Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thương mại điện tử: Cuộc chiến nhìn từ kho hàng

10:25 | 03/07/2018

Theo dõi PetroTimes trên
|
Không phải các chiến dịch quảng cáo, trợ giá khủng mà cuộc chiến thương mại điện tử Việt Nam giờ đây lại diễn ra một cách âm thầm ở các nhà kho.
thuong mai dien tu cuoc chien nhin tu kho hang

Cuộc chiến thầm lặng

Cứ 11 giờ trưa mỗi ngày, hệ thống phân loại hàng hóa của LEL Express, đơn vị giao nhận thương mại điện tử của Tập đoàn Lazada đặt ở TP.HCM sẽ bắt đầu hoạt động. Đó là hệ thống băng chuyền tự động kéo dài từ cửa vào nhà kho cho đến cửa ra.

Ở đầu vào, hàng được đặt lên băng chuyền và chạy qua thiết bị gọi là đầu đọc DWS (hệ thống đo chiều cao cân nặng) được treo trên dải băng. Đầu đọc này sẽ phân loại cân nặng, tuyến đường các gói hàng đang chạy với tốc độ đọc 100 m/phút và chuyển chúng đến các băng chuyền mà đích đến là các xe hàng được đánh dấu theo tuyến đường. Các gói hàng không xác định được sẽ được chuyển đến cuối băng chuyền và người ta sẽ kiểm tra nó lại lần nữa trước khi đưa trở lại hệ thống. Tất cả hoàn toàn tự động. “Mất khoảng 1 phút để một gói hàng từ lúc đưa lên băng chuyền đến lúc phân loại xong”, ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc LEL Express, giải thích.

Ông Thịnh cho biết hiện tại, trung tâm phân loại hàng hóa ở TP.HCM có công suất xử lý khoảng 20.000 sản phẩm mỗi giờ. Lazada đã có kế hoạch để tăng công suất của trung tâm lên gấp 2-3 lần trong thời gian tới.

Sau các sự cố nghiêm trọng từ các đợt khuyến mãi trong năm, các công ty thương mại điện tử dẫn đầu thị trường Việt Nam hiểu rằng thời gian giao hàng là vấn đề tiếp theo họ phải giải quyết. Đây là cuộc chiến thầm lặng nhưng được đo đếm bằng sự tưởng thưởng hoặc phàn nàn của khách hàng.

Quy trình giao hàng chuẩn gồm 3 bước. Bước đầu tiên, các công ty thương mại điện tử sẽ đến các đối tác để lấy hàng (trường hợp khách hàng sử dụng dịch vụ giao hàng trọn gói, hàng họ buộc phải ký gửi trong kho của công ty), hàng sẽ được giao về kho để phân loại tuyến đường và cuối cùng là công ty thương mại điện tử sẽ đưa hàng đã phân chia đến các điểm giao nhận để giao đến người mua. “Bước 1 và bước 3 là không thể rút ngắn thời gian giao hàng vì phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện giao thông. Như vậy, việc tiết kiệm thời gian giao hàng chỉ có thể ở bước hai, khâu phân loại hàng hóa”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cho biết việc giảm thời gian giao hàng trong chiến dịch Cách mạng Mua sắm - Mưa sale Băng vừa qua có đóng góp không nhỏ từ trung tâm phân loại ở TP.HCM. Không chỉ Lazada Việt Nam, Tiki cũng có bước chuẩn bị khá kỹ càng khi đưa ra dịch vụ giao hàng 2 giờ. Từ năm ngoái, Tiki đã lên kế hoạch sắp xếp và tối ưu hóa quy trình lưu và lấy hàng.

Theo đó, hàng hóa được sắp xếp một cách tối ưu nhất với tỉ lệ lấp đầy 90% diện tích. Nhóm các hàng điện lạnh, điện tử được để gần cửa ra vào và tách biệt với các mặt hàng khác.

Dọc theo chiều dài của kho, có ít nhất 80 kệ đựng hàng và cao trên 2m được sắp song song với nhau, khoảng cách giữa hai kệ vừa đủ cho 2 người cùng đi lấy. Ở cuối mỗi kệ, dưới chân có dán các màu khác nhau để phân biệt kích thước các loại hàng hóa được sắp vào.

Quan trọng nhất là hệ thống phần mềm, nhân viên Tiki có thể sắp xếp hàng hóa lộn xộn khi một khay để đồ có thể chứa sách, đồ dã ngoại, kiếng bơi nhưng hệ thống sẽ sắp xếp lại và tạo ra đường đi lấy hàng tối ưu nhất. Doanh nghiệp còn lại trong cuộc đua thương mại điện tử Việt Nam là Shopee Việt Nam mới đây cũng đưa ra dịch vụ giao hàng 4 giờ thử nghiệm đối với người bán và mua hàng ở một số quận thuộc TP.HCM. Tuy nhiên, Shopee Việt Nam từ chối trả lời về thời điểm chính thức áp dụng cũng như đơn vị nào đảm trách chính cho dịch vụ này.

Cũng phải nói thêm kể từ khi Sea, công ty chủ quản Shopee, lên sàn, đơn vị này khá kín tiếng. Gần đây nhất, Shopee Việt Nam đã hạn chế chính sách giao hàng miễn phí, một chính sách giúp họ có tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở Việt Nam gần 2 năm qua.

Thậm chí, cuối tháng 5, “ông lớn” DHL eCommerce đã giới thiệu dịch vụ vận chuyển DHL Parcel Metro Same Day, hỗ trợ các nhà bán lẻ trực tuyến trong nước về việc cung cấp dịch vụ giao hàng linh hoạt trong ngày cho khách hàng của họ tại Hà Nội và TP.HCM. Thông qua 250 điểm dịch vụ của DHL, hệ thống giao hàng của doanh nghiệp sẽ cung cấp các địa điểm nhận và trả hàng thuận lợi cho khách hàng.

Đợi điểm bùng nổ

thuong mai dien tu cuoc chien nhin tu kho hang

Cuộc cạnh tranh của các đơn vị giao nhận hàng diễn ra trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 32% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2022, theo Euromonitor. Bên cạnh đó, khoảng 30% dân số được dự đoán sẽ chuyển qua mua sắm trực tuyến vào năm 2020. Kéo theo đó là sự bùng nổ về dịch vụ giao hàng.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 50 đơn vị giao hàng nhanh quy mô lớn nhỏ. Con số này đã tăng 10 lần trong vòng 5 năm. Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) ghi nhận một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62-200%.

“Những dẫn chứng nêu trên cho thấy nhu cầu giao hàng của ngành thương mại điện tử sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới”, ông Charles Brewer, Tổng Giám đốc Điều hành DHL eCommerce, chia sẻ. Vì vậy, cuộc đua giữa các đơn vị giao hàng đang ngày mở rộng nhằm bảo đảm sản phẩm được giao thành công đến tay người mua, đồng thời cung cấp cho các nhà bán lẻ dịch vụ nhanh chóng, linh hoạt, rõ ràng và đáng tin cậy để xây dựng lòng tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh việc tối ưu thời gian giao nhận, đầu tư vào kho còn là cách các công ty thương mại điện tử tối ưu chi phí nhân lực. “Thời điểm thương mại điện tử ở Việt Nam bùng nổ khó dự đoán, có thể tăng gấp 3 hoặc 5 lần chỉ sau một đêm”, ông Thịnh nhận định.

Điều này phản ánh rất rõ qua các chương trình khuyến mãi trong năm, khi lượng đơn hàng tăng lên gấp 3-4 lần chỉ sau một đêm và để lại bài toán hóc búa về nhân lực cho các công ty thương mại điện tử. Nếu thiếu người, sẽ ách tắc hàng hóa trong khi tuyển nhân sự thời vụ thì khó khăn trong việc đào tạo. Tuyển dư người sẽ tạo gánh nặng về chi phí nhân sự, trong khi các doanh nghiệp thương mại điện tử đã qua gia đoạn đốt tiền đổi giao dịch.

Có thể thấy, phụ thuộc hoàn toàn vào nhân lực là bài toán khó cho bộ phận hậu cần thương mại điện tử. Cách giải quyết tốt nhất là đầu tư vào hệ thống tự động để chịu được khối lượng công việc tăng đột ngột. Bên cạnh đó, do phần lớn các quy trình quan trọng đã tự động hóa nên việc tuyển và đào tạo nhân sự mới cũng dễ dàng hơn. Khá tự tin với hệ thống công ty xây dựng, ông Sơn của Tiki từng chia sẻ rằng nhân viên kho của Tiki chỉ cần 3 tiêu chí “trung thực, biết đọc và biết đi”.

Về phần mình, ông Thịnh của LEL Express cho biết nhân viên mới chỉ cần 1-2 tiếng là đã có thể thành thạo công việc trong khi vẫn đảm bảo tỉ lệ sai sót của hệ thống là gần bằng 0.

Hồi tháng 6 vừa qua, LEL Express đã đưa trung tâm phân loại hàng hóa thứ hai ở Hà Nội đi vào hoạt động.

Công suất của kho thứ hai vào khoảng 10.000 sản phẩm/giờ và được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu ở Hà Nội trong vòng 2 năm. Song song đó, Công ty cũng tăng công suất trung tâm ở TP.HCM và chuẩn bị tự động hóa thêm một số khâu khác.

“Chúng tôi đang tiếp tục hợp tác với nhiều đơn vị khác để tiến hành nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới hơn để giảm chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng”, ông Thịnh nói.

Dự báo đến năm 2025, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng lên đến 8 tỉ USD. Do đó, các doanh nghiệp logistics nhanh chóng đầu tư hạ tầng, công nghệ để chiếm miếng bánh lớn nhất trong tương lai.

Theo Nhịp cầu đầu tư

Amazon thổi bay gần 18 tỷ USD của 8 công ty
Cơ hội khởi nghiệp thương mại điện tử tại Đông Nam Á
Chợ truyền thống: Thay đổi để tồn tại
Bán lẻ truyền thống trước sức ép cạnh tranh