Thấy gì trong kế hoạch tái đàm phán hạt nhân Iran?
Vòng đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 sẽ được tổ chức tại Vienna, Áo, vào tháng 11 năm 2021 |
Phục hồi thỏa thuận hạt nhân Iran là mục tiêu chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Joe Biden khi mới nhậm chức. Một năm sau, kể từ ngày đắc cử, thỏa thuận từng được đánh giá là một bước ngoặt, dường như đang trên đà sụp đổ khó thể cứu vãn.
Mọi sự đã có nhiều thay đổi kể từ khi các cuộc đàm phán bị đình lại từ tháng Sáu năm 2021. Iran có tổng thống mới, Ebrahim Raissi, nổi tiếng là một nhân vật cực kỳ bảo thủ, đang thách thức sự kiên nhẫn của phương Tây. Năm tháng đình trệ này cũng là quãng thời gian đủ để các hoạt động nguyên tử của Iran gia tăng sức mạnh, mà phương Tây đánh giá là mỗi lúc một nguy hiểm.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ, ban đầu tỏ ra tự tin về khả năng tái khởi động thỏa thuận, đã bị người tiền nhiệm Donald Trump phá hỏng, khi quyết định rút khỏi thỏa thuận với hạt nhân Iran năm 2018, cũng không giấu được nỗi lo lắng. Washington giờ phải chuẩn bị một kế hoạch B. Nhưng đó là gì thì giới chuyên gia ở Mỹ đều khẳng định là chưa rõ và sẽ rất khó khăn.
Cuộc đàm phán gián tiếp giữa hai nước thù địch lần này, thông qua trung gian là các nước còn ở lại trong cam kết (Đức, Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga và Liên minh châu Âu) nhằm xác định những trừng phạt nào Hoa Kỳ phải dỡ bỏ cũng như là lịch trình Iran trở lại trong khuôn khổ những cam kết của mình trong thỏa thuận 2015.
Nhà nghiên cứu, Kelsey Davenport, Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, lưu ý rằng chính phủ ông Biden sẽ phải tiến bước trên một con đường chông chênh, vừa phải chứng tỏ cho Iran thấy là họ sẽ được hưởng lợi một khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, nhưng cũng vừa không tỏ ra quá nhượng bộ trước áp lực của Iran.
Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden đứng trước hai khó khăn lớn. Thứ nhất, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ là một bài toán khó. Nhóm cố vấn Nhà Trắng thời Tổng thống Donald Trump đã dựng nên cả một mạng lưới chằng chịt các đòn trừng phạt rối như tơ vò, khó thể mà gỡ bỏ. Nhiệm vụ này còn thêm khó khăn khi một loạt các đòn phạt khác do chính quyền Mỹ hiện nay áp đặt nhằm chống lại các thiết bị bay tự hành của Iran.
Thứ hai, phía Iran đòi hỏi Mỹ phải bảo đảm là thỏa hiệp nếu có được sẽ không bị phá vỡ nếu có sự thay đổi chính trị tại Hoa Kỳ. Một bảo đảm mà ông Joe Biden không thể nào cam kết. Phe Cộng Hòa đã cảnh báo rằng sẽ phá hủy thỏa thuận này một khi họ trở lại cầm quyền.
Nhưng giới quan sát cho rằng câu hỏi đơn giản nhất cần đặt ra ở đây chính là Tổng thống Raissi và nhất là giáo chủ Ali Khamenei có thật sự muốn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân hay không? Câu trả lời mà Mỹ đưa ra có nguy cơ là “Không” nếu như vào ngày 29/11 đó, các nhà đàm phán Iran đến Vienna với những yêu sách được cho là không thực tế.
Trong bối cảnh này, Mỹ dường như đang gia tăng áp lực với Iran. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong một giọng điệu cứng rắn hồi trung tuần tháng 10/2021 tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẵn sàng nhắm đến mọi giải pháp. Một hình thức đe dọa quân sự rất rõ ràng.
Dù vậy, chuyên gia Danvenport lưu ý: “Đe dọa quân sự có nguy cơ đẩy Iran đi đến việc công khai muốn chế tạo bom nguyên tử để phòng vệ”. Mỹ không còn một giải pháp nào tốt hơn là quay trở lại với thỏa thuận 2015. Gia tăng trừng phạt giờ có thể cũng không còn tác dụng do Iran cũng đang oằn mình gánh những biện pháp cấm vận thời Donald Trump.
Ngoại giao vẫn là con đường khả dĩ nhất, nhưng lại là con đường dài hơi nhất, đòi hỏi nhiều thời gian.
Nh.Thạch
AFP
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới