Toàn cảnh “cuộc đua” vào đại học
Phụ huynh cũng căng thẳng
Trong những ngày nước rút này, việc nộp - rút hồ sơ đang "nóng" hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nhiều thí sinh, cả phụ huynh cũng đã thấm mệt sau nhiều ngày phải “canh điểm”.
Ghi nhận của PV tại các trường Top trên ở Hà Nội thì lượng thí sinh đổ về rút hồ sơ ngày càng đông. Trong những ngày nước rút của kỳ xét tuyển nguyện vọng 1 này, thí sinh phải tất tả chạy xô, vừa rút hồ sơ xong phải đến trường khác nộp cho kịp thời hạn.
Số lượng thí sinh rút hồ sơ tại trường ĐH Bách Khoa tiếp tục tăng, hiện gần 4.000 hồ sơ đã được rút |
Phải bắt xe ở Hà Giang về Hà Nội từ đêm hôm trước, anh Nguyễn Văn Quyết cùng con trai Nguyễn Văn Sơn phải thuê phòng trọ để nghỉ trước khi đến ĐH Bách khoa Hà Nội làm thủ tục rút hồ sơ. Chia sẻ lý do rút hồ sơ, em Sơn nói: "Em nộp nguyện vọng vào khoa Công nghệ thông tin, nhưng điểm hiện tại vào ngành cao quá nên em xin rút. Điểm của em là 23 điểm nhưng mà theo bảng xếp hạng của trường là 22,5 rồi. Trong những ngày tới sẽ có nhiều hồ sơ nộp thêm nên em quyết định rút đề phòng bị… đánh bật”.
Còn anh Nguyễn Văn Quyết thì ngán ngẩm: “Tôi và con trai thuê nhà trọ ở khu Giải Phóng. Cha con tôi sẽ ở đây đến hết ngày 20/8 để tiếp tục theo dõi tình hình. Lần thứ hai đi cùng con xuống Hà Nội tôi thấy mệt mỏi và căng thẳng. Gia đình làm nông nghiệp, không có điều kiện dư giả gì nhưng cũng phải cố vì con".
Cả phụ huynh và thí sinh đều mệt mỏi vì chờ đợi |
Còn anh Phạm Văn Phương (Phúc Thọ - Hà Nội) thì cho rằng: "Các con thi mà mình cũng thấy mệt. Nhiều ngày qua tôi cũng vào mạng mỗi ngày hơn chục lần để xem khả năng trúng tuyển của mình. Sốt ruột quá, hôm nay thấy điểm của con không được an toàn nên tôi phải đưa cháu về đây rút hồ sơ ngay".
Nhiều thí sinh dù ở gần nhưng vì không rút được hồ sơ ngay nên phải thuê nhà trọ ở lại để hôm sau kịp đến trường khác nộp hồ sơ. Có trường hợp thí sinh từ Nghệ An ra Hà Nội rút hồ sơ, sau đó lại bắt xe đi nộp hồ sơ vào một trường khác ở Đà Nẵng. Tại Hà Nội, những ngày này lại đang nắng nóng đỉnh điểm không thua kém gì đợt thi THPT Quốc gia, đã khiến thí sinh và phụ huynh quá mệt mỏi.
Thí sinh hoang mang
Khảo sát lượng thí sinh đến rút hồ sơ cho thấy, không chỉ những thí sinh đã bị đánh bật khỏi danh sách trúng tuyển đến rút hồ sơ mà cả những người đang nằm trong danh sách trúng tuyển tạm thời cũng… rút.
Theo giải thích của các em thì dù đang trúng tuyển tạm thời nhưng vẫn nằm ngoài vùng “an toàn”. Vì sắp tới có thể sẽ bị bật ra vì lượng hồ sơ nộp vào có thể đông, đối thủ của thí sinh không chỉ nằm trên danh sách điểm từ cao xuống thấp, mà còn có nguyện vọng “ảo”.
Theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào 4 ngành của một trường, theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Nhiều trường cung cấp danh sách thí sinh đạt điểm từ cao xuống thấp, nhưng các em không thể kiểm soát được ngoài danh sách này ra, còn có những bạn khác cao điểm hơn đăng ký nguyện vọng 2 vào ngành này.
Mới xuất hiện tình trạng các thí sinh hoang mang không biết mình sẽ “chọi" với ai.
Thí sinh và phụ huynh đến rút hồ sơ ở trường ĐH Bách Khoa Hà Nội |
Bên cạnh đó, thì nhiều thí sinh phải chấp nhận thực tế từ bỏ ước mơ được học trường mình yêu thích. Vì vậy, việc phải chuyển nguyện vọng sang trường khác khiến các thí sinh khá uể oải.
Em Hoàng Văn Thắng (Nam Trực, Nam Định) nói: "Chắc chắn em phải rút rồi, vì điểm của em bị loại khỏi Top chỉ tiêu. Em được 22 điểm, xét đăng ký nguyện vọng 1 vào khoa Vật Lý Hạt Nhân. Hiện điểm xét của em là 7.39 mà điểm xét thấp nhất của ngành bây giờ là 7.50. Em rút hồ sơ để nộp sang trường ĐH GTVT, khoa Điện tử Viễn Thông. Nhưng thực sự trường Bách Khoa vẫn là mơ ước của em. Em cũng đã đăng ký nguyện vọng 2 vào khoa Công nghệ thông tin của trường Bách Khoa nhưng năm nay điểm vào khoa này còn cao hơn năm trước, em cũng không hiểu vì sao. Giờ thì em không còn hy vọng gì để được vào trường Bách Khoa nữa…”.
Cũng giống với Thắng, em Phạm Văn Tài (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cho biết: "Xem phổ điểm của trường thì em không có khả năng đỗ nữa nên em xin rút. Em đăng ký vào khoa Tự động hóa, điểm của em chỉ có 22 mà điểm vào ngành phải 23-24 điểm. Rất có thể mấy ngày tiếp còn tăng lên nên em mới phải rút hồ sơ. Em định nộp vào trường ĐH Công Nghiệp nhưng em không thích trường Công nghiệp cho lắm. Có thể trượt Bách Khoa thì sang năm em sẽ thi tiếp”.
Bộ Giáo dục & Đào tạo... lúng túng
Trong khi thí sinh hoang mang thì Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng liên tục có điều chỉnh.
Đầu tiên phải kể đến quy định rút hồ sơ. Ban đầu Bộ Giáo dục & Đào tạo nhất quyết cho rằng các thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ thì phải đến tận trường đã đăng ký để rút.
Sau thấy tình hình quá rối, chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận lại ra công văn hướng dẫn nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho thí sinh thay đổi nguyện vọng, đăng ký xét tuyển tại trường THPT hoặc sở Giáo dục & Đào tạo quản lý. Tuy nhiên, công văn này không tạo được sự yên tâm cho học sinh, khi kỳ xét tuyển đã ở giai đoạn nước rút. Rất nhiều em vẫn phải đến trường đại học để nộp và rút hồ sơ cho chắc chắn.
Thí sinh rút hồ sơ tại trường ĐH Thủy Lợi |
Tối ngày 16/8, nắm bắt tình hình lượng thí sinh nộp - rút hồ sơ có thể tăng đột biến trong những ngày cuối, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã ký công điện gửi các trường đại học, cao đẳng về việc rút hồ sơ của thí sinh sao cho thuận lợi trong giai đoạn “nước rút”.
Bộ Giáo dục & Đào tạo đang nỗ lực cho việc nộp - rút hồ sơ thuận lợi cho đến ngày 20/8, đợt tuyển sinh mà nhiều người lo lắng sẽ “vỡ trận”.
Chính Bộ trưởng cũng khẳng định: Trong kỳ thi năm nay, học sinh, phụ huynh, Bộ Giáo dục & Đào tạo và cả hệ thống giáo dục nước nhà có vất vả hơn. Tuy nhiên, sự vất vả, lo lắng trong khâu xét tuyển là điều chính đáng để các em có quyền làm chủ bản thân và trưởng thành hơn.
Liệu có mâu thuẫn với việc chúng ta luôn hướng đến một nền giáo dục không áp lực thi cử, chú trọng trải nghiệm thực tế?
Các chuyên gia nói gì?
PGS Văn Như Cương nhận xét thẳng thắn: Đề án thi THPT quốc gia thất bại ngay khi bắt đầu. Việc xét tuyển như một ván bài và các thí sinh thì đang phải chạy đua nhưng… không biết hướng đi. Những thông tin Bộ Giáo dục & Đào tạo liên tục cung cấp như phổ điểm chung của từng khối, được nộp nhiều nguyện vọng, công bố điểm đăng ký hồ sơ xét tuyển, được phép rút hồ sơ trước 20 ngày... thực chất không có tác dụng. Bộ Giáo dục & Đào tạo không lường trước tác hại quá lớn của các nguyện vọng ảo ảnh hưởng tâm lý của thí sinh.
PGS.TS Đỗ Văn Xê - Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ nhận định: Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép thí sinh được chọn 4 ngành là tin vào khả năng lọc ảo của phần mềm sử dụng giải thuật đoạt giải Nobel. Nhưng Bộ Giáo dục & Đào tạo lại không lường trước được rằng, việc cho phép thí sinh được chọn 4 ngành đã gây tác hại ngay từ khi nộp hồ sơ. Càng ngày số lượng thí sinh điểm cao nộp đơn càng nhiều hơn nên sự rối loạn tăng lên.
Còn GS. Trần Xuân Nhĩ thì cho rằng: Những lúng túng của Bộ Giáo dục & Đào tạo chúng ta cũng đã thấy. Tuy nhiên từ hiện tượng nhiều thí sinh “tháo chạy” rút hồ sơ thì cũng phải xem lại định hướng nghề nghiệp từ giới trẻ.
Huyền Anh
Năng lượng Mới
-
Quảng Ngãi: Các khu vực đỗ xe tránh mưa lũ
-
Tử vi ngày 22/10/2024: Tuổi Tỵ cải thiện thu nhập, tuổi Tuất phát huy điểm mạnh
-
Đường sắt Việt Nam bán vé tàu qua bản đồ trực tuyến
-
Tử vi ngày 21/10/2024: Tuổi Sửu trải nghiệm mới mẻ, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
-
Tử vi ngày 20/10/2024: Tuổi Dần tính toán tài tình, tuổi Thân thận trọng lời nói
- Tử vi ngày 22/10/2024: Tuổi Tỵ cải thiện thu nhập, tuổi Tuất phát huy điểm mạnh
- Tử vi ngày 21/10/2024: Tuổi Sửu trải nghiệm mới mẻ, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 20/10/2024: Tuổi Dần tính toán tài tình, tuổi Thân thận trọng lời nói
- Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội
- Tử vi ngày 17/10/2024: Tuổi Tý công danh thăng tiến, tuổi Thìn rắc rối bất ngờ
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn