“Con át chủ bài” của bầu Đức bất ngờ báo lỗ sau khi được cứu
Bầu Đức tham vọng sẽ đưa HAGL Agrico thành một tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam nói riêng và trong khu vực Đông Nam Á nói chung |
Đến cuối chiều ngày 30/10, Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – mã HNG) cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 cho thấy sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận bất chấp doanh thu tăng.
Trong kỳ báo cáo vừa rồi, HNG đạt 1.068,6 tỷ đồng doanh thu, tăng tới 14,1% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng ấn tượng này của doanh thu chủ yếu dựa vào việc bán cây ăn quả.
Cụ thể, doanh thu bán trái cây trong kỳ vừa rồi của HNG đã tăng 316 tỷ đồng so với quý III/2017, tương ứng tăng 1,7 lần lên 766 tỷ đồng. Nguyên nhân được phía HNG cho biết do diện tích thu hoạch trái cây gia tăng.
Ngoài ra, với việc tận dụng được nguồn thu từ các sản phẩm phụ từ ngành nông nghiệp nên doanh thu bán hàng hóa trong kỳ tăng hơn 3,2 lần lên 181 tỷ đồng.
Đáng chú ý là giá vốn hàng bán giảm mạnh 28% xuống còn 467 tỷ đồng, chủ yếu là giảm giá vốn bán bò (giảm 158 tỷ đồng xuống còn 28 tỷ đồng) và giảm giảm giá vốn bán mủ cao su (giảm 89 tỷ đồng còn 74 tỷ đồng). Nhờ đó, lợi nhuận gộp trong kỳ của HNG đã tăng gấp hơn 2 lần lên 601,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số liệu báo cáo tài chính cũng cho thấy, trong quý III vừa rồi, trong khi doanh thu tài chính giảm hơn 89% so với cùng kỳ, chỉ còn đạt gần 16,6 tỷ đồng thì chi phí tài chính của HNG tăng mạnh gần 24% lên 231 tỷ đồng.
HNG cho biết, trong kỳ công ty đã giảm các khoản cho vay đối với các công ty và cá nhân khác. Đồng thời, với việc diện tích vườn cây đưa vào khai thác tăng nên phần lãi vay tương ứng không được vốn hóa mà đưa vào chi phí hoạt động trong kỳ. Lỗ từ chênh lệch tỷ giá cũng tăng 22 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng.
Lãi trong công ty liên kết lại chỉ bằng chưa tới 12% của cùng kỳ; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng, lần lượt 2,2 lần và và 14,7%. Đáng nói, lỗ khác tăng gấp 94 lần lên 412,7 tỷ đồng.
Theo HNG, nguyên nhân khiến khoản thu nhập khác trong kỳ bị sụt giảm mạnh là do trong quý III/2017, các công ty con của HNG có điều chỉnh khoản thuế GTGT đầu ra từ việc bán các sản phẩm sản xuất từ cây nông nghiệp và cây công nghiệp sang thu nhập khác sau khi nhận được công văn miễn thuế. Khoản này đã không còn được phát sinh trong quý III/2018.
Bên cạnh đó, chi phí khác cũng tăng mạnh 303 tỷ đồng do thực hiện xóa sổ các tài sản hoạt động không hiệu quả và điều chỉnh chi phí đầu tư vườn cây cọ dầu vào chi phí do chuyển đổi mục đích sang trồng cây ăn trái.
Kết quả, HNG báo lỗ trước thuế 218,8 tỷ đồng trong quý III/2018, đảo ngược so với kết quả lãi hơn 111 tỷ đồng của cùng kỳ 2017. Lỗ sau thuế 227,5 tỷ đồng, trong đó lỗ thuộc về công ty mẹ là 224,8 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng, HNG lỗ trước thuế 158,3 tỷ đồng và mức lỗ sau thuế là 174,1 tỷ đồng. Cùng kỳ, HNG có lãi sau thuế tới 952,9 tỷ đồng.
Theo văn bản hợp tác chiến lược giữa Thaco Trường Hải và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vào hồi tháng 8 vừa qua, Thaco rót vốn thông qua Hợp đồng mua bán Trái phiếu chuyển đổi HNG chưa phân phối hết cho các cổ đông hiện hữu (để cấn trừ khoản nợ 7.800 tỷ đồng đã đầu tư trước đó vào Hoàng Anh Gia Lai) và thông qua nghiệp vụ mua cổ phiếu với tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Theo đó Thaco và nhóm cổ đông liên quan sở hữu 35% HAGL Agrico.
Chiến lược cho thời gian tới, hai bên dự định sẽ đưa HAGL Agrico thành một tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam nói riêng và trong khu vực Đông Nam Á nói chung, dựa trên quỹ đất hơn 80.000 ha của HAGL nằm tại khu tam giác phát triển bao gồm Tây Nguyên (Việt Nam), Nam (Lào) và Đông Bắc (Campuchia).
Trước thông tin bất lợi về kết quả kinh doanh, cổ phiếu HNG đã bị giảm kịch sàn, mất 1.000 đồng trong phiên giao dịch ngày 30/10. Tuy nhiên, đến sáng nay (31/10), mã này đã phục hồi nhẹ 1,4% lên 14.000 đồng/cổ phiếu.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 15/11: Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT 6 tháng đầu năm 2025
-
Kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm rủi ro thiên tai và khuyến nghị cho Việt Nam
-
Đánh giá điểm nổi bật của thị trường dầu mỏ toàn cầu trong tháng 10/2024
-
COP29: Azerbaijan bảo vệ quyền khai thác dầu khí trước áp lực quốc tế
-
EU đề xuất tăng nhập khẩu khí đốt từ Mỹ để giảm phụ thuộc vào Nga