Tiền “ầm ầm” đổ vào chứng khoán; Cổ phiếu nhà Hà Tăng vẫn bị “ngó lơ”
Trên HNX, khối lượng giao dịch cũng được đẩy lên 37,7 triệu cổ phiếu tương ứng 513,92 tỷ đồng. Con số này trên sàn UPCoM là 10,77 triệu cổ phiếu tương ứng 195,52 tỷ đồng.
Tâm lý nhà đầu tư trở nên cởi mở hơn cùng với nguồn cung cổ phiếu giá rẻ trên thị trường được cho là đã cạn kiệt, các chỉ số đồng loạt tăng mạnh. VN-Index tăng 26,07 điểm tương ứng 2,93% lên 914,76 điểm; HNX-Index tăng 3,63 điểm tương ứng 3,57% lên 105,35 điểm; UPCoM-Index tăng 0,57 điểm tương ứng 1,12% lên 51,78 điểm.
Độ rộng thị trường đang nghiêng hẳn về các mã tăng. Trong khi trên sàn HSX có tới 226 mã tăng giá (27 mã tăng trần) so với 68 mã giảm thì HNX cũng khởi sắc với 113 mã tăng (22 mã tăng trần), hơn gấp đôi số mã giảm; UPC có 101 mã tăng (13 mã tăng trần) so với 50 mã giảm.
Ngoài số lượng mã tăng áp đảo thì chỉ số chính VN-Index còn được hỗ trợ đáng kể bởi sự đồng thuận của các mã vốn hóa lớn. VHM tăng trần đã góp vào mức tăng của VN-Index tới 3,64 điểm; BID tăng trần đóng góp 2,05 điểm; GAS đóng góp 3,02 điểm. MSN, VCB, CTG, VJC, TCB, HPG cũng tăng giá mạnh và đóng góp lớn cho chỉ số.
Gia đình Tăng Thanh Hà sở hữu gần một nửa cổ phần tại Sasco. |
Bất chấp sự sôi động của thị trường chung, cổ phiếu SAS của Sasco vẫn sụt giá mạnh 800 đồng tương ứng 3,3% trong phiên hôm nay xuống còn 23.500 đồng. Khối lượng khớp lệnh chỉ đạt vỏn vẹn 5,6 nghìn cổ phiếu.
Cổ phiếu SAS vẫn sụt giá và “mất hút” thanh khoản bất chấp trong quý III vừa qua, Sasco “ăn nên làm ra” với doanh thu thuần tăng 8% lên 607 tỷ đồng, lãi sau thuế xấp xỉ 240 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Trên thực tế, cơ cấu cổ đông tại Sasco khá cô đặc. Cụ thể, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang nắm hơn 65,5 triệu cổ phiếu SAS tương ứng 49,07% vốn điều lệ công ty. Trong khi đó, nhóm cổ đông liên quan đến gia đình ông Jonathan Hạnh Nguyễn nắm 60,45 triệu cổ phiếu SAS tương ứng 45,3% vốn điều lệ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến giao dịch tại cổ phiếu SAS bị hạn chế.
Vợ chồng ông Hạnh Nguyễn đều đang nắm giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt tại Sasco. Trong đó, ông Hạnh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị còn vợ ông là bà Lê Hồng Thủy Tiên làm Thành viên Hội đồng quản trị không điều hành.
Trở lại với thị trường chứng khoán, trong báo cáo vừa mới công bố cuối ngày hôm nay, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, chỉ số P/E của Việt Nam giảm nhanh hơn P/E các thị trường trong khu vực. Trong mẫu theo dõi gồm 7 nước của BVSC (Việt Nam, Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Pakistan, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc), chỉ số P/E của Việt Nam (16,13) hiện ở mức thứ 4, thấp hơn chỉ số P/E của Ấn Độ (22,35), Indonesia (18,67), Philippines (18,28).
So với thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đạt đỉnh 1204,33 trong năm nay thì chỉ số P/E của thị trường Việt Nam đã giảm khá mạnh, từ 21,74 về 16.1, tương đương giảm 34,8%. Nếu so với mức giảm 31% của chỉ số VnIndex, có thể nhận thấy P/E giảm nhanh hơn phần nào cho thấy EPS của thị trường có mức tăng trưởng khá tốt.
Tuy nhiên, trên thực tế lợi nhuận của các doanh nghiệp có tăng trưởng tốt trong quý II và quý III, nhưng mức tăng trưởng EPS đạt mức thấp hơn tốc độ tăng trưởng lợi nhuận do nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tăng vốn trong hai quý vừa qua.
Với mức tăng trưởng lợi nhuận tốt, diễn biến của P/E theo chiều hướng tích cực, BVSC cho rằng yếu tố cơ bản, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đang là điểm sáng, tạo sự hấp dẫn cho thị trường.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 24/11: Việt Nam tăng nhập khẩu hàng điện tử Trung Quốc
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11