Vì sao TP HCM muốn xây nhà hát tại Công viên 23/9?
>> TP HCM: Cần một nhà hát giao hưởng đúng tầm
Để tìm ra một địa điểm xây dựng Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch, vừa qua UBND TP HCM đã tổ chức Tọa đàm về nơi xây dựng nhà hát, tại đây, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra thảo luận xoáy vào hai địa điểm là Công viên 23/9 và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Xây nhà hát tại Công viên 23/9: Được và mất
Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch thành phố phân tích ưu điểm khi xây Nhà hát tại Công viên 23/9: có nhiều hướng tiếp cận công trình và kết nối với các hệ thống giao thông công cộng. Cơ sở hạ tầng có sẵn, khả năng triển khai dự án nhanh và khả thi.
Không gian xanh của Công viên 23/9 "lọt thỏm" giữa những tòa nhà cao tầng.
Đồng ý với quan điểm trên, kiến trúc sư (KTS) người Đức Torsten Illgen, Giám đốc Công ty Inros-Lackner Việt Nam nhận định nhà hát không phải là một công trình rất lớn, Công viên 23/9 là hoàn toàn phù hợp, diện tích nhỏ nhưng có rất nhiều cách bố trí. Còn về phần tiếng ồn, giao thông, mỹ quan đô thị thì có thể thiết kế được.
Torsten Illgen còn phân tích lợi thế từ những tòa nhà cao tầng xung quanh có thể ngắm nhà hát rất rõ từ trên cao. Theo Torsten Illgen, nếu thiết kế nhà hát ở 23/9 thì nên xem cảnh quan kiến trúc, một thành phố cần hài hòa giữa văn hóa và kinh doanh, nằm trong trục đường từ Nhà hát Thành phố hiện tại và Công viên 23/9 là những công trình thương mại làm nên sự đan xen đó.
KTS Nguyễn Văn Tất, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định nhà hát như là một giá trị văn hóa của TP HCM nên cần đặt ở nơi sang trọng. Do đó, Công viên 23/9 là không phù hợp, bởi vì chiều ngang hiện tại của công viên là 90m, khi xây dựng phải chừa ít nhất 20m mỗi bên, chỉ còn khoảng 60m để xây dựng nhà hát. Xung quanh còn nhiều công trình cao ốc nên gây rối trong tầm nhìn và không sang trọng.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM Huỳnh Văn Mười cho rằng: “Thành phố chuẩn bị có đô thị mới, nhưng muốn xây dựng Nhà hát trong đô thị cũ. Vậy xây dựng ở đô thị mới hay cũ lợi hơn? Tôi muốn làm bên Thủ Thiêm (đô thị mới)”.
Địa điểm dự kiến xây dựng Nhà hát tại Công viên 23/9.
Ông Mười còn cho biết thêm, về thẩm mỹ đô thị thì không nên xây dựng gần những công trình cần bảo tồn như khách sạn New World, Nhà thờ Huyện sĩ. Đồng ý với quan điểm này, KTS Nguyễn Văn Tất nói nếu công trình được xây dựng tại Công viên 23/9, bên cạnh nhà thờ Huyện Sĩ thì nóc Nhà hát không được cao quá nóc chuông nhà thờ.
Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn kịch liệt phản đối việc xây dựng Nhà hát tại công viên. Ông cho rằng xây dựng Nhà hát ở Công viên 23/9 thì rất ít người được thụ hưởng công trình này, chỉ có giới thượng lưu. Còn nếu giữ lại công viên thì người bán vé số, ăn xin, đạp xích lô... đều có thể đến nghỉ chân.
Xây ở cả hai nơi: Công viên 23/9 và đô thị mới Thủ Thiêm
Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận xét phải lựa chọn địa điểm phù hợp. Địa điểm phù hợp quan trọng hơn kiến trúc, không thể bê nguyên kiến trúc của Nhà hát đặt vào điểm đó. Cho nên tùy vào địa điểm mà xây dựng kiến trúc Nhà hát cho phù hợp. Đừng vì thấy thuận lợi mà quy hoạch rồi lấy hết cây xanh để xây dựng công trình cho thành phố để ảnh hưởng đến những quy định về không gian xanh.
Vị trí dự kiến của nhà hát tại khu đô thị Thủ Thiêm.
Những công trình văn hóa cao cấp như Nhà hát cần có không gian để giao tiếp, gặp gỡ trước những buổi diễn và giải tỏa giao thông khi kết thúc các chương trình. Kiến trúc xung quanh sẽ không hoàn nhất, nếu xây dựng Nhà hát thì tầm nhìn sẽ bị hạn chế làm cho giá trị thẩm mỹ không cao. Ông Chính nhận thấy không gian ở khu đô thị mới Thủ Thiêm đẹp nên “muốn đưa Nhà hát sang Thủ Thiêm”.
Giám đốc Nhạc viện TP HCM Văn Thị Mai Hương cho rằng cả hai vị trí, Công viên 23/9 và Thủ Thiêm, đều xây dựng nhà hát và xây ở những giai đoạn, thời điểm khác nhau. Trước mắt cần xây nhà hát ở Công viên 23/9, còn ở Thủ Thiêm sẽ là 20 năm nữa. Thành phố đã có quá nhiều khách sạn, cao ốc, trung tâm thương mại, nhà hàng... nên cũng cần có thêm nhà hát để cân bằng giữa các hoạt động kinh doanh và văn hóa.
Nhạc sĩ Vĩnh Lai đồng ý với quan điểm trên, ông cho rằng “Thành phố không chỉ có một Nhà hát, nếu muốn sau này có thể xây bên Thủ Thiêm, còn bây giờ thì có thể xây ở Công viên 23/9. Tôi thấy chọn xây dựng Nhà hát ở Công viên 23/9 là khoa học và chính xác”.
Cuối năm 2008, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM đã đề xuất 3 địa điểm xây dựng Nhà hát theo kết luận của Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch, đó là điểm tại số 23 đường Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1), khu Đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và Công viên 23/9 (quận 1). Đến giữa tháng 3/2009, Hội đồng đã thống nhất, trước mắt, để xây dựng ngay, chọn vị trí Công viên 23/9 để xây dựng Nhà hát đa đăng cho Thành phố. Về lâu dài, Hội đồng đề nghị xem xét vị trí tại khu Văn hóa – Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm thích hợp để xây dựng một Nhà hát tầm cỡ và hiện đại. |
Nguyễn Hiển
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp