Tổng thống Putin: Mỹ “bịa cớ” để rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters) |
Hãng tin Sputnik dẫn lời Tổng thống Putin ngày 10/10 cho biết, việc Mỹ triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn tại châu Á đã ảnh hưởng tới lợi ích của Nga và làm xấu đi tình hình an ninh quốc tế.
“Lần này họ (Mỹ) quyết định làm điều gì đó phức tạp hơn, họ bịa ra một cái cớ, mặc dù nó hoàn toàn không liên quan tới Nga, nó liên quan tới chính sách châu Á của họ. Và bây giờ chúng ta đã nhìn thấy những gì thực sự diễn ra với các tên lửa tầm ngắn và tầm trung này. Lúc nào chúng ta cũng bị cáo buộc, rằng chúng ta vi phạm điều gì đó, nhưng 3 tháng sau khi họ rút khỏi hiệp ước, họ đã thử một tên lửa tầm trung”, ông Putin nói.
Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được Nga và Mỹ ký năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500 - 5.500 km.
Vào thời điểm ra đời, hiệp ước INF được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt căng thẳng ở châu Âu, nơi cả Nga và Mỹ cùng triển khai nhiều tên lửa dẫn tới nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Hồi tháng 2 năm nay, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi INF sau khi cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận và phát triển vũ khí bị cấm theo hiệp ước này, điều mà Moscow bác bỏ. Hiệp ước chính thức hết hiệu lực vào ngày 1/8.
Tuy nhiên, ngày 19/8, quân đội Mỹ xác nhận lực lượng này đã phóng thử một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với tầm phóng trên 500 km, vụ thử đầu tiên như vậy kể từ khi Washington rút khỏi INF. Nếu INF còn hiệu lực, tên lửa mới thử nghiệm của Mỹ sẽ bị cấm theo khuôn khổ hiệp ước.
Tổng thống Putin cho rằng Mỹ không thể chế tạo tên lửa chỉ trong 3 tháng, mà Washington đã “mất nhiều năm” để cho ra đời loại vũ khí này. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Mỹ đã chuẩn bị sẵn kế hoạch này.
“Trong trường hợp này, đã quá rõ ai là mục tiêu số một. Chúng tôi không vui vì điều này gây quan ngại cho chúng tôi. Cần nhìn xem các tên lửa đó được triển khai ở đâu, và chúng có thể phóng tới lãnh thổ Nga. Điều này không những không cải thiện, mà còn làm xấu đi tình hình an ninh quốc tế”, ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Putin ngày 3/7 đã ký ban hành dự luật đình chỉ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Mỹ. Đây là một trong những bước quan trọng để Nga chính thức rút khỏi INF.
Hồi tháng 2, ông Putin thông báo Nga sẽ bắt đầu phát triển một tên lửa tầm trung siêu thanh mới sau khi nước này dừng tham gia hiệp ước INF.
Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng tên lửa mới sẽ không được triển khai ở châu Âu hay “các khu vực khác trên thế giới” trừ khi Mỹ triển khai trước. Tổng thống Nga cho biết nước này không và sẽ không tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang trong tương lai.
Theo Tổng thống Putin, hiện vẫn chưa chắc chắn về số phận của Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), dự kiến hết hiệu lực vào tháng 2/2021.
“Cho đến nay, chính quyền Mỹ vẫn chưa quyết định sẽ làm gì với hiệp ước đó”, ông Putin nói, đồng thời nói thêm rằng nội bộ Mỹ vẫn đang tranh cãi về vấn đề này.
Theo Dân trí
-
Đức ký kết hợp đồng mua khí đốt tự nhiên của Mỹ trong 10 năm
-
Chính quyền Mỹ chạy đua chi tiền cho năng lượng sạch trước thềm cuộc bầu cử
-
Mỹ quan tâm tới các dự án cảng biển, logistic và y tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu
-
Nga đòi bồi thường hơn 1 tỷ đô la từ gã khổng lồ dầu mỏ Anh
-
Cái giá phải trả cho châu Âu và Nga nếu chấm dứt vận chuyển khí đốt qua Ukraine?
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam