Tin tức kinh tế ngày 1/6: Xăng dầu đồng loạt giảm giá, Viettel khiến thế giới phải "ngước nhìn"
Xăng RON95 giảm 380 đồng/lít với mức giá bán lẻ 21.219 đồng/lít
Bộ Công Thương vừa phát đi thông tin giảm giá xăng dầu từ 1/6. Cụ thể, từ 15 giờ chiều nay, xăng RON95-III giảm 380 đồng/lít; Xăng E5RON92 giảm 269 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S giảm 220 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 197 đồng/lít; Dầu mazut giảm 182 đồng/kg.
Giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới thời gian qua có sự biến động tăng, giảm đan xen |
Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92 không cao hơn 20.219 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 21.219 đồng/lít; Dầu diesel không cao hơn 17.394 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 16.225 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 15.354 đồng/kg.
Liên Bộ Tài chính - Công Thương cũng quyết định chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với Xăng E5RON92 là 398 đồng/lít (kỳ trước chi 457 đồng/lít) còn các loại xăng dầu khác về 0 đồng.
Theo Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 1/6/2019 là 73,29USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 2,295 USD/thùng); 75,158 USD/thùng xăng RON95 (giảm 2,234 USD/thùng); 81,302 USD/thùng dầu diesel 0.05S (giảm 1,665 USD/thùng)… Đây cũng chính là lý do khiến giá xăng dầu giảm trong kỳ điều chỉnh lần này.
Trong 15 ngày vừa qua, do ảnh hưởng của các vấn đề về chính trị và căng thẳng thương mại giữa các nước lớn trên thế giới, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới có sự biến động tăng, giảm đan xen.
Đã khởi tố vụ Khaisilk bán hàng Trung Quốc gắn mác 'made in Vietnam'
Trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 31/5, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương - cho biết, công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án liên quan tới sai phạm của Khaisilk. "Hiện cơ quan điều tra tiến hành các bước điều tra theo pháp luật hiện hành ở vụ án này", vị Thứ trưởng cho hay.
"Bộ đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội từ cuối năm 2017 để mở rộng điều tra" |
Theo ông Hải, vụ Khaisilk bán khăn lụa “made in China” được phát hiện từ cuối năm 2017. Khi đó, Cục Quản lý thị trường (nay là Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) lập tổ kiểm tra liên ngành, kiểm tra toàn bộ hệ thống cửa hàng Khaisilk trên toàn quốc. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều sản phẩm giả mạo xuất xứ.
“Chúng tôi đã hoàn thành hồ sơ về vi phạm của Khaisilk. Ngày 30/7/2017, Cục Quản lý thị trường đã chuyển hồ sơ sang Công an thành phố Hà Nội", ông Hải nói.
Báo cáo kiểm tra của Bộ Công Thương cũng phát hiện khăn lụa Khaisilk không có thành phần silk như công bố. Còn thống kê của hải quan, 3 năm (2006 - 2009) Khải Đức - công ty quản lý thương hiệu Khaisilk - nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan.Trước sự việc trên, ông Hoàng Khải - Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk - sau đó đã thừa nhận với truyền thông "bán 50% lụa 'made in China' trong hệ thống của mình" và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng.
Từ 2009 đến ngày 15/10/2017 công ty không còn nhập khẩu các mặt hàng thời trang. Từ năm 2012 đến nay, công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước. Thay vào đó, doanh nghiệp này chủ yếu mua các thành phẩm từ cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường vềgắn mác.
Do tính chất phức tạp, Bộ Công Thương đã lập đoàn kiểm tra liên ngành và sau 2 tháng kết luận, Khaisilk có nhiều vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, thậm chí có dấu hiệu vi phạm hình sự. Bộ đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội từ cuối năm 2017 để mở rộng điều tra.
Viettel khiến thế giới nhìn nhận Việt Nam không còn nhỏ bé
Ngày 22/1/2019 có thể là một mốc son quan trọng, khi BrandFinance tuyên bố tại Davos, Thuỵ Sỹ, một thương hiệu Việt Nam lần đầu tiên lọt vào danh sách 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới: Viettel.
Tổng doanh thu 2018 của tập đoàn Viettel đạt 234.000 tỷ đồng |
Giá trị thương hiệu của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt 4,316 tỷ USD, đứng thứ 478, vượt xa nhiều đối thủ già dơ khác trong ngành viễn thông. Con số này tăng tới 35,8%, nghĩa là hơn 1 tỷ USD so với năm 2018.
Đây là sự thay đổi ngoạn mục nhờ những nỗ lực phát triển ở thị trường nước ngoài và kết quả kinh doanh ấn tượng năm 2018.
Tổng doanh thu 2018 của tập đoàn này đạt 234.000 tỷ đồng, chiếm 60% tổng doanh thu toàn ngành viễn thông Việt Nam; với tổng lợi nhuận hợp nhất đạt 37.600 tỷ đồng, chiếm hơn 70% lợi nhuận toàn ngành.
Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ GTVT ngừng thí điểm Grab tại địa phương
Theo Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện Công ty TNHH Grab đang triển khai hoạt động thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng GrabCar, JustGrab trên địa bàn tỉnh.
(Ảnh minh họa) |
Nhưng do Grab đã triển khai hoạt động không đúng theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ GTVT về việc ban hành Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (áp dụng thí điểm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh).
Trên cơ sở đó, Sở GTVT Thừa Thiên Huế kiến nghị Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Grab ngừng ngay hoạt động thí điểm trên địa bàn tỉnh đúng theo tinh thần Quyết định số 24/QĐ-BGTVT.
Cách đây gần 1 năm rưỡi vào ngày 25/12/2017, Sở GTVT Thừa Thiên Huế có văn bản báo cáo Bộ GTVT và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc, căn cứ theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, chưa có văn bản nào quy định chế tài, xử lý đối với hành vi này. Lý do Công ty TNHH Grab không có văn phòng đóng tại tỉnh nên việc xử lý các hoạt động này chưa thực hiện được.
Hiện Thanh tra Sở GTVT Thừa Thiên Huế đang phối hợp cùng các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động của Grab tại địa phương này trong lúc chờ phản hồi của Bộ GTVT về sự việc.
Bắt giữ số lượng lớn hàng cấm tại biên giới Long An
Rạng sáng ngày 1/6/2019, tại địa bàn biên giới Bình Hiệp, tỉnh Long An. Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã bắt giữ hai xe tải trọng tải lớn đang vận chuyển môt số lượng lớn hàng cấm nhập khẩu vào nội địa tiêu thụ.
Đa số số hàng hoá bị bắt giữ hiệu ARMANI, xuất xứ Cambodia |
Qua kiểm tra ban đầu xác định hàng hoá trên xe là quần áo, giày dép đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Ngoài ra còn có lẫn một số ít là hàng mới. Đa số số hàng hoá hiệu ARMANI, xuất xứ Cambodia.
Cùng thời điểm nêu trên, tổ công tác thứ 2 của đội 3 cũng đã phát hiện một xe tải biển kiểm soát 51C-49881 đi từ hướng biên giới huyện Vĩnh Hưng, Long An dừng đỗ tại ven đường gần địa điểm chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp có nghi vấn vận chuyển hàng trái phép từ Campuchia vào Việt Nam.
Theo kiểm tra sơ bộ, toàn bộ hàng hoá trên xe là điều hoà thuộc các thương hiệu nổi tiếng có xuất xứ từ Nhật Bản đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.
Hiện vụ việc đang được các lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, xử lý.
M.L (t/h)
-
Tin tức kinh tế ngày 16/11: Thu ngân sách gần “về đích”
-
Tin tức kinh tế ngày 15/11: Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT 6 tháng đầu năm 2025
-
Tin tức kinh tế ngày 14/11: Tỷ giá tăng mạnh, nhiều ngân hàng lãi lớn
-
Tin tức kinh tế ngày 13/11: Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tiếp tục lập kỷ lục mới
-
Tin tức kinh tế ngày 12/11: Hàng Việt chiếm tỷ lệ 80% tại các siêu thị
-
Tin tức kinh tế ngày 16/11: Thu ngân sách gần “về đích”
-
Châu Âu diễn tập đối phó sự kết thúc của thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga
-
Những bất ổn mới cho giá dầu thế giới?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 11/11 - 16/11
-
Hoa Kỳ sẽ không thực hiện các hợp đồng LNG trị giá hàng chục tỷ đô la cho châu Âu