TKV sẵn sàng mọi nguồn lực để triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê
Đại diện TKV cho biết, thời gian qua, Công ty CP sắt Thạch Khê đã triển khai dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh (Dự án) theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, đồng thời thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý liên quan về lập, thẩm định và phê duyệt Dự án, điều chỉnh Dự án, thiết kế kỹ thuật.
Một phần khu vực mỏ rộng hơn 741 ha, thuộc địa bàn 3 xã Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải (huyện Thạch Hà) |
Đặc biệt, Dự án và thiết kế kỹ thuật do các đơn vị Tư vấn chuyên ngành khai thác mỏ có uy tín hàng đầu nước ngoài (Viện GIPRORUDA thuộc Cộng hòa Liên bang Nga; Viện Tháo khô mỏ thuộc CH Liên Bang Nga; Công ty TNHH CBM về Tư vấn, Kinh doanh và Quản lý thuộc Cộng hòa Liên bang Đức) và trong nước (Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim; Công ty Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và Công nghiệp - VINACOMIN; Hội Khoa học Công nghệ Mỏ Việt Nam) lập, thẩm định và đã được Bộ Công Thương thẩm định để báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.
Cho đến thời điểm này, Công ty CP sắt Thạch Khê đã thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý của Dự án theo quy định và thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đồng thời đã giải trình, làm rõ những vấn đề quan ngại của địa phương, các bộ ban ngành; Dự án hoàn toàn đảm bảo hiệu quả, khả thi. Do đó, công ty đề nghị tỉnh Hà Tĩnh đồng tình, ủng hộ trong việc tái khởi động Dự án, đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và tỉnh Hà Tĩnh trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Công ty CP sắt Thạch Khê sớm tái khởi động Dự án nhằm mang lại hiệu quả, lợi ích quốc gia, nhân dân vùng Dự án, địa phương và doanh nghiệp.
Người đại diện TKV đồng thời khẳng định với năng lực tài chính, bề dày kinh nghiệm trong quản lý khai thác chế biến khoáng sản, TKV hoàn toàn có thể nhanh chóng tiếp tục triển khai Dự án ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn, môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội.
Mỏ sắt Thạch Khê sẽ giúp hạn chế phụ thuộc vào nguồn quặng nhập khẩu, cung cấp nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp trong nước. Dự án đã được tỉnh Hà Tĩnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt Dự án/lộ trình bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Giấy phép khai thác và Giấy phép xả thải. UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tổng Cục đường bộ Việt Nam phê duyệt/chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông nút giao đấu nối từ moong mỏ sắt Thạch Khê vào QL 15B... Chủ đầu tư đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật từ tháng 4/2016.
Bên cạnh việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, chủ đầu tư cũng đã dành nguồn lực triển khai các hạng mục công việc theo quy định của pháp luật, đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị để phục vụ cho các bước tiếp theo của dự án. Tuy nhiên, do tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị dừng triển khai nên Công ty CP sắt Thạch Khê chưa thể tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư Dự án. Không những thế, Hà Tĩnh còn phong tỏa tài khoản của công ty khiến mọi hoạt động của đơn vị, sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng theo đại diện TKV, việc tiếp tục triển khai Dự án tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp, dịch vụ phụ trợ và thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và vùng phụ cận; Dự án sẽ đóng góp lớn vào ngân sách hàng năm (giai đoạn I: trên 1.500 tỷ đồng/năm, giai đoạn II: trên 2.800 tỷ đồng/năm), góp phần tăng trưởng GDP cả nước; tạo việc làm trực tiếp cho trên 3.500 lao động (chủ yếu là người dân trong diện chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi Dự án); địa phương và người dân được chủ đầu tư hỗ trợ thông qua đầu tư các công trình an sinh xã hội; đảm bảo hiệu quả vốn nhà nước đã đầu tư vào Dự án.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì các ngành công nghiệp cần được ưu tiên phát triển, trong đó có lĩnh vực luyện kim. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng về khoáng sản nhằm tự chủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước, tránh phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, nhất là trong bối cảnh chính sách của các quốc gia luôn thay đổi; chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị tác động bất cứ lúc nào vì dịch bệnh và các xung đột địa chính trị vẫn còn phức tạp.
Liên quan đến mối quan tâm lớn nhất của người dân địa phương và cộng đồng xã hội về vấn đề kiểm soát môi trường nếu dự án triển khai, đặc biệt sau vụ sự cố Formosa tại Hà Tĩnh, đại diện TKV cho biết: Việc đầu tư khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê chỉ là một trong những công đoạn khai thác, chế biến khoáng sản. Trong công đoạn này chỉ xúc bốc vận chuyển đổ thải đất, đá, cát; khai thác, tuyển rửa quặng nên có sự khác biệt hoàn toàn với công nghệ của công đoạn luyện kim.
Trong dây chuyền công nghệ khai thác, tuyển quặng không sử dụng hóa chất; nước sản xuất khâu tuyển rửa quặng được sử dụng tuần hoàn; nước thải mỏ được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả thải; công tác đổ thải cát ra bãi thải lấn biển đã giải quyết được vấn đề đổ thải cao trong đất liền, qua đó khắc phục được hiện tượng cát bay, cát chảy… Các giải pháp về bảo vệ môi trường đã được làm rõ trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Mặt khác, Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ khoáng sản rắn thông thường, được khai thác bằng phương pháp lộ thiên; sử dụng đồng bộ thiết bị tiên tiến, hiện đại tương tự các mỏ khoáng sản đang áp dụng khai thác trong nước và trên thế giới; đã được tính toán chi tiết trong Dự án làm cơ sở đầu tư, sử dụng có hiệu quả trong thời gian tới.
Mỏ sắt Thạch Khê trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư dự án từ năm 2008, triển khai đến năm 2011 phải tạm dừng để cơ quan quản lý thẩm định lại thiết kế kỹ thuật, tái cơ cấu cổ đông. |
Minh Châu
-
Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu
-
Mô hình tối ưu hóa thị trường điện Bắc Âu
-
TS. Ngô Đức Lâm: Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Duyên Hải và đấu nối: Đáp ứng nhu cầu điện cho tỉnh Trà Vinh
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Định Quán và đấu nối: Tăng cường đảm bảo điện cho tỉnh Đồng Nai và khu vực