TKV “than” vì mức thuế tài nguyên quá cao
Cho biết đây là mức thuế “cao nhất thế giới”, ông Biên nhấn mạnh theo nghị quyết của Thường vụ Quốc hội, từ 1-7-2016, thuế tài nguyên với than lộ thiên sẽ tăng tiếp lên 12% khiến TKV tăng nộp thuế 1.200 tỉ/năm.
Theo TKV, nếu tăng thuế tài nguyên, tập đoàn này sẽ phải gánh mức thuế “cao nhất thế giới”. Chưa kể tới đây Chính phủ sẽ còn ra nghị định hướng dẫn cách tính phí môi trường mới, theo đó sẽ tính cả lượng đất đá thải ra khiến TKV sẽ phải nộp thêm khoảng 70 tỉ/năm. Với mức tính thuế như trên, 6 tháng cuối năm 2016, TKV sẽ phải nộp thuế tài nguyên than tăng thêm 731 tỉ đồng và từ năm 2017, con số sẽ tăng lên 15.000 tỉ đồng mỗi năm.
So sánh với mức thuế tài nguyên của các nước trên thế giới, hiện nay Australia đang áp thuế 5-7%; Trung Quốc 2-10% và đang tạm thời bỏ nhiều loại thuế phí khác. Như vậy, mức thuế tài nguyên đối với ngành than Việt Nam hiện nay đang ở mức rất cao, lợi nhuận giảm, doanh nghiệp không đủ vốn để đầu tư phát triển, việc cải thiện thu nhập và đời sống công nhân mỏ còn hạn chế, không khuyến khích khai thác tận thu tài nguyên...
Đây được cho là “gánh nặng” với TKV trong bối cảnh hiện nay. Theo văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, TKV nêu rõ: Trong các năm qua, ngành than gặp nhiều khó khăn, bởi nhu cầu năng lượng cũng như giá than trên thị trường thế giới đều giảm, trong đó giá than giảm trên 30%. Trong khi đó, các loại thuế, phí lại tăng cao, cụ thể: các loại thuế phí tăng cao, chiếm khoảng 15%, gồm: Thuế tài nguyên bình quân 10%; phí môi trường và thuế môi trường khoảng 2,5%; tiền cấp quyền khai thác 2%; các loại thuế, phí khác 0,5%. Ngoài ra, than trong nước còn chịu 10% thuế giá trị gia tăng. Từ những lý do trên, TKV đề nghị giảm thuế tài nguyên nói chung và thuế tài nguyên với than nói riêng xuống mức bằng các nước trong khu vực: 5-7% với than khai thác lộ thiên và không tính thuế trên cả lượng đất đá thải ra.
Ngoài ra, ông Biên cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, TKV chưa xuất khẩu một tấn than nào vì phải chờ Chính phủ cho phép. Dự kiến, 2016, dù định hướng sẽ vẫn xuất khẩu nhưng TKV nêu VN sẽ phải nhập khẩu khoảng 6,5 triệu tấn than. Liên quan đến việc tăng thuế tài nguyên, trước đó Bộ Tài chính cho rằng, việc này nhằm giải quyết hai câu chuyện: để tăng thu ngân sách, đồng thời tăng cường quản lý việc khai thác tài nguyên.
Có thể thấy, trước khi bản dự thảo được hoàn thiện chính thức, tranh luận xung quanh việc tăng thuế tài nguyên luôn là vấn đề nóng. Có ý kiến cho rằng, việc tăng thuế là cần thiết vì các loại khoáng sản đều có trữ lượng hữu hạn, nếu thuế suất thấp, sẽ khiến doanh nghiệp không có động lực thay đổi công nghệ, khai thác thủ công, gây lãng phí.
Đồng quan điểm này, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, lâu nay nền kinh tế của nước ta phụ thuộc rất nhiều vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô, giá trị đem về cho đất nước là rất thấp. Trong khi đó, ở nhiều nền kinh tế khác, họ không khuyến khích xuất khẩu khoáng sản, thậm chí còn để giành lại cho con cháu đời sau và chọn giải pháp nhập khẩu khoáng sản với giá rẻ đem về chế biến. Do vậy cần có các chính sách nhằm buộc doanh nghiệp chế biến sâu là cần thiết.
Ở góc nhìn của doanh nghiệp, lãnh đạo một doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản cho rằng, việc tăng thuế tài nguyên sẽ làm đội chi phí khai thác, từ đó làm tăng hàm lượng công nghiệp tối thiểu, làm giảm trữ lượng của một mỏ khoáng sản, khiến các doanh nghiệp e dè khai thác không tận thu hết giá trị, làm giảm trữ lượng mỏ, từ đó làm giảm tổng số thuế mà Nhà nước thu được.
Minh Châu
Năng lượng Mới 518+519