Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Tìm lại “nếp xưa” độ xuân về

07:00 | 10/02/2018

759 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hương vị tết cổ truyền dường như vẫn mang nhiều nét thiêng liêng, ấm cúng hơn, chính là bởi những điều được coi là nếp ăn tết xưa. Đó là những thời khắc được tham gia gói bánh chưng, canh nồi luộc bánh chưng trên bếp lửa, là từng mâm cơm cúng cuối năm… Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ làm dày thêm ký ức mỗi khi nhắc đến tết.

Ngày xưa hầu như nhà nào cũng thiếu thốn, bữa cơm hằng ngày chỉ có rau là chính, đến ngày tết mới có miếng bánh chưng nên món ăn này gắn liền với mỗi độ xuân về và khiến chúng ta nhớ mãi về giá trị cả tinh thần lẫn vật chất của nó. Ngày nay, không chỉ tết, mà ngày thường cũng có thể thấy bánh chưng bày bán khắp các chợ. Không khí chuẩn bị gói bánh chưng cũng không còn như xưa nữa, phần vì người dân thành thị mải miết trong guồng quay đời sống hiện đại với những lo toan và áp lực của thời cuộc mới, không mấy ai dành thời gian để chăm chút từng cái lá dong, từng cọng lạt mềm. Và cũng một phần vì bánh chưng không còn là "sơn hào hải vị" được lũ trẻ như chúng tôi thuở xưa khắc khoải mong ước, đợi chờ. Với nhiều nhà, bánh chưng chỉ cần đôi cái để cúng tổ tiên, nên gói ít thì không bõ mà gói nhiều thì mất công.

tim lai nep xua do xuan ve
Gói bánh chưng tết

Mặc dù vậy, vài năm gần đây nhiều gia đình cùng xóm ngõ đã cùng nhau lấy lại “nếp xưa”, rủ nhau gói chung một nồi bánh, mỗi nhà đánh dấu bằng dây lạt khác màu, có nhà còn tự gói rồi mang đi thuê luộc bánh như ngày xưa ở phố cổ vậy.

Ký ức của nhiều người, tết thực sự là những ngày hạnh phúc nhất trong năm. Tụi trẻ con háo hức được ba mẹ dắt đi mua quần áo đẹp, mong chờ được tặng bao lì xì đỏ để có tiền mua kẹo bông, bóng bay, pháo và để khoe nhau xem ai được nhiều lì xì hơn. Còn người lớn thì có ngày nghỉ để xum họp bên nhau, cùng uống ấm trà, chuyện trò đủ chuyện và cùng chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên cho thật tươm tất.

Nhắc đến mâm cơm ngày tết, là nhắc tới sự tinh hoa trong mỗi món ăn của từng vùng miền. Và món ăn của Hà Nội thường được kết tinh và có một bản sắc rất riêng: nhẹ nhàng nhưng tinh tế, luôn có điểm nhấn. Bởi vậy, mâm cỗ tết của người Hà Nội xưa có khá nhiều khác biệt với vùng miền khác.

Có thể thấy người Tràng An khi xưa ngày thường cũng đã cầu kỳ và đúng điệu trong chuyện ăn uống. Nhất là vào các ngày lễ, tết, hay khi nhà có việc quan trọng thì mâm cơm càng được chú trọng. Hầu như thời nào thì mâm cơm ngày tết ở đất Kinh kỳ cũng vẫn theo lề lối “bốn bát, bốn đĩa” hoặc “bốn bát, sáu đĩa”, nếu là cỗ lớn thì “sáu bát, sáu đĩa” hoặc “tám bát, tám đĩa”… Có khi mâm cỗ phải xếp đến 2, 3 tầng với một con gà cánh tiên miệng ngậm hoa hồng đỏ hoặc đĩa gà chặt với mặt da vàng ươm, một đĩa thịt lợn quay xếp hình cánh hoa, một đĩa giò, một đĩa chả quế, một đĩa xôi gấc, một đĩa nộm xu hào. Bốn góc mâm là bốn bát canh gồm một bát măng nấu thịt lợn và móng, một bát mọc nấu thả với nấm hương, một bát chim câu hạt sen, một bát canh bóng nấu thịt thăn hoặc một bát mực nấu rối gồm xu hào, cà rốt thái chỉ, mực khô ngâm nước tro thái chỉ xào cháy cạnh với mắm…

Đó là còn chưa kể đến những chén đĩa nhỏ xinh đựng mắm, tiêu, ớt, chanh, rau thơm… Nhiều nhà cầu kỳ có thêm đĩa chè kho, hay chè con ong. Khi mâm cơm được đặt lên cúng, không thể thiếu chai rượu và vài cái chén hạt mít. Ngày xưa, mâm cơm cúng tổ tiên được bày biện trên mâm gỗ hoặc mâm đồng, đồ ăn được đặt trong đĩa men lam, bát chiết yêu và trên mâm cỗ cúng còn dùng giấy trang kim phủ lên cho sạch sẽ, tỏ lòng thành kính.

Những năm gần đây, mâm cơm ngày tết của miền Bắc theo “bài bản” vẫn giữ nguyên nếp chỉn chu, cầu kỳ nhưng không đặt nặng vấn đề mâm cao cỗ đầy mà thường chỉ cần đủ “bốn bát, bốn đĩa”: bát canh móng giò lợn hầm măng lưỡi, bát canh bóng thả, bát miến, bát mọc, đĩa thịt gà, đĩa thịt lợn, đĩa giò lụa, đĩa chả quế. Có nhà sửa soạn thêm đĩa thịt đông, khoanh giò thủ, đĩa xào hạnh nhân, khúc cá kho riềng, món nộm su hào.

Trải qua những cái tết thiếu thốn cái ăn, cái mặc thuở nào, rồi thấm thía sự ngọt ngào, ấm cúng của những cái tết đủ đầy hơn, để rồi chứng kiến sự “phai phôi” dần dần của những nếp xưa trong việc đón tết - ăn tết… Một “thế hệ 7X” như tôi có cảm giác tiếc nuối và trăn trở một điều “con cái mình sau này sẽ nhớ lại điều gì mỗi lần nhắc đến tết thuở ấu thơ?”… Chính bởi vậy, tôi hồ hởi với mọi lời rủ rê tìm lại nếp xưa mỗi độ xuân về. Chúng tôi lại rửa từng lá dong, chọn đỗ, chọn gạo sao cho có chục bánh chưng ưng ý nhất, lại ngắm nghía cho lũ trẻ con những bộ quần áo mới, nghĩ ra những kế hoạch chơi tết sao cho ấn tượng và ý nghĩa nhất. Và bảo nhau: Tìm lại nếp xưa để đong đầy ký ức đẹp cho lũ trẻ nhà mình…

Việt Nguyễn