TKV chuẩn bị thăm dò Titan tại Bình Thuận
Được biết, từ giữa năm 2008, khi TKV được Chính phủ giao chủ trì thăm dò, đánh giá trữ lượng, lập và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư khai thác, chế biến quặng titan với quy mô lớn, công nghệ cao tại Thông báo số 144, Tập đoàn đã tích cực, chủ động có các văn bản đề nghị Bộ TN&MT được tiếp cận tài liệu điều tra đánh giá tiềm năng sa khoáng titan- zircon trong tầng cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và Bắc Bà Rịa - Vũng Tàu; đồng thời xin được làm thủ tục cấp phép thăm dò trước một khu vực để phục vụ lập dự án khai thác.
Sau khi có văn bản số 5353 của Chính phủ về việc đồng ý cho TKV thăm dò quặng titan - zircon tại khu vực Lương Sơn, Bình Thuận và giấy phép thăm dò khu Lương Sơn 1 do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cuối năm 2013, Tập đoàn đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị về mọi mặt để thực hiện thi công đề án thăm dò theo giấy phép được cấp.
Phó TGĐ Tập đoàn Vũ Mạnh Hùng khảo sát, làm việc với địa phương tỉnh Bình Thuận (Ảnh TKV)
Vào tháng 3 năm 2014, Phó Tổng giám đốc TKV Vũ Mạnh Hùng cùng đoàn công tác của Tập đoàn đã vào làm việc với địa phương tỉnh Bình Thuận để bàn bạc các công việc liên quan trong quá trình TKV triển khai thi công đề án.
Dự kiến khu Lương Sơn I sẽ hoàn thành công tác thăm dò vào cuối năm 2015. Các khu Lương Sơn II và Lương Sơn III sẽ được Tập đoàn thăm dò trong thời gian tiếp theo.
Để phục vụ phát triển khai thác, chế biến titan ở quy mô lớn, việc TKV được Chính phủ giao chủ trì thăm dò, đánh giá trữ lượng, lập và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn với công nghệ cao… có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra triển vọng của một ngành công nghiệp mới – chế biến sâu titan trong định hướng phát triển bền vững của Tập đoàn.
Theo dự tính, tổng trữ lượng và tài nguyên titan - zircon ở Việt Nam là 650 triệu tấn khoáng vật nặng (trong đó khoảng 78 triệu tấn zircon); riêng trữ lượng và tài nguyên dự báo khu vực Bình Thuận khoảng 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng và tài nguyên quặng titan Việt Nam. Đây là một con số khổng lồ nếu so với tổng trữ lượng titan đã xác định của toàn thế giới là 1.400 triệu tấn. Điều này mang lại triển vọng Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia có ngành công nghiệp khai khoáng titan phát triển. |
Nguyễn Kiên