Tin kinh tế ngày 12/8: Giá rau xanh tăng mạnh do mưa lũ
Giá xăng dầu hôm nay 12/8 đồng loạt giảm |
Giá vàng hôm nay 12/8: “Nóng” cùng thương chiến, giá vàng sẵn sàng phi mã từ đỉnh |
Giá rau xanh tăng mạnh do mưa lũ
Các mặt hàng rau củ, quả tại các chợ dân sinh tăng giá mạnh do nguồn cung sụt giảm. |
Mưa lũ bất thường gây thiệt hại lớn cho các vùng trồng rau quả ở Đà Lạt, Nam bộ... đã khiến các mặt hàng rau xanh, củ quả thi nhau tăng giá. Các loại rau ăn lá như mồng tơi, rau muống, cải xanh, rau bí, rau dền và một số loại củ quả Đà Lạt như cà chua, khoai tây, bí đỏ, bí xanh, củ cải, cà rốt... đang tăng giá mạnh. Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, giá rau củ, quả đang tăng từ 10 - 25% so với tuần trước.
Bên cạnh các nhà vườn thiệt hại do mưa lũ thì đây cũng là thời điểm cuối mùa vụ của một số loại rau củ nên nguồn cung theo đó giảm. Nhiều khả năng giá cá mặt hàng này sắp tới cũng tăng mạnh do thiếu nguồn cung.
Ứng phó với khả năng thiếu nguồn cung do mưa bão thất thường, các hệ thống siêu thị lớn như Vinmart, Big C, Saigon Co.op, Lotte Mart… cũng đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ lớn, đồng thời giảm giá nhiều mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng. Đại diện các hệ thống này cho biết hiện đơn vị còn trữ lượng hàng hóa nhu yếu phẩm khá lớn, đủ đáp ứng sức mua tăng đột biến trong thời gian tới.
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 290 tỷ USD
Ba nhóm hàng xuất khẩu chủ lực trong tháng 7 là điện thoại, sản phẩm điện tử và dệt may |
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, tổng cục kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 22,979 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 7 đạt 22,936 tỷ USD, tăng 17,7% so với tháng 6/2019. Như vậy, trong tháng 7, nước ta đạt mức thặng dư 43 triệu USD.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 290 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 145,5 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ 2018. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 143,8 tỷ USD. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, nước ta đạt con số xuất siêu hơn 1,7 tỷ USD.
Tháng 7, cả 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may cùng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD. Ở lĩnh vực nhập khẩu, chỉ có 2 nhóm đạt kim ngạch “chủ tỷ USD” tính hết tháng 7 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Kiến nghị tăng thuế nhập khẩu thép cuộn cán nóng lên 5%
Thép cán nóng là đầu vào sản xuất thép cán nguội và các mặt hàng tôn mạ màu. |
Bộ Tài chính vừa đề xuất điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với các mặt hàng thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 từ 0% lên 5%. Mặt hàng thép cán nóng là đầu vào sản xuất thép cán nguội và các mặt hàng tôn mạ màu.
Theo Bộ Tài chính, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang làm dấy lên lo ngại về việc thép giá rẻ Trung Quốc có thể lan tràn vào Việt Nam, kéo giá thép trên thị trường giảm mạnh. Điều này khiến nhà máy sản xuất thép lớn nhất Việt Nam đang cân nhắc tạm dừng kế hoạch triển khai lò cao số 3. Việt Nam nhập khẩu hơn 8 triệu tấn cuộn cán nóng mỗi năm, 40% trong số đó là nhập từ Trung Quốc. Nếu không có thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng, thép cán cuộn giá rẻ sẽ từ Trung Quốc tiếp tục tràn bào Việt Nam sẽ gây bất ổn thị trường thép Việt Nam.
Việc tăng thuế suất MFN từ 0% lên 5% sẽ tác động làm tăng thu ngân sách nhà nước với số thuế nhập khẩu tăng là 137,15 triệu USD, tương đương 3.152 tỷ VNĐ. Tuy nhiên, khi mức thuế suất được tăng lên 5% thì các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn nhập khẩu từ các nước có thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% (TQ, ASEAN, Hàn Quốc). Vì vậy, số thu ngân sách nhà nước thực tế sẽ thấp hơn con số tính toán nêu trên.
Về chi phí nhập khẩu, khi tăng thuế suất lên 5% sẽ có sự dịch chuyển thương mại sang các nước có ký FTA với Việt Nam để hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, để đủ điều kiện áp dụng thuế suất 0%, các doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm chi phí xin giấy chứng nhận xuất xứ và tìm đối tác nhập khẩu mới. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng thuế suất lên 5% sẽ có tác động đến chi phí nhập khẩu của doanh nghiệp.
Đề xuất tăng thuế nhập khẩu xe tải trên 45 tấn
Dòng xe tải trên 45 tấn có thể sắp phải chịu thuế nhập khẩu 10% thay vì 0% như hiện nay. |
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 125 về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi để lấy ý rộng rãi. Trong đó, một điểm mới đáng chú ý là đề xuất tăng thuế với dòng xe tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 45 tấn.
Hiện nay, nhóm xe tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 45 tấn chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc, Thụy Điển, các nước Đông Âu,... nguyên nhân do xe nhập khẩu nguyên chiếc có thuế suất thuế nhập khẩu 0%. Trong khi đó các doanh nghiệp trong nước nhập linh kiện về sản xuất lắp ráp với mức thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện bình quân 5,85%, điều này khiến xe sản xuất trong nước không thể cạnh tranh được với xe nhập khẩu.
Vì vậy, để khuyến khích doanh nghiệp tăng sản lượng sản xuất, lắp ráp dòng xe trên 45 tấn, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu mặt hàng xe tải nguyên chiếc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 45 tấn từ 0% lên 10% bằng với mức thuế suất cam kết WTO của chủng loại xe tải tự đổ trên 45 tấn.
Theo Bộ Tài chính, dự kiến điều chỉnh tăng thuế suất sẽ góp phần tăng thu NSNN là 1,9 triệu USD, tương đương 43,7 tỷ đồng.
Việt Nam sẽ chỉ có 1 sở giao dịch chứng khoán
Toàn cảnh phiên họp UBTVQH chiều 12/8. (Ảnh VGP) |
Cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/8 cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán đã thống nhất quan điểm: Việt Nam sẽ chỉ có 1 sở giao dịch chứng khoán (GDCK) chứ không tổ chức dưới dạng 2 sở như hiện nay, hay theo mô hình 3 sở (2 sở hiện có và 1 Sở GDCK Việt Nam tổ chức theo mô hình công ty mẹ).
Cuộc họp cũng chốt lại việc sẽ giữ nguyên địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng sẽ tăng thẩm quyền cho cơ quan này.
Theo đó, UBCK sẽ thay Bộ Tài chính thực hiện chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Sở GDCK và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán; Chủ tịch UBCK phê duyệt Điều lệ của Sở GDCK và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán; bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự chủ chốt tại 2 đơn vị này, còn vị trí Chủ tịch UBCK sẽ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính...
Với phương án này, UBCK tương đối bảo đảm tính độc lập, quản lý và giám sát toàn diện thị trường, phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán - IOSCO), khuyến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) và quy định của các nước có cơ quan quản lý chứng khoán nằm trong Bộ Tài chính (như Malaysia, Bangladesh, Bồ Đào Nha) và giữ được ổn định, không làm xáo trộn về bộ máy tổ chức...
Một nội dung quan trọng được nêu ra tại cuộc họp là dự án Luật cần được đẩy sớm thời gian có hiệu lực, thay vì 1/1/2021 như ban đầu, nay thời điểm có hiệu lực của Luật mới là 1/9/2020.
Lâm Anh (t/h)
-
Tin tức kinh tế ngày 20/10: Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lục
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Tin tức kinh tế ngày 17/10: Việt Nam xuất khẩu gần 1,3 triệu tấn phân bón trong 9 tháng
-
Tin tức kinh tế ngày 16/10: Thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ chính thức vượt 100 tỷ USD
-
Tin tức kinh tế ngày 15/10: Trái phiếu doanh nghiệp “ấm dần”
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
BP bán cổ phần trong hoạt động kinh doanh gió ngoài khơi
-
Giá dầu hôm nay (21/10): Dầu thô giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 21/10: Giá dầu sáng nay tăng nhẹ