Tin tức kinh tế ngày 14/7: Vietnam Airlines nỗ lực giảm lỗ gần 5.800 tỷ
Vietnam Airlines nỗ lực giảm lỗ gần 5.800 tỷ
Thông tin được ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines, cho biết tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Vietnam Airlines hôm nay 14/7.
Ông Hòa cho biết, trong điều kiện sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Vietnam Airlines đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ứng phó với đại dịch, đảm bảo duy trì hoạt động như điều chỉnh quy mô sản xuất theo thị trường, triển khai các giải pháp về lao động, tiền lương phù hợp quy mô kinh doanh, cắt giảm chi phí, triệt để tiết kiệm, đàm phán giãn, hoãn thanh toán, tái cơ cấu các khoản nợ vay và tăng cường sử dụng nguồn vốn vay ngắn hạn.
Vietnam Airlines cũng tận dụng nhiều cơ hội có thể để gia tăng doanh thu, mà trọng điểm là tăng cường hoạt động vận chuyển hàng hóa, tăng chuyến chở công dân về nước, chở khách chuyên gia. Có thời điểm hãng đã đồng loạt mở thêm hơn 20 đường bay nội địa dựa trên nguồn lực sẵn có và thị trường nội địa hồi phục nhanh.
“Những nỗ lực tự thân của Vietnam Airlines, cùng sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan bộ ngành đã giúp Vietnam Airlines giảm lỗ gần 5.800 tỷ đồng”, ông Hòa nói.
Ngoài ra hãng đã thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch bệnh. Theo báo cáo kể từ khi dịch bùng phát đến nay, Vietnam Airlines đã chở hơn 76.000 công dân về nước, chở miễn cước hơn 130 tấn hàng hóa y tế phục vụ chống dịch.
Vietnam Airlines cũng đã thực hiện hàng chục chuyến bay chở miễn phí hơn 2 triệu liều vaccine, vận chuyển miễn phí y bác sĩ đi các tỉnh thành nội địa trên cả nước chống dịch. Hiện tại, gần 100% nhân viên tuyến đầu của Vietnam Airlines với gần 14.500 phi công, tiếp viên và nhân viên mặt đất đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Năm 2021, trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch khả thi với mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, tương đương 88,4% so với năm 2020. Để vượt qua đại dịch và nắm bắt cơ hội phát triển, Vietnam Airlines đặt mục tiêu duy trì an toàn khai thác, phòng chống dịch bệnh, giữ vững vị thế chủ lực của Vietnam Airlines Group trong ngành hàng không, tái cơ cấu toàn diện và thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ.
Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản giảm hơn 55% so với cùng kỳ 2020
Bộ Tài chính cho biết, tổ chức tín dụng là nhà phát hành trái phiếu lớn nhất chiếm 40,2% tổng khối lượng phát hành; khối lượng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản giảm 55,5% so với cùng kỳ năm 2020 (chiếm 13,2% tổng khối lượng phát hành).
Lãi suất phát hành bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 7,9%/năm, giảm 1,6%/năm so với cùng kỳ năm 2020 (9,5%/năm).
Về nhà đầu tư, công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, chiếm 44,4% tổng khối lượng phát hành, tổ chức tín dụng chiếm 25% tổng khối lượng phát hành.
Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp chiếm 5,7% khối lượng phát hành, giảm mạnh so với tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân năm 2020 (là 12,68%).
Trong 6 tháng đầu năm 2021, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 168.702 tỷ đồng; tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020. Khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tương đương 50,3% khối lượng phát hành của năm 2020, chiếm 8,3% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng lưu ý, cùng với xu hướng dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn cho bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường nói chung.
Thị trường xe máy tăng trưởng trong đại dịch
Mới đây, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã công bố báo cáo bán hàng của các hãng xe thành viên. Theo đó, đã có tổng cộng 667.360 xe máy được bán ra thị trường trong quý 2/2021, giảm nhẹ 4,9% so với quý đầu năm nhưng lại tăng trưởng đến 28,61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý 1/2021, lượng xe máy bán ra thị trường đạt 701.454 chiếc. Như vậy, cộng dồn 6 tháng đầu năm nay, lượng xe máy do các thành viên VAMM bán ra thị trường đã đạt 1.368.814 chiếc, tăng trưởng 9,5% so với cùng kỳ 2020.
Mặc dù các con số thống kê nêu trên chỉ thuộc về các thành viên VAMM song cũng phản ảnh đầy đủ tình hình thị trường. Bởi trên thực tế, các thành viên VAMM bao gồm Honda, Yamaha, SYM, Suzuki và Piaggio hiện đang chiếm hầu hết thị trường xe máy Việt Nam.
Chỉ tính riêng Honda, mặc dù hãng xe này bắt đầu có dấu hiệu thu hẹp song vẫn đang chiếm đến 77% tổng thị phần xe máy tại Việt Nam. “Miếng bánh” còn lại thuộc về Yamaha, SYM, Suzuki và một số thương hiệu mô tô, xe máy nhập khẩu khác. Trong nửa đầu năm nay, Honda đã bán ra thị trường tổng cộng 1.054.079 chiếc xe máy, tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các thương hiệu cà phê?
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tính từ đầu năm 2020 đến nay doanh thu của tất các các chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam như Highlands Coffee, The Coffee House, Phúc Long, Starbucks, Trung Nguyên… đều chứng kiến sự sụt giảm đáng kể.
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của tất các các chuỗi cà phê lớn ở Việt Nam |
Năm 2020, Highlands Coffee vẫn tiếp tục giữ vị thế là chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam, với khoảng cách so với nhóm còn lại không có nhiều thay đổi. Tổng doanh thu đạt gần 2.140 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ.
Nếu như trước đây The Coffee House đứng ở vị trí thứ 2, thì với việc sụt giảm tương đối, thương hiệu này đã rơi xuống vị trí thứ 3, nhường chỗ cho Phúc Long có doanh thu tăng trưởng nhẹ, vươn lên vị trí thứ 2.
Tình hình tại Starbucks không khác nhiều với The Coffee House và Phúc Long. Cả ba chuỗi cà phê này ghi nhận doanh thu trong khoảng 700-800 tỷ đồng.
Điều đáng nói, giai đoạn 2019 đổ về trước, các chuỗi đồ uống nói trên đều đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng "chóng mặt", trung bình từ 30-40% mỗi năm. Điều này càng cho thấy thêm ảnh hưởng ghê gớm của đại dịch đến toàn ngành F&B mà những cái tên trên chỉ là ví dụ điển hình.
Tương tự, hàng loạt các thương hiệu cà phê khác cũng chung số phận, như Trung Nguyên Franchising, đơn vị được thành lập để quản lý chuỗi Không gian cà phê Trung Nguyên giảm 1/3 doanh thu. NISO Group, đơn vị quản lý chuỗi nhà hàng và cà phê với thương hiệu RuNam thậm chí còn giảm hơn một nửa doanh thu.
Mặc dù doanh thu đa số đều giảm sút, tuy nhiên một số thương hiệu cà phê bằng cách nào đó vẫn gia tăng hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh. Trong số đó, đáng chú ý là trường hợp của Highlands Coffee và Phúc Long, hai thương hiệu này có lợi nhuận tăng lần lượt 45% và 119%, đạt 80 tỷ đồng và 35 tỷ đồng.
M.C
-
Tin tức kinh tế ngày 20/10: Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lục
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Tin tức kinh tế ngày 17/10: Việt Nam xuất khẩu gần 1,3 triệu tấn phân bón trong 9 tháng
-
Tin tức kinh tế ngày 16/10: Thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ chính thức vượt 100 tỷ USD
-
Tin tức kinh tế ngày 15/10: Trái phiếu doanh nghiệp “ấm dần”
-
Giá khí đốt châu Âu tăng cao khi Israel chuẩn bị trả đũa sau cuộc tấn công
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới ổn định ngày đầu tuần
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
BP bán cổ phần trong hoạt động kinh doanh gió ngoài khơi