Tiến tới chấm dứt khai thác quặng chì kẽm công nghệ lạc hậu
Không xuất khẩu quặng nguyên khai
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì kẽm đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Mục tiêu của quy hoạch là phát triển bền vững thăm dò, khai thác, chế biến quặng chì kẽm nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu khoáng của nền kinh tế và gắn với các nhà máy hiện có, dự án luyện kim chì, kẽm; không xuất khẩu quặng nguyên khai, quặng tinh chì, kẽm và bột oxyt kẽm.
Cụ thể, đến năm 2020 phấn đấu đạt khoảng 1.161 nghìn tấn chì kẽm trữ lượng cấp 121 và 122. Giai đoạn 2021-2030 phấn đấu đạt khoảng 520 - 620 nghìn tấn chì kẽm trữ lượng cấp 121 và 122.
Đến năm 2020, sản lượng khai thác, tuyển quặng đạt khoảng 16,6 nghìn tấn chì và 24,5 nghìn tấn kẽm (quy đổi từ quặng tinh chì, kẽm). Sản lượng quặng oxyt nguyên khai hàm lượng Zn ≥ 15% duy trì khoảng 1,5 nghìn tấn kẽm/năm. Giai đoạn 2021-2030, tăng dần và duy trì sản lượng khai thác và tuyển quặng hàng năm đạt khoảng 24 nghìn tấn chì và 30 - 32 nghìn tấn kẽm; phấn đấu duy trì sản lượng bột oxyt kẽm nguyên liệu (có hàm lượng Zn là 60,2%) đạt khoảng 1,9 nghìn tấn bột/năm.
Quy hoạch khai thác, chế biến theo giai đoạn
Trữ lượng quặng chì kẽm huy động trong kỳ quy hoạch là 962.759 tấn.
Theo Quy hoạch phát triển khai thác, chế biến quặng chì, kẽm, đến năm 2020 hoàn thành 29 dự án đầu tư mới, cải tạo và mở rộng khai thác, chế biến (tuyển) quặng chì kẽm trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó: 7 dự án đã cấp phép khai thác, chế biến trong hai năm 2013 và 2014 tại các tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang và Thái Nguyên; 6 dự án cải tạo và mở rộng khai thác, chế biến tại các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn và Yên Bái; 16 dự án khai thác, chế biến tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Điện Biên, Yên Bái và Quảng Bình.
Trong kỳ 2021-2025 hoàn thành 9 dự án đầu tư khai thác, chế biến quặng chì kẽm trên địa bàn hai tỉnh Bắc Kạn và Tuyên Quang; trong kỳ 2026-2030: Đẩy mạnh đầu tư khai thác, chế biến quặng chì kẽm tại các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Điện Biên, Nghệ An và một số địa phương khác ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.
Văn phòng Chính phủ