Tổ hợp Than - Điện Na Dương: Bước đệm cho tương lai
Bài 1: Lối ra cho Than
Những ngày gian khó
Than Na Dương (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) được xếp vào loại than độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Đặc điểm dễ nhận thấy của nó là nhanh cháy nhưng mau tàn, loại than này khí độc hại do có hàm lượng lưu huỳnh rất cao, bốc cháy tự nhiên thải khí rất độc. Khi mỏ than Na Dương được thành lập năm 1959, nguồn than ở đây được cung cấp chủ yếu cho Nhà máy Xi măng Hải Phòng sử dụng công nghệ lò quay của kiểu cũ. Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, hàng loạt nhà máy xi măng được đầu tư xây dựng, trong đó có Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn công suất 1,2 triệu tấn/năm, công nghệ ướt của Liên Xô cũ nên than Na Dương trở thành nguyên liệu mang lại hiệu quả nhất. Đây là thời kỳ ăn nên làm ra của Na Dương, mỗi năm khai thác hơn 144 nghìn tấn than, tạo công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động.
Giám đốc Công ty Than Na Dương Lý Văn Lục đưa đoàn công tác thăm khai trường sản xuất than
Nhưng bắt đầu từ năm 1990, các nhà máy xi măng đồng loạt chuyển đổi công nghệ, loại than Na Dương không còn phù hợp nữa bởi loại than này chỉ dùng được trong công nghệ xi măng lò đứng, chạy tàu hỏa đầu kéo và cho các nhà máy nhiệt điện với công nghệ lò tần sôi tuần hoàn. Một thời kỳ dài than Na Dương thừa, ế ngắc ngoải, không biết tiêu thụ, sử dụng ở đâu. Loại than này trở thành sự ám ảnh, thậm chí có cho không cũng chẳng ai nhận. Than này nếu không lưu trữ kín có thể tự cháy ngoài môi trường tự nhiên hoặc gặp nước mưa có thể chuyển hóa thành axit sunfuaric rất độc hại, ngoài ra người dân cũng không thể đun nấu, đốt gạch hay làm một việc gì khác. Có thời gian UBND tỉnh Lạng Sơn còn ra quyết định cấm người dân sử dụng loại than này.
Tài nguyên bỗng dưng trở thành thứ “tai họa” kéo theo hệ lụy về mặt xã hội là hàng ngàn con người có nguy cơ thất nghiệp. Đây chính là một trong vấn đề nan giải nhất của mỏ than Na Dương, làm thế nào để giữ sản xuất, giữ công ăn việc làm cho người lao động.
Để có được diện mạo Tổ hợp Than - Điện Na Dương như ngày hôm nay, chúng tôi tìm đến kỹ sư mỏ Đoàn Văn Kiển, người trước khi là tư lệnh ngành than đã từng là Giám đốc Công ty Than III (than Nội địa), (tiền thân Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc bây giờ), đơn vị chủ quản của mỏ than Na Dương. Trong ký ức của ông Đoàn Văn Kiển, ông từng có một thời khắc bế tắc nhất trong vai trò là lãnh đạo Công ty Than Nội địa, đơn vị chủ quản của mỏ than Na Dương. Mỗi lần về miền đất này để tháo gỡ vướng mắc, ông và các lãnh đạo bộ, ngành đều phải chứng kiến sự u ám, bao trùm lên toàn bộ đời sống người dân nơi đây, rồi đau đáu tìm hướng giải quyết.
Ngay cả hôm Công ty TNHH MTV Than Na Dương - VVMI kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập với nhiều thành tích đạt được, ông Kiển cũng không quên nhắc lại: “Nếu coi thập niên 80 là thời gian vang bóng nhất của mỏ than Na Dương thì đến những năm 90 lại là thời kỳ bĩ cực của mỏ than này”. Trong khoảng thời gian đó, công ty hết sức gian nan vì nguồn than không tiêu thụ được, vốn nợ đọng nhiều, vốn giải ngân chậm… Bằng giải pháp tình thế lúc bấy giờ, Giám đốc Đoàn Văn Kiển đã chủ trương kinh doanh đa nghề, quyết định mang tính đột phá nhất là tìm đầu ra cho loại than nâu quá đặc biệt này dùng làm nhiên liệu cho nhiệt điện góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy kinh tế địa phương. Ý tưởng rất hay song cũng nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng ông Kiển “viển vông, nhiệm vụ khai thác than thì cứ thế mà làm, đầu tư “ngoài ngành, lấn sân” làm gì?
Bản lĩnh và tầm nhìn
Đến khi Tổng Công ty Than được thành lập năm 1994, chủ trương phát triển than trong điện vẫn được ông quyết liệt theo đuổi đến cùng. Cộng với sự quyết tâm của ban lãnh đạo Tổng Công ty Than Việt Nam (tiền thân TKV) và Công ty Than Nội địa (tiền thân Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Nam), sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, ý tưởng xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng than Na Dương đã hình thành. Song để biến nó thành hiện thực lại là cả một chặng đường đầy gian truân. Những khó khăn về công nghệ để có thể đốt than Na Dương cần được nghiên cứu giải quyết và cả những khó khăn đến từ một số ít người chưa thấu hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng về kinh tế chính trị, xã hội to lớn khi chuẩn bị triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng than Na Dương để phát điện… Mặc dù vậy, từ lúc phê duyệt đến khi nhà máy nhiệt điện vận hành, tiêu thụ than mất 7 năm.
Một trong vấn đề nan giải nhất của mỏ than Na Dương, làm thế nào để giữ sản xuất ổn định và còn bao nhiêu hệ lụy khác đang trực tiếp ảnh hưởng đến hàng nghìn con người. Trong 3 năm từ 1994-1997, Than Na Dương được đặt trong cơ chế quản lý đặc biệt, hơn 1.000 CB CNV của mỏ được điều chuyển công tác đến các đơn vị trong và ngoài ngành, một số khác được giải quyết chế độ nghỉ hưởng trợ cấp 1 lần của Nhà nước.
Trước tình hình đó, vào ngày 3/12/1998, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Na Dương công suất 100MW, đây cũng là nhà máy điện đốt than đầu tiên của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Với vai trò tiên phong trong việc lựa chọn sử dụng Lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) là một công nghệ có thể đốt than xấu, thân thiện với môi trường. Năm 2005, Nhiệt điện Na Dương đã chính thức hoạt động, mở ra một thời kỳ mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng. Cũng từ đây, nhiệm vụ của mỏ than Na Dương ngày một nặng nề hơn, thế hệ hôm nay tiếp tục vượt qua khó khăn, tự đứng trên đôi chân của mình…
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Kiên