục vụ quốc kế dân sinh, ngành than buộc phải tìm thị trường xuất khẩu hàng chục năm nay.
Một lãnh đạo ngành về hưu tâm sự: “Hoàn toàn nhất trí nếu câu chuyện trách nhiệm chỉ khoanh tròn cá nhân, địa chỉ cụ thể. Thế nhưng, ngành than có lịch sử hàng trăm năm, công lao đóng góp cho đất nước nhiều vô kể. Dưới mỏ còn hàng chục ngàn anh em, rồi gia đình, người thân sau lưng họ nữa. Tại sao lại bắt gần nửa triệu con người phải hệ lụy vì những cái không đâu? Đừng lôi họ vào câu chuyện của chính sách và thị trường!”.
Trong báo cáo giải trình nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, các doanh nghiệp trong Tập đoàn cho biết, trong năm 2013, do giá bán than giảm mạnh, thấp hơn so với giá thành kế hoạch, nên giá bán than của chính doanh nghiệp giảm 7-10%. Doanh thu từ nguồn bán sản phẩm ngoài than của toàn Tập đoàn cũng giảm mạnh do không có khách hàng. Bên cạnh đó, giá bán than của Vinacomin được điều chỉnh giảm từ 7-9% so với hồi đầu năm, cũng khiến lợi nhuận thuần của các doanh nghiệp trong ngành giảm mạnh. Giá than giảm có nguyên nhân từ nhu cầu nhập khẩu than từ Trung Quốc, thị trường nhập khẩu than chính của Việt Nam giảm sâu. Tồn kho của ngành than vì thế trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh. Tại thời điểm 30/6/2013, toàn Tập đoàn tồn kho lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Trong khi đó, tỷ lệ nợ phải trả của một số đơn vị trong ngành ở thời điểm cuối tháng 6 đã cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Khoản nợ vay này sẽ là gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp ngành than, trong khi đầu ra của ngành chưa thấy tín hiệu sáng sủa. Bên cạnh đó, do than là mặt hàng đặc biệt, Vinacomin định đơn giá bán than và trữ lượng khai thác của nhiều mỏ than không còn nhiều do có tuổi đời khai thác hàng trăm năm, các doanh nghiệp ngành than đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Khó khăn về tài chính, sản xuất kinh doanh là cực kỳ cấp bách, ngành than không thể bịa ra những điều không có để “mè nheo” Chính phủ như ai đó nặng lời. Và điều quan trọng hơn cả, cần phải giữ vững tay chèo cho 14 vạn cán bộ, công nhân viên ngành than đang ngày đêm làm ra thật nhiều than cho Tổ quốc!
Lê Tùng
-
Xem xét lại phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp
-
TP HCM: Khai mạc Hội thi tay nghề thanh niên năm 2024
-
“Xanh hóa” ngành than
-
Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thu về 339 tỷ đồng