TKV đi đúng định hướng của Nghị quyết 55-NQ/TW
Nghị quyết số 55-NQ/TW đã xác định mục tiêu tổng quát: “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái”.
TKV đã đạt được nhiều bước tiến trong ứng dụng cơ giới hóa khai thác, sàng tuyển than |
Theo đó, ngành năng lượng cần phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; chủ động sản xuất một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại...”.
Nghị quyết số 55-NQ/TW cũng xác định tầm nhìn đến năm 2045: “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các phân ngành năng lượng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao”.
Nghị quyết số 55-NQ/TW cũng đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu. Đáng chú ý, trong phần tổ chức thực hiện, Nghị quyết nêu rõ: “Ban cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các chiến lược phát triển các phân ngành năng lượng, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia phù hợp với tinh thần của Nghị quyết; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết…”.
TKV ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật để xây dựng “mỏ hiện đại, mỏ ít người” |
Một số mục tiêu cụ thể của ngành năng lượng Việt Nam: Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030. Trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175-195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045 đạt khoảng 320-350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỉ kWh. Tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045; tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt 105-115 triệu TOE, năm 2045 đạt 160-190 triệu TOE; cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt 420-460 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 đạt 375-410 kgOE/1.000 USD GDP.
Ngành điện Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc top 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc top 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045. Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.
Đáng chú ý, Nghị quyết số 55-NQ/TW khẳng định, cần phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước; chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện; phân bổ tối ưu hệ thống năng lượng quốc gia trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương.
Riêng với phát triển năng lượng tái tạo, các bộ, ngành và các tập đoàn cần tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch; ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Nghị quyết số 55-NQ/TW yêu cầu cụ thể: “Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế. Sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu…”.
Đặc biệt, về sự phát triển nhiệt điện than, Nghị quyết số 55-NQ/TW nhấn mạnh: Cần phát triển ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như công nghệ siêu tới hạn (USC) trở lên. Trong đó, cần bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; rà soát tổng thể và có kế hoạch sớm triển khai nâng cấp công nghệ của các nhà máy điện than hiện có để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Đặc biệt, phải kiên quyết đóng cửa đối với các nhà máy không thực hiện nâng cấp công nghệ theo quy định.
Có thể thấy rằng, trong 10-25 năm tới, việc phát triển ngành năng lượng Việt Nam không thể tách rời việc khai thác các nguồn năng lượng có sẵn trong nước. Trong đó, việc khai thác than nguyên khai sẽ phải tập trung nâng cao công suất, chất lượng, phục vụ các nhà máy điện có công suất siêu tới hạn trở lên. Với những nỗ lực ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất và đẩy mạnh kinh doanh, phối trộn than chất lượng cao, nâng cao mức độ cơ giới hóa, hiện đại hóa công nghệ trong 5 lĩnh vực: khai thác than hầm lò, khai thác than lộ thiên, tuyển than, quản lý an toàn mỏ, bảo vệ môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang đi đúng định hướng của Nghị quyết số 55-NQ/TW. Đây chính là con đường để TKV và các đơn vị thành viên phát triển bền vững trong tương lai.
Tùng Dương
-
EVN có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
-
Rào cản nào trên con đường chuyển đổi theo cơ chế thị trường của ngành năng lượng?
-
PVN: Phát triển năng lượng tái tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm
-
Quán triệt Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia
-
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 14]