Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Truyền hình thực tế và thực tế “xài nhạc chùa”

07:00 | 23/11/2013

711 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các chương trình thi thố tài năng ca hát sử dụng ca khúc độc quyền của nghệ sĩ mà không hề xin phép, đó là việc làm thể hiện sự thiếu tôn trọng người nghệ sĩ, đồng thời còn là sự kém chuyên nghiệp, văn minh trong tổ chức chương trình.

Năng lượng Mới số 276

Trong liveshow 6 của chương trình “Giọng hát Việt” vừa qua, một thí sinh đã sử dụng ca khúc “Những ngày yêu như mơ” vốn đang được độc quyền bởi ca sĩ Hải Yến Idol mà không xin phép, vụ việc đã trở nên ầm ĩ. Tăng Nhật Tuệ, tác giả của ca khúc cũng khẳng định rằng, anh không hề nhận được bất kỳ liên lạc nào về việc xin phép sử dụng ca khúc này. Ca sĩ Hải Yến cũng bức xúc vì sự thiếu tôn trọng đó của ban tổ chức chương trình.

Điều đáng nói đây không phải lần đầu “Giọng hát Việt” xài ca khúc độc quyền của nghệ sĩ khác mà không hề xin phép. Trong tập 1 vòng Đối đầu của “Giọng hát Việt” năm nay (30/6), chương trình cũng đã sử dụng ca khúc độc quyền “Chạy mưa” của ca sĩ Nguyễn Đình Thanh Tâm mà không xin phép. Ở mùa đầu tiên vào năm 2012, “Giọng hát Việt” cũng từng bị “tố” vì hành vi tương tự, tự ý xài ca khúc“Nơi tình yêu bắt đầu”do Bùi Anh Tuấn thể hiện mà chưa xin phép nhạc sĩ Tiến Minh.

"Giọng hát Việt" để thí sinh vô tư trình diễn những ca khúc độc quyền của ca sĩ khác mà không xin phép

Theo các nhạc sĩ, hầu hết các chương trình thi thố tài năng âm nhạc hiện nay trên sóng truyền hình đều sử dụng ca khúc mà không xin phép tác giả hay ca sĩ, người đã mua và sử dụng độc quyền ca khúc đó một cách hợp pháp. Nhà tổ chức các chương trình lý giải rằng dẫu chưa được sự đồng ý của nghệ sĩ nhưng họ cũng không vi phạm bản quyền bởi nhà đài sẽ thống kê và trả đầy đủ tiền tác quyền cho việc sử dụng ca khúc đó thông qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Khi bị tố xài ca khúc độc quyền mà không xin phép trong mùa đầu tiên của chương trình “Giọng hát Việt”, đại diện Cát Tiên Sa cũng đã trả lời tương tự. Mới đây, trong chia sẻ riêng với Năng lượng Mới, ca sĩ Hải Yến Idol cho biết một đại diện bên Cát Tiên Sa sau khi nói lời xin lỗi cô vì chuyện sử dụng ca khúc độc quyền “Những ngày yêu như mơ” thì người này cũng có ý nói rằng bên ban tổ chức đã tìm hiểu rõ và rất nắm bắt về chuyện bản quyền… (!?).

Phải chăng vì rất rành về chuyện bản quyền nên đơn vị này cứ “thoải mái” tiếp diễn chuyện xài ca khúc độc quyền của người khác mà không xin phép?! Bởi năm trước, khi bị phản ánh về việc này, đại diện Cát Tiên Sa đã hứa hẹn là sẽ rút kinh nhiệm và quản lý chặt hơn trong chuyện sử dụng các ca khúc trong chương trình. Nhưng thực tế cho thấy, ban tổ chức chưa hề “rút kinh nghiệm”, bằng chứng là riêng với tác giả trẻ Tăng Nhật Tuệ, chương trình này đã xài bừa đến hai ca khúc độc quyền liên tiếp vừa qua mà không một mẩu tin nhắn thông báo!

Vậy sự thật thì phía chương trình Giọng hát Việt có vi phạm bản quyền ca khúc khi sử dụng mà chưa được sự đồng ý của tác giả, ca sĩ hay không? Nhạc sĩ Vũ Quốc Bình cho biết đúng là theo nguyên tắc thì sau khi sử dụng các ca khúc trong chương trình, nhà đài sẽ thống kê và trả tiền tác quyền qua bên VCPMC. Tuy nhiên, trước khi sử dụng ca khúc nào đó thì đơn vị tổ chức phải hỏi ý kiến là ca khúc ấy có được đồng ý sử dụng hay không? Đó không những là “thủ tục” mà còn là sự tôn trọng với người nghệ sĩ của chương trình, thể hiện một cung cách chuyên nghiệp, văn minh. Nhạc sĩ cũng cho biết là chuyện tác quyền, bản quyền sử dụng ca khúc hiện nay ở nước ta còn nhiều điều rắc rối và mơ hồ. Ca sĩ Hải Yến cũng nói rằng, chuyện tác quyền sử dụng ca khúc trong các chương trình còn rất lơ mơ, chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng nên nhiều lần gây bức xúc trong giới nghệ sĩ như thế.

Câu hỏi đặt ra là khi một chương trình tự ý sử dụng một ca khúc đang trong thời hạn độc quyền của một ca sĩ nào đó thì thiệt hại cho phía ca sĩ là như thế nào?

Đầu tiên đó là việc ca khúc vốn dĩ đang được một ca sĩ sử dụng độc quyền sẽ trở thành không còn là độc quyền nữa! Đó là một thiệt thòi lớn với người ca sĩ. Xu thế hiện nay là ca sĩ đều mua ca khúc với hình thức là hợp đồng độc quyền với nhạc sĩ. Theo đó, chỉ riêng ca sĩ đó mới được phép thu âm, ghi hình, biểu diễn, kinh doanh… ca khúc. Mọi hình thức sử dụng khác đều vi phạm bản quyền nếu chưa có sự đồng ý của ca sĩ. Đương nhiên, khi ký hợp đồng mua độc quyền ca khúc thì ca sĩ phải chi trả một số tiền lớn hơn (thường gấp 5 lần) so với hợp đồng tác quyền cho tác giả ca khúc. Nhưng đổi lại, ca khúc ấy như là sở hữu riêng, thắng hay thua cũng do ca sĩ ấy quyết định; còn hợp đồng tác quyền thì nhiều ca sĩ khác cũng có thể mua và sử dụng ca khúc ấy.

Kế đến, việc sử dụng ca khúc độc quyền của một ca sĩ trong chương trình sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến các dự án của người ca sĩ liên quan đến ca khúc đó. Điển hình như ca sĩ Hải Yến, ca khúc “Những ngày yêu như mơ” của cô là một ca khúc được chọn làm cột mốc quan trọng với các dự án để quay lại sân khấu ca nhạc sau một thời gian vắng bóng. Không những thế, nội dung ca khúc cũng chính là câu chuyện khởi đầu cho một chuỗi những câu chuyện tình trong những ca khúc sau đó. Việc sử dụng tràn làn ca khúc này sẽ ảnh hưởng đến các dự án đó của Hải Yến.

Và, quan trọng hơn hết đó là khi thí sinh hát ca khúc trong chương trình sẽ vô tình “giết” ca khúc của người ca sĩ đang độc quyền, dẫu là thí sinh hát hay hay dở. Nếu hát hay, bài hát ấy sẽ được “đóng đinh”, gắn liền với tên tuổi của thí sinh kia, chứ không phải là ca sĩ đang độc quyền ca khúc. Điều này đã xảy ra rất nhiều trong các chương trình thời gian qua, khi một thí sinh nào đó trình bày quá thành công một ca khúc, cộng với súc hút của chương trình thì ca khúc ấy trở thành như “của riêng” của thí sinh đó, người ta quên đi người ca sĩ hát trước đó là ai! Ngược lại, nếu thí sinh thể hiện quá tệ thì điều đó đồng nghĩa với những cố gắng, đầu tư của người ca sĩ mua độc quyền trước đó xem như sẽ bằng không. Bởi công chúng đã mặc định đây là một ca khúc quá tệ rồi!

Đó là chưa kể chuyện tiền tác quyền mà chương trình phải trả cho ca sĩ thông qua VCPMC khi sử dụng ca khúc, dẫu đó là số tiền rất ít. Song khi nào mới nhận được số tiền ấy thì câu trả lời vẫn ở thì tương lai! Nói chung xét ở gốc độ nào thì người ca sĩ đang sử dụng độc quyền ca khúc cũng chịu thiệt thòi. Đó cũng chính là lý do vì sao nhiều nghệ sĩ đã bức xúc lên tiếng như thời gian vừa qua. Hải Yến chia sẻ, cô biết rằng nhiều người sẽ bảo cô lợi dụng chuyện để làm ầm ĩ, tạo scandal, thu hút sự chú ý của mọi người. Mặc dù vậy cô vẫn phải lên tiếng vì cần phải có tiếng nói trước sự thiếu tôn trọng, “làm giàu trên lưng” người nghệ sĩ của các chương trình hiện nay. Chưa kể là biết bao người ca sĩ tự cảm thấy mình “thấp cổ bé họng” trong showbiz nên không dám lên tiếng mà cứ “ngậm bò hòn làm ngọt”, chấp nhận thiệt thòi như là một điều tất yếu!

Các chương trình thi thố tài năng ca hát đang diễn ra càng nhiều, không phủ nhận những phần đóng góp tích cực vào đời sống nghệ thuật từ những chương trình này; song chương trình cũng cần có một quy tắc công bằng với công chúng và người nghệ sĩ. Các chương trình đang làm giàu bằng nhiều cách, trong đó không thiếu những scandal từ những chuyện lùm xùm vớ vẩn và chương trình sử dụng các ca khúc của các ca sĩ khác nhưng lại không hề xin phép. Đó không những là sự thiếu công bằng mà còn thể hiện sự tùy tiện, thiếu chuyên nghiệp, văn minh trong cách làm việc. Thiết nghĩ nhà quản lý biểu diễn cần mạnh tay xử phạt những trường hợp vi phạm bản quyền của các chương trình. Và giới nghệ sĩ đã đến lúc cần cương quyết lên tiếng với những trường hợp như thế. Đó không chỉ là tiếng nói để bảo vệ quyền lợi cá nhân của bất cứ ai mà để bảo vệ chung cho một môi trường nghệ thuật được lành mạnh, công bằng.

 Lê Vân