Tin tức kinh tế ngày 29/6: Ngân hàng Nhật Bản muốn sớm mua lại Ngân hàng Xây dựng
Ngân hàng Nhật Bản muốn sớm mua lại Ngân hàng Xây dựng
Nhân dịp dự Hội nghị G20, chiều 29/6, tại Osaka, Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp một số lãnh đạo Tập đoàn Nhật Bản đã và sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Chủ tịch Ngân hàng J.Trust Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng (CBBank). Chủ tịch Ngân hàng J.Trust cho biết đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tình hình của Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và đã gửi bản chào tham gia mua lại để tái cơ cấu ngân hàng này đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
(Ảnh minh họa) |
Theo lãnh đạo J.Trust, các chỉ số tài chính của CBBank đã được tính toán và lối ra với ngân hàng này là ưu tiên cắt lỗ, hướng đến khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp của Nhật đang làm ăn ở Việt Nam.
Đánh giá cao J.Trust muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, quá trình tham gia phải phù hợp với các quy định pháp luật của Việt Nam. Thủ tướng đề nghị J. Trust khẩn trương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tiến hành các công việc cần thiết, đồng thời nhấn mạnh, các đối tác tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng tại Việt Nam phải là những ngân hàng có tiềm lực tài chính, trình độ quản trị hiện đại, có phương án tái cấu trúc rõ ràng.
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn J.Trust lập phương án chi tiết gửi Ngân hàng Nhà nước, để Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ xem xét quyết định. “Đây là thời cơ rất tốt cho tâp đoàn và thời gian không chờ ai cả”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng chỉ thị nâng cao hiệu quả sử dụng ODA
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên.
Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài đều tập trung cho đầu tư các dự án, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đã có những đóng góp tích cực cho đầu tư phát triển của đất nước, nhất là trong việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, sản xuất điện, xử lý nước thải, phát triển nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng một số trường học, bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài còn có những hạn chế, bất cập như: Một số dự án được đàm phán, ký kết xong nhưng chưa được các bộ, ngành tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân đã cam kết với nhà tài trợ; chất lượng chuẩn bị dự án chưa đạt yêu cầu, quá trình thực hiện dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư và chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng...
Để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập trên đây và phát huy hơn nữa vai trò của các nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA ngày càng hạn hẹp, nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ hiện nay chủ yếu là vay ưu đãi với lãi suất gần với lãi suất thị trường, việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới là hết sức cần thiết.
Bộ Công Thương đưa vào 'tầm ngắm' 8 mặt hàng có nguy cơ gian lận về xuất xứ
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Bộ Công Thương đã đưa vào 'tầm ngắm' 8 mặt hàng có nguy cơ gian lận về xuất xứ. Đó là các mặt hàng: gỗ, dệt may, da giày, sắt thép, nhôm, máy tính, nhựa và xe đạp. Việc Bộ Công thương đưa những mặt hàng này vào tầm ngắm để kiểm soát chặt chẽ nhằm không ảnh hưởng tới việc xuất khẩu của Việt Nam.
Nhôm là 1 trong 8 mặt hàng có nguy cơ gian lận về xuất xứ |
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê thông tin thêm, hiện cơ quan này đang phối hợp với một số bộ, ngành có giải pháp loại trừ gian lận thương mại, tránh tình trạng hàng nhập khẩu hàng hóa về chỉ sơ chế chút ít rồi xuất khẩu...
Theo ông Lâm, qua theo dõi về tình hình kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ có một số động lực để duy trì tăng trưởng cao trong quý III, IV. Trong ngành công nghiệp điện tử, quý I tăng trưởng thấp, quý II có dấu hiệu phục hồi trở lại thể hiện qua tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu của ngành này.
Ông này cũng đưa ra nhận xét, năm 2019 so với 2018, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu tăng chậm lại. Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm nay, với mức tăng trưởng 2 con số. Tuy nhiên khó duy trì mức tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài.
TPHCM: Doanh nghiệp giải thể tăng 71,2 % trong 6 tháng
Theo báo cáo của Cục thống kê TPHCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2019 ước tính tăng 7,61 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực nông lâm thủy sản tăng 6,01 %; công nghiệp và xây dựng tăng 6,07%; thương mại dịch vụ tăng 7,91%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,23%.
Về xuất khẩu hàng hóa, tổng kim ngạch xuất khẩu qua cảng ở TPHCM (kể cả dầu thô) trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 18.027 triệu đô la Mỹ tăng 10,1 % so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu trong 6 tháng đạt 20.460 triệu đô la Mỹ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2019 giảm 0,04% so với tháng trước nhưng 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,92 so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Tính từ đầu năm đến ngày 15-6, toàn thành phố có 20.087 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 321.371 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm trước số giấy chứng nhận kinh doanh giảm 0,5% nhưng vốn đăng ký lại tăng 42,1%.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến ngày 31-5-2019 thành phố có 1.960 doanh nghiệp giải thể, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động 3.374 đơn vị tăng 0,9%. Ngoài ra, có 5.188 doanh nghiệp ngưng hoạt động có thời hạn; chuyển đi tỉnh thành khác có 478 doanh nghiệp tăng 24,5%.
Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Sở kể hoạch đầu tư TPHCM cho biết, những doanh nghiệp giải thể và ngưng hoạt động chủ yếu là ở lĩnh vực thương mại, bán buôn bán lẻ, tư vấn bất động sản, nhóm ngành sửa chữa. Đây là những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Bị tuýt còi, Coca Cola "sửa lỗi"
Mới đây, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) vừa có công văn gửi các Sở VH-TT-DL, Sở VH-TT các tỉnh thành về việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola.
(Ảnh minh họa) |
Theo Bộ VH-TT-DL, hiện nay, nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo có sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam". Việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.
Ngay sau khi nhận được công văn từ Cục Văn hoá cơ sở - Bộ VN-TT-DL hôm 22/6, Công ty đã nhanh chóng thay đổi cụm từ "Mở lon Việt Nam" thành "Cơ hội trúng vàng mỗi ngày" cho chương trình khuyến mãi của sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác.
Hiện quy trình đang được diễn ra nhanh chóng, toàn bộ nội dung quảng cáo trên tất cả các kênh truyền hình, kỹ thuật số và 70% bảng hiệu quảng cáo ngoài trời đã được cập nhật nội dung mới. Quy trình vẫn đang được tích cực diễn ra nhằm đảm bảo sự thay đổi sẽ hoàn tất trong tuần đầu tháng 7.
M.L (t/h)
-
Tin tức kinh tế ngày 25/10: Thu ngân sách cả năm 2024 ước tăng trên 10%
-
Tin tức kinh tế ngày 22/10: Nhập khẩu sắt thép của Việt Nam tăng mạnh
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Tin tức kinh tế ngày 20/10: Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lục
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Tin tức kinh tế ngày 25/10: Thu ngân sách cả năm 2024 ước tăng trên 10%
-
[Infographic] Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm
-
Lo ngại bị đối xử thiếu bình đẳng trong dự thảo quy định hoàn thuế GTGT
-
Giá vàng hôm nay (25/10): Tăng trở lại
-
Giá dầu hôm nay (25/10): Dầu thô tăng trong phiên