Tin tức kinh tế ngày 30/5: Chưa phát hiện sai phạm gì về cách tính và thu tiền điện của EVN
Giá dầu đồng loạt tăng nhẹ
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, giá dầu thế giới ngày 30/5 vẫn tăng nhẹ khi thị trường lại dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Dự báo giá dầu tháng 5. |
Tính đến cuối giờ sáng 30/5, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2019 đứng ở mức 58,10 USD/thùng, tăng 0,29 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2019 đứng ở mức 69,58 USD/thùng, tăng 0,13 USD/thùng trong phiên.
Còn theo ghi nhận trên ifcmarketc, cùng thời điểm, giá dầu WTI được giao dịch ở mức thấp nhất là 59,14 USD/thùng và cao nhất là 59,20 USD/thùng.
Với dầu brent, giá dầu brent được giao dịch ở mức thấp nhất là 68,03 USD/thùng và cao nhất là 68,09 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tăng trong bối cảnh căng thẳng vùng Vịnh có nhiều diễn biến mới. Giới chức lãnh đạo Mỹ và Iran liên tục phát đi những thông điệp cảnh báo về khả năng đụng độ quân sự. Tại Syria, tình hình vẫn khá bất ổn.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 10% so với cùng kỳ
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10,3% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017.
Đáng chú ý là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tháng 5 bắt đầu phục hồi sau 2 tháng liên tiếp tăng trưởng âm.
Công nghiệp chế biến chế tạo có dấu hiệu phục hồi. |
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5/2019 ước tính tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 1,5%; ngành chế biến, chế tạo tăng 11,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 11%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%.
Như vậy, tính chung 5 tháng đầu năm 2019, IIP ước tính tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10,3% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9% (cùng kỳ năm trước tăng 12,1%), đóng góp 8,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,3%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước (khai thác dầu thô giảm 7,9%, khai thác than tăng 12,9%), làm giảm 0,02 điểm phần trăm mức tăng chung.
Trong 5 tháng, một số ngành khai khoáng lại tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 84%; sản xuất kim loại tăng 40,5%; khai thác quặng kim loại tăng 14,9%...
Tăng cường chống buôn lậu hàng giả
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội nghị ký quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Buôn lậu, hàng giả là mối nguy hại của nền kinh tế. |
Theo báo cáo, sau 5 năm thành lập Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 1.057.934 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 91.000 tỷ đồng, khởi tố 8.788 vụ với 10.404 đối tượng. Trong đó, năm 2018, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 202.980 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 20.123 tỷ đồng, khởi tố 1.979 vụ và 2.339 đối tượng. Những kết quả nêu trên góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo đảm an ninh trật tự, chống thất thu ngân sách nhà nước, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Tại hội nghị, Tổng cục Quản lý thị trường và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã ký quy chế phối hợp giữa hai bên trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cụ thể, hai bên sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng những chủ trương, biện pháp tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trao đổi thông tin, tài liệu về tình hình có liên quan đến các tổ chức, đường dây, ổ nhóm, các tuyến, địa bàn trọng điểm và phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ở địa bàn biên giới, nội địa.
Tại hội nghị, Tổng cục Quản lý thị trường và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã ký quy chế phối hợp giữa hai bên trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cụ thể, hai bên sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng những chủ trương, biện pháp tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trao đổi thông tin, tài liệu về tình hình có liên quan đến các tổ chức, đường dây, ổ nhóm, các tuyến, địa bàn trọng điểm và phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ở địa bàn biên giới, nội địa.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt trên 1,98 triệu tỷ đồng
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm 2019, doanh thu hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ.
5 tháng: Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt trên 1,98 triệu tỷ đồng. |
Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động thương mại dịch vụ 5 tháng đầu năm nay tăng khá, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
Cùng với những kỳ nghỉ lễ, hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,6% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,5%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính đạt 1,51 triệu tỷ đồng, tăng khá với mức 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Chưa phát hiện sai phạm gì về cách tính và thu tiền điện của EVN
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo tại Quốc hội chiều ngày 30/5. |
Chiều 30/5, sau nhiều ý kiến đại biểu đề cập tại Quốc hội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giải trình thêm về kiềm chế lạm phát, trong đó có nội dung về giá điện.
Về giá điện, Phó Thủ tướng giải thích lý do tăng vào tháng 3 là vì sau khi tăng mạnh trong tháng 1, 2, CPI thường giảm trong tháng 3 và thực tế trong 10 lần điều chỉnh giá điện thì đã có 4 lần điều chỉnh trong tháng 3. Nếu điều chỉnh muộn hơn hoặc giữa năm hoặc sau tháng 7 mới điều chỉnh thì tỷ lệ phải cao hơn.
Phó thủ tướng cũng thông tin, nguyên nhân tăng giá điện đột biến trong tháng 4, sơ bộ đánh giá là do 3 nguyên nhân.
Một là do điều chỉnh giá điện tăng. Hai là số ngày ghi công tơ tháng 4 nhiều hơn tháng 3 là 3 ngày. Ba là nhu cầu điện tăng cao do thời tiết nắng nóng bất thường làm cho điện tháng 4 tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 14,23% so với tháng 3/2019.
Kết quả kiểm tra sơ bộ cho đến nay thì cách tính và thu tiền điện của EVN chưa phát hiện ra sai phạm gì, Phó thủ tướng cho biết.
Đề xuất ban hành cơ chế thu mua, cấp đông thịt lợn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phùng Đức Tiến đề xuất giải pháp cấp thiết chống dịch bệnh là thu mua cấp đông thịt lợn. |
Chiều 30/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp đề xuất cơ chế hỗ trợ thu mua, cấp đông thịt lợn nhằm bình ổn thị trường trước bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành.
Nói về chủ trương hỗ trợ việc thu mua, giết mổ lợn và cấp đông thịt lợn, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, đây là chủ trương “nhất cử tam tiện” (một mũi tên trúng ba đích).
Theo đó, chủ trương này vừa đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi, vừa giúp giảm ngân sách nhà nước và bảo vệ môi trường. Vì vậy, để phòng và ngăn chặn dịch bệnh chỉ có 2 biện pháp là ăn ngay hoặc cấp đông dự trữ.
Thành Công (Tổng hợp)
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Tin tức kinh tế ngày 22/11: Thép nhập khẩu giá rẻ liên tiếp "đổ" về Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 21/11: Ngân hàng dồn dập tăng lãi suất
-
Tin tức kinh tế ngày 20/11: Xuất khẩu cá ngừ lập đỉnh 2 năm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/11: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên