Tin Thị trường: Đức - UAE đạt được thỏa thuận quan trọng về khí đốt
Đức và UAE ký thỏa thuận về khí đốt
Chuyến công du của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến bán đảo Ả Rập đã gặt hái được những thành công trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Đức.
Đức và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) ngày 25/9 đã ký một thỏa thuận mua bán khí đốt nhằm ứng phó việc thiếu hụt nguồn cung năng lượng từ Nga.
Công ty năng lượng RWE đã ký hợp đồng nhận lô khí đốt tự nhiên hóa lỏng đầu tiên từ tập đoàn dầu khí của UAE với khối lượng 137.000 m3, tương ứng lượng điện tiêu thụ 822 triệu kWh.
Theo công ty Đức, một Bản ghi nhớ về việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng dài hạn bắt đầu từ năm 2023 đã được ký kết.
Công suất dự phòng thấp hỗ trợ giá dầu
Sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 ở các nền kinh tế và trong nhu cầu dầu đã khiến công suất khai thác dầu dự phòng toàn cầu ở mức rất thấp để có thể ứng phó với những cú sốc từ phía nguồn cung.
Bất chấp suy thoái kinh tế đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới và lo ngại về suy thoái ở châu Âu và Mỹ, giá dầu đã không giảm quá xa dưới 90 USD/thùng. Lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung đã tăng lên cùng với lo ngại về suy thoái có thể làm chậm tăng trưởng nhu cầu dầu.
Công suất dự phòng thấp nhất trong nhiều năm đang hỗ trợ giá dầu và sẽ tiếp tục là một yếu tố tăng giá trên thị trường, ít nhất là trong ngắn hạn. Trên thực tế, không một nhà dự báo hoặc nhà phân tích nào có thể chắc chắn nguồn cung dầu toàn cầu sẽ mất đi bao nhiêu khi chỉ còn 3 tháng nữa là lệnh cấm vận nhập khẩu dầu Nga qua đường biển có hiệu lực.
Nhà phân tích thị trường cấp cao John Kemp của Reuters lưu ý rằng, cần phải có sự suy giảm nghiêm trọng trong hoạt động kinh tế hoặc suy thoái hoàn toàn để đưa dự trữ dầu toàn cầu lên mức trung bình 5 năm.
Và hiện tại, có vẻ như suy thoái là cách duy nhất để lượng dầu tồn kho toàn cầu tăng trở lại.
Khủng hoảng năng lượng châu Âu không phải là chuyện của một mùa đông
Nguồn cung năng lượng giảm do các lệnh trừng phạt đối với Nga và việc Moscow đóng cửa các tuyến đường ống xuất khẩu khí đốt quan trọng sẽ khiến châu Âu phải tính toán về nhu cầu dầu và khí đốt sau mùa đông tới vì cuộc khủng hoảng hiện tại không chỉ là "câu chuyện của một mùa đông", giới phân tích tại công ty tư vấn Energy Aspects cho hay.
Châu Âu sẽ cần phải phân bổ nhu cầu để có thể cân bằng thị trường, không chỉ trong mùa đông năm nay mà cả mùa đông năm sau, và có thể là những mùa đông sau đó nữa, bà Amrita Sen, người sáng lập kiêm giám đốc nghiên cứu tại Energy Aspects nhận định.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đã đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức, rơi vào tình trạng suy thoái, sẽ trầm trọng hơn khi chúng ta bước vào những tháng mùa đông trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và khí đốt tự nhiên đang diễn ra, ngân hàng trung ương Đức cảnh báo trong báo cáo hàng tháng vào đầu tuần trước.
Trên khắp châu Âu, các ngành công nghiệp buộc phải hạn chế hoặc ngừng sản xuất do giá năng lượng tăng cao và một số hiệp hội ngành công nghiệp châu Âu cho rằng các đề xuất của Ủy ban châu Âu nhằm giảm giá năng lượng và giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua cuộc khủng hoảng là không đủ để giúp họ sống sót qua mùa đông.
Nhận định về thị trường dầu, bà Amrita Sen nói rằng thị trường dầu sẽ chứng kiến quý cuối cùng của năm nay rất biến động. Từ đầu năm cho đến nay là thời gian có mức biến động cao thứ hai kể từ năm 1990, mức biến động cao nhất là vào năm 2020.
Tin Thị trường: Gazprom tạm dừng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc | |
Tin Thị trường: Ả Rập Xê-út, Nga muốn giá dầu ở mức 100 USD |
Bình An