Chợ truyền thống: Thay đổi để tồn tại
Mua sắm online phát triển mạnh
Bán lẻ hiện là một trong những lĩnh vực có sức tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, tăng tới 63,7% chỉ trong 3 năm qua. Nổi bật nhất là chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu của Việt Năm đang đứng thứ 6 trên toàn thế giới. Điều này chứng tỏ, thị trường bán lẻ nước ta đang hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Lượng khách mua hàng trực tiếp tại các chợ truyền thống giảm sút |
Để không bỏ lỡ cơ hội gia nhập ngành “tỉ đô” này, nhiều thương hiệu bán lẻ thế giới đang đổ bộ vào Việt Nam. Sự ra đời của hàng loạt các website thương mại điện tử ngoại cũng như nội như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… đã khiến việc mua sắm online không còn xa lạ với người người tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt, thị trường mua sắm trực tuyến càng “nở rộ” hơn khi người tiêu dùng trẻ tham gia vào việc mua bán trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... Những kênh bán hàng nêu trên đang trở thành đối thủ của các siêu thị, cửa hàng tiện ích và chợ truyền thống.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho hay, kết quả khảo sát HVNCLC 2017, mua sắm online mới chỉ chiếm 0,9%. 1 năm sau, số người tiêu dùng chọn mua online tăng gấp 3 lần (2,7%). Theo đó, có 23% người tiêu dùng lựa chọn các kênh online để tham khảo thông tin trước khi quyết định mua sản phẩm. Tương tự, website của các công ty có tỷ lệ tham khảo tăng gấp đôi (từ 3,3% lên 6,7%).
Một kết quả nghiên cứu ghi nhận ý kiến khoảng 1.000 người tại TP HCM và Hà Nội mới đây của CBRE Việt Nam cũng cho thấy, 45-50% số người cho rằng họ sẽ thường xuyên mua sắm trực tuyến thông qua máy tính hay điện thoại di động trong tương lai. “Người tiêu dùng chọn phương thức mua bán online vì tiện lợi. Ngoài ra, hình thức kinh doanh thương mại điện tử cũng là kênh được nhiều doanh nghiệp chọn để tiếp cận thông tin về nhu cầu của thị trường và tạo đầu ra cho hàng hóa”, bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 35% và sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới. Rõ ràng, sự bùng nổ của mua sắm online đang ngày càng làm giảm sức mua của các kênh phân phối hiện đại, cửa hàng tiện lợi và chợ truyền thống.
Ông Lê Hữu Tình - Giám đốc marketing Emart Việt Nam đánh giá, tại Mỹ hàng loạt tên tuổi lớn như Walmart, Target, Michael Kors, Best Buy... thực hiện chiến lược đóng bớt cửa hàng thực tế, tăng cường kinh doanh trực tuyến. Ở Việt Nam, tình trạng chợ và các cửa hàng phải đóng cửa vì sự cạnh tranh gay gắt của thương mại điện tử chưa có báo cáo cụ thể, nhưng sự cạnh tranh đang thể hiện rất rõ tại ngành bán lẻ.
Bán hàng online là giải pháp hiện nay của nhiều tiểu thương ở chợ truyền thống |
Theo xu hướng online
Hội HVNCLC chỉ ra, nếu năm 2016, tỷ lệ người tiêu dùng chọn mua sản phẩm ở chợ truyền thống là 31%, thì năm 2017 giảm còn 11% và hiện nay còn 10%. Riêng với tiệm tạp hóa nhỏ lẻ, tỷ lệ người tiêu dùng chọn mua sản phẩm từ 17% trong năm 2017 giảm xuống còn 9% trong năm 2018.
Theo các chuyên gia kinh tế, từ khi hoạt động thương mại điện tử xuất hiện, hệ thống chợ truyền thống mất dần “ngôi vương” trong phân phối hàng hóa. Cá biệt, có chợ truyền thống bị “đuối sức” trong cạng tranh với siêu thị, cửa hàng tiện ích và thương mại điện tử nên người kinh doanh chủ động đóng sạp. Đại đa số chợ truyền thống đang tự nâng cấp, làm mới mình cho hợp với xu hướng tiêu dùng mới bằng cách chỉnh trang chợ, làm mới nhà lồng, quầy sạp. Bên cạnh đó tiểu thương chợ truyền thống không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng có thể lựa chọn, tin dùng. Ngoài phương án làm mới về hình thức cùng chất lượng, tiểu thương vừa kết hợp bán hàng truyền thống và hiện đại. Hình thức bán hàng qua Facebook, Zalo, Viber… được tiểu thương áp dụng triệt để.
Bà Nguyễn Thị Hà - tiểu thương chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp, TP HCM) cho hay, so với các mặt hàng thiết yếu khác thì sức mua quần áo hiện không còn được như mấy năm trước. “Thấy người ta bán hàng qua mạng tốt, tui cũng thử chào mẫu bán online. Kết quả thu về khá lạc quan, doanh thu tăng và lượng khách hàng được mở rộng. Tiểu thương một số ngành hàng nên áp dụng mô hình này để tăng hiệu quả kinh doanh”, bà Hà nhấn mạnh.
Nhằm phát huy hiệu quả kinh doanh, hiện nay gần 5.000 tiểu thương kinh doanh quần áo trong, ngoài chợ Tân Bình (quận Tân Bình, TP HCM) - trung tâm bán sỉ và lẻ quần áo lớn tại TP HCM - đều đã lập trang web bán hàng trực tuyến. Nhiều tiểu thương bán quần áo ở chợ Tân Bình cho biết: Thông qua Intenet, khách hàng mua sỉ ở miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Campuchia, một số nước ở châu Phi đặt hàng qua mạng, thanh toán qua ngân hàng. Theo tiểu thương các chợ, mua bán online tiện và nhanh. Đây là xu hướng tiêu dùng mới mà ai cũng phải áp dụng, nếu không sẽ bị đào thải trong cuộc cạnh tranh rất khốc liệt hiện nay.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM nhận định, muốn hoạt động buôn bán tại các chợ truyền thống ổn định, phát triển thì giới tiểu thượng buộc phải tự làm mới từ khâu tổ chức kinh doanh đến những cam kết về chất lượng, giá bán. Song song với đó, tiểu thương nên nỗ lực đẩy mạnh bán hàng online.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, nhiều tiểu thương đã làm quen dần với việc ký kết hợp đồng dài hạn với các nhà sản xuất để có nguồn hàng chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời chịu trách nhiệm trước người mua về hàng hóa cả bán trực tiếp và online. Đây cũng là tiêu chí mà TP HCM đang thực thi trong lĩnh vực bán lẻ, hướng đến tăng khả năng cạnh tranh của bán lẻ truyền thống.
Nhiều tiểu thương bán quần áo ở chợ Tân Bình cho biết, thông qua Internet, khách hàng mua sỉ ở miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Campuchia, một số nước ở châu Phi đặt hàng qua mạng, thanh toán qua ngân hàng. |
Thanh Hồ
-
Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt
-
Tin tức kinh tế ngày 7/11: Tỷ giá USD/VND tăng cao nhất lịch sử
-
Không khoan nhượng trong “cuộc chiến” thương mại điện tử
-
Tin tức kinh tế ngày 27/10: Thanh, kiểm tra các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam
-
Online Friday 2024: Lan tỏa giá trị hàng Việt Nam trên nền tảng số
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên
-
Giá dầu hôm nay (20/11): Dầu thô ổn định trong phiên
-
VPI dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm từ 0,3 - 1,6% trong kỳ điều hành ngày 21/11