Tin tức kinh tế ngày 23/6: Chi hơn 1,65 tỷ USD nhập linh kiện lắp ôtô
Việt Nam chi hơn 1,65 tỷ USD nhập linh kiện lắp ôtô
Linh kiện ôtô được nhập về Việt Nam tiếp tục tăng. (Ảnh minh họa) |
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, linh kiện, phụ tùng ôtô được các doanh nghiệp nhập về Việt Nam tiếp tục tăng trong tháng 5 với 357 triệu USD, tăng 39 triệu USD so với một tháng trước đó.
Hàn Quốc vẫn có thị phần linh kiện, phụ tùng xuất sang Việt Nam nhiều nhất, với 105 triệu USD, tăng 13% so với tháng 4. Trung Quốc đã soán ngôi Thái Lan, vươn lên ở vị trí thứ 2 với hơn 59 triệu USD, Thái Lan 57,5 triệu USD, Indonesia 26 triệu USD... Trong khi đó lượng linh kiện nhập từ Nhật lại giảm 7%, còn hơn 53 triệu USD. Xét về giá trị, linh kiện nhập từ Đức khá khiêm tốn, gần 19 triệu USD nhưng tăng trên 50% so với tháng 4.
Luỹ kế 5 tháng, Việt Nam đã chi hơn 1,65 tỷ USD để nhập linh kiện, phụ tùng ôtô về lắp ráp trong nước, tăng 20 triệu USD (khoảng 14%) so với cùng kỳ. Trong đó, Việt Nam nhập 481 triệu USD linh kiện, phụ tùng ôtô từ Hàn Quốc. Thị trường cung cấp thứ 2 cho Việt Nam là Nhật Bản với 300 triệu USD, đứng thứ 3 là Trung Quốc với hơn 290 triệu USD, đứng thứ 4 là Thái Lan với 247 triệu USD...
Hạn chế nông sản Việt xuất khẩu qua thương hiệu nước ngoài
Sơ chế thanh long xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: TTXVN) |
Việt Nam đang có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu (XK) chủ lực, có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, so với tiềm năng, số lượng nông sản XK của Việt Nam còn khá khiêm tốn, nguyên nhân là do chất lượng sản phẩm không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính. Đáng chú ý, một lượng không nhỏ nông sản Việt được bán ra thị trường thế giới thông qua thương hiệu nước ngoài.
Khắc phục những hạn chế trên, Bộ Công Thương đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan. Trong đó, Bộ đã và đang triển khai Chương trình Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam, theo định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu các ngành hàng có thế mạnh XK, có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho nông sản. Từ đó, nâng cao nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; nâng cao hiệu quả trong liên kết vùng để phát triển sản phẩm chủ lực liên tỉnh, liên vùng, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia.
Việt Nam sắp xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang Trung Quốc
Lô sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam dự kiến sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 10/2019. (Ảnh minh họa) |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dự kiến đầu tháng 8/2019 phía Việt Nam sẽ cung cấp danh sách các doanh nghiệp (DN) được lựa chọn để xuất khẩu sữa sang Trung Quốc. Lô sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam dự kiến sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 10/2019.
Không riêng mặt hàng sữa, các sản phẩm trái cây, thủy sản... của Việt Nam đang được Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình trực tiếp khảo sát, hoàn tất thủ tục để nhập khẩu. Bộ NN&PTNT đã họp với các bộ ngành và các đơn vị chức năng, đề ra lộ trình triển khai để DN nắm rõ, chuẩn bị kế hoạch và tổ chức sản xuất theo yêu cầu của phía Trung Quốc.
Theo đó, Bộ đã tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng và các địa phương chú trọng phát triển sản xuất, liên kết phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô hàng hóa, cấp mã số vùng trồng, nuôi đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm cho trên 1.200 mã số vùng trồng và 564 nhà đóng gói và tiếp tục cập nhật theo yêu cầu của các địa phương; tiếp tục tăng cường phát triển bảo quản, chế biến, đóng gói... đáp ứng các quy định của thị trường Trung Quốc.
Tiêu thụ điện kỷ lục, EVN phát điện chạy dầu giá 5.000 đồng/kWh
Số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, ngày 21/6 công suất tiêu thụ điện đã lần đầu vượt 38.000 MW, đạt 38.147 MW lúc 14h. Đây là mức công suất đỉnh cao kỷ lục trong lịch sử từ trước đến nay. Ngày 22/6, các công sở, doanh nghiệp nghỉ sản xuất do vào ngày nghỉ, nhưng công suất tiêu thụ cũng ghi nhận mức gần 37.500 MW.
Nắng nóng gay gắt trên diện rộng, duy trì ở mức 39-40 độ C những ngày qua ở miền Bắc, miền Trung là nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ điện tăng đột biến. Sản lượng tiêu thụ điện cả nước cũng ghi nhận cao kỷ lục trong ngày 21/6, gần 783 triệu kWh, cao hơn "đỉnh" năm 2018 xấp xỉ 72 triệu kWh.
Để đảm bảo cung cấp điện với mức tiêu thụ tăng cao những ngày qua, EVN phải thường xuyên huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu với chi phí rất cao, 3.500-5.000 đồng/kWh. Riêng ngày 21/6, tập đoàn này huy động 2.000 MW điện chạy dầu để đủ điện cho sinh hoạt, sản xuất.
Foxconn muốn đầu tư nhà máy lắp ráp 40 triệu USD tại Quảng Ninh
Khu công nghiệp Đông Mai - địa điểm Foxconn sẽ đầu tư nhà máy |
Tại buổi gặp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mới đây, ông Harry Zhuo - Tổng Giám đốc Tập đoàn Foxconn Việt Nam cho biết hiện tập đoàn đang nghiên cứu và xem xét đầu tư dự án Nhà máy lắp ráp linh kiện màn hình tivi tại khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên với quy mô nhà xưởng rộng 10 ha, nhu cầu lao động 3.000 người với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 40 triệu USD (tương đương với khoảng hơn 900 tỉ đồng).
Ông Zhuo bày tỏ hy vọng việc cấp phép đầu tư cho dự án này sẽ được Quảng Ninh sớm hoàn thành. Hiệu quả của dự án sẽ là cơ sở để Foxconn tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng thêm nhiều lĩnh vực tại Quảng Ninh.
Về phía tỉnh Quảng Ninh, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Thắng cam kết đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ Foxconn thực hiện các thủ tục cấp phép đầu tư trong thời gian nhanh nhất. Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện hợp thức cho các cơ chế chính sách ưu đãi trong đầu tư, thu hút nguồn lao động trong quá trình đầu tư dự án và hoạt động.
Tập đoàn Foxconn được thành lập năm 1974 tại Đài Loan với quy mô lớn trên thế giới trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và máy tính. Trước đây, Foxconn vẫn được biết đến như công ty chuyên gia công sản phẩm iPhone cho Apple. Song từ năm 2018, tập đoàn này có kế hoạch mở rộng mô hình kinh doanh và phát triển thương hiệu riêng cho mình.
Lâm Anh (t/h)
-
Tin tức kinh tế ngày 20/10: Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lục
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Tin tức kinh tế ngày 17/10: Việt Nam xuất khẩu gần 1,3 triệu tấn phân bón trong 9 tháng
-
Tin tức kinh tế ngày 16/10: Thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ chính thức vượt 100 tỷ USD
-
Tin tức kinh tế ngày 15/10: Trái phiếu doanh nghiệp “ấm dần”
-
Tin tức kinh tế ngày 20/10: Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lục
-
Giá dầu hôm nay (19/10): Dầu thô quay đầu giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh