Thế giới với Ngày bảo vệ động vật có vú ở biển
Cái chết của một con cá nhà táng |
Lễ hội sinh thái này được tổ chức từ năm 1986, khi một lệnh cấm về đánh bắt cá voi của Ủy ban cá voi quốc tế (International Whaling Commission - IWC) được ban hành. Ở Nga, ngày Bảo vệ động vật có vú ở biển được tổ chức từ năm 2002.
Động vật có vú sống ở môi trường biển (xin gọi tắt là thú biển) là những loài động vật to lớn nhất và thông minh nhất, nhưng lại dễ bị tổn thương nhất, vì thế rất cần được bảo vệ. Cho đến nay, trên toàn hành tinh của chúng ta chỉ còn có 119 loài thú biển. Thú biển bị con người tiêu diệt vô tội vạ trong hơn 200 năm qua, cũng như mọi điều kiện môi trường sinh sống của chúng mỗi năm một suy giảm, do đó ảnh hưởng xấu đến quần thể của các loài.
Đối với dân cư Trái đất, Ngày cá voi là đặc biệt quan trọng, vì trong các đại dương có đến hàng trăm phân loài cá voi, cá heo, cá nhà táng, hải cẩu... Rất nhiều chi loài trong số đó đang bị đe dọa tuyệt chủng và được đưa vào Sách đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên. Đặc biệt, cá voi xám, cá voi xanh, cá voi mõm khoằm, cá heo Đại Tây Dương lườn trắng, cá heo mõm trắng, cá heo xám, hải cẩu xám, hải sư, hải tượng… là những đối tượng cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Bảo tồn và bảo vệ
Từ năm 2008, Nga bắt đầu thực hiện một số chương trình nghiên cứu thú biển quý hiếm và quan trọng. Viện Hàn lâm khoa học Nga đã thành lập Ủy ban thường trực về thăm dò, nghiên cứu động vật có vú ở biển đã được đưa vào Sách đỏ của Liên bang Nga và các loài động vật quan trọng khác.
Hiện nay, nhiệm vụ chính của các nhà khoa học thuộc lĩnh vực này là lấp đầy những khoảng trống trong các thông tin về các loài thú biển, tìm hiểu cách thức chúng được phân bố ở các vùng biển, nơi chúng sinh sản, những hướng di chuyển theo mùa sinh sản của chúng và ngược lại, cũng như nhiều vấn đề khác. Tham gia thực hiện có các tổ chức như Hội đồng động vật có vú ở biển, Ủy ban thường trực về thăm dò, nghiên cứu động vật có vú ở biển đã được đưa vào Sách đỏ của Liên bang Nga và các loài động vật quan trọng khác, Hội Địa lý Nga và Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới.
Các cơ quan này đã lập những đoàn thám hiểm nghiên cứu, thu thập và tìm hiểu các dữ liệu lên quan, tổ chức các hội thảo khoa học và thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục theo từng chuyên đề. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều dễ dàng và đơn giản. Theo tiến sĩ Dmitry Glazov, viện trưởng Viện Sinh thái và Tiến hóa thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, phó giám đốc chương trình Beluga - cá voi trắng, khó khăn trong việc bảo tồn và bảo vệ các loài thú biển là ở chỗ số lượng đầu con của một số loài chỉ còn lại ở mức có thể đếm trên đầu ngón tay.
Con người với thú biển
Một vấn đề khác là tác động từ các hoạt động của con người đối với thú biển.
"Những vấn đề gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của công nghệ trong công tác khai thác khí đốt, dầu mỏ và xây dựng. Tiếng ồn, chẳng hạn như việc thực hiện các công trình xây dựng khác nhau và các hoạt động khai thác dầu khí tại các vùng biển. Tàu phá băng, tàu chở dầu thường xuyên phá vỡ môi trường sinh hoạt của loài hải cẩu. Đặc biệt, những sự cố tràn dầu thường gây tác hại nghiêm trọng, dẫn đến cái chết của nhiều loài thú biển. Tất cả những điều này xâm hại môi trường sống tự nhiên hoang dã và dẫn đến cái chết của những lứa thú biển sơ sinh, gây nên hiện tượng giảm số lượng bầy đàn" - tiến sĩ Dmitry Glazov nói.
Trong những năm gần đây ở Nga xuất hiện nhiều khu vực chăn nuôi thú biển, nhưng không phải với mục đích bảo tồn, nhân giống, mà chỉ với mục đích thương mại. Người ta nuôi để rồi vô tư xả thịt chúng. Báo chí từng đưa tin ở nhiều trại nuôi như thế, thú biển chết hàng loạt do dịch bệnh, do điều kiện sống không phù hợp và do vô vàn lý do khác. Nhưng chính quyền gần như bó tay trước thực trạng này, vì chưa có một điều luật nào đề cập đến việc nuôi thú biển. Theo tiến sĩ Glazov, để giải quyết vấn đề này, luật pháp phải có những quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể, điều chỉnh các quy tắc cho việc đánh bắt và những điều kiện nuôi nhốt thú biển.
Được biết, phiên điều trần sắp tới của dự thảo đạo luật về đối xử nhân đạo với động vật biển sẽ được tổ chức vào tháng Tư năm nay.
Trên bình diện toàn cầu
Ngay trước Ngày Bảo vệ động vật có vú ở biển, tại trụ sở LHQ ở New York đã tổ chức một buổi hội thảo của Liên minh quốc hội thế giới (IPU) về vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển. Chủ đề chính của cuộc thảo luận là sự cần thiết phải có các biện pháp chung nhằm ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái, đặc biệt là ô nhiễm đại dương toàn cầu bởi chất thải nhựa.
Theo Ủy ban Duma Quốc gia Nga về Sinh thái và bảo vệ môi trường biển, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề ô nhiễm của các đại dương trên thế giới được xem xét trên cấp độ quốc tế, nhưng lần này, vấn đề này được chú ý đặc biệt, bởi vì sự ô nhiễm của nước biển đã trở nên quá nặng nề.
"Rác thải và nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý được xả xuống sông ngòi, cuối cùng đọng lại trong nước biển và đầu độc các sinh vật sống trong môi trường biển. Ngay cả không khí bị ô nhiễm bởi các loại khí nhà kính cũng gây hại cho nước biển bởi hiện tượng mưa axít khiến nước biển bị thay đổi thành phần hóa học, ảnh hưởng đến hệ thực vật và động vật biển" - báo cáo của Ủy ban Duma Quốc gia về Sinh thái và bảo vệ môi trường biển cho biết.
Theo ước tính của Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế, một số loài thú biển chỉ còn tồn tại vài trăm cá thể. Theo Sách Đỏ của Liên bang Nga, cá voi xám ở biển Okhotskoe ước tính chỉ còn 125 - 150 con, trong đó số cá voi cái có khả năng sinh sản chỉ có khoảng 25-30 cá thể. Phân loài hải tượng Đại Tây Dương chỉ còn từ 2 đến 4 nghìn con, phân loài hải cẩu đeo vòng ở biển Baltic cũng chỉ còn chưa tới 4 nghìn con. May mắn nhất là loài sư tử biển Steller, hiện còn khoảng 68.000 cá thể, nhưng theo khảo sát từ năm 2015 đến nay, số lượng cá thể trong bầy đàn có sự suy giảm đáng kể.
RIA
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp