Than xấu cho điện tốt, nhưng giá chưa... tốt?
Năng lượng Mới số 328
Chưa khuyến khích điện sạch
Phó tổng giám đốc Vũ Công Trình lấy ví dụ, cùng một hộp sữa tươi, chung tiêu chuẩn, chất lượng cùng công khai minh bạch nguồn nguyên liệu, tại sao mỗi công ty niêm yết một giá khác nhau? “Như vậy thì vấn đề chắc chắn nằm ở công nghệ và công tác quản trị của mỗi doanh nghiệp. Điện thương phẩm cũng như vậy. Chất lượng điện như nhau và được EVN bán cho các hộ tiêu dùng với giá theo quy định. Nhưng tại sao chúng tôi chỉ được như ở giá A-, trong khi những dự án nhiệt điện khác lại được mua ở giá A. Và chỉ vì chúng tôi đầu tư giá thấp còn các dự án khác lại cao”, ông Trình chia sẻ những thắc mắc. “Đó là chưa nói việc các nhà máy nhiệt điện của TKV đang đóng góp vào an ninh năng lượng quốc gia bằng việc tận dụng tài nguyên một cách tối đa”.
Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả 1 và 2 sử dụng công nghệ đốt hỗn hợp than cám 6B và bùn than sau tuyển của Công ty Tuyển than Cửa Ông gồm 4 lò CFB, công suất mỗi lò 150MW. Nhà thiết kế lò hơi FW đã sử dụng 2 bộ phân ly tro cho mỗi lò. Mặc dù dùng than chất lượng xấu nhưng các lò CFB của Tổng Công ty Điện lực TKV nói chung, Nhiệt điện Cẩm Phả nói riêng hoạt động hết sức ổn định, tin cậy, độ sẵn sàng cao. Điều này thể hiện ở tổng số giờ lò CFB làm việc trong các năm của các nhà máy đều đạt trên 7.500 giờ/năm. Đặc biệt, năm 2011 lò CFB Dự án Nhiệt điện Na Dương đã làm việc đến 8.340 giờ/năm.
Nhiệt điện Cẩm Phả
“Hơi miên man về kỹ thuật một chút, nhưng tôi xin nói thêm để cho rõ. Phạm vi điều chỉnh giải phụ tải rộng (không phải kèm dầu), vậy nên các lò hơi CFB trong các dự án của TKV đều có khả năng vận hành ổn định ở phụ tải từ 45% công suất định mức trở lên mà không phải kèm dầu. Ưu điểm này là một lợi thế của các dự án điện có lò CFB khi tham gia thị trường điện”, ông Trình lý giải dựa trên thực tế.
Công nghệ đốt lớp sôi là công nghệ được nghiên cứu phát triển từ thập niên 70 của thế kỷ trước dưới sức ép của các tiêu chuẩn khắt khe về phát thải độc hại. Tuy vậy, chỉ đến thập niên 80 công nghệ này mới được phát triển và dần hoàn thiện thành công nghệ “Lớp sôi tuần hoàn”. Công nghệ lớp sôi tuần hoàn ngày càng được hoàn thiện cả về mặt lý thuyết cháy và công nghệ chế tạo và từ những năm 90 đến nay mới thật sự được áp dụng rộng rãi trên thế giới (hiện nay đã có khoảng 1.000 lò CFB) do có nhiều ưu điểm đã được công nhận như: Đốt được nhiều loại nhiên liệu (riêng biệt hoặc hỗn hợp), rất phù hợp với các loại than khó cháy, hàm lượng lưu huỳnh cao, nhiệt lượng thấp (có thể đốt được hỗn hợp than nhiệt lượng khoảng 2.000kcal/kg); Hiệu suất cháy cao do đặc điểm nhiên liệu trong lò hơi được tái tuần hoàn cho đến khi cháy kiệt mới thải ra khỏi buồng đốt; Có thể khống chế chỉ tiêu phát thải SO2, NOx ngay trong quá trình đốt đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn môi trường hiện hành mà không cần phải lắp thêm các bộ khử SO2, NOX trong khói thải rất tốn kém.
Kỹ sư Bùi Văn Tuấn, Phòng Kỹ thuật Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả khẳng định, lò hơi sử dụng công nghệ này vẫn làm việc ổn định ngay cả khi phụ tải lò hơi giảm xuống còn 40% (cá biệt có trường hợp tới 25-30%) mà không phải đốt kèm dầu (lò hơi dùng công nghệ PC, chỉ tiêu này thường trong khoảng 65-70%). Hạn chế duy nhất của công nghệ này trong thời gian qua là gam công suất thông dụng và được kiểm chứng mới chỉ dừng lại ở cỡ công suất tổ máy khoảng 300MW. Thế nhưng, việc này sẽ nhanh chóng được khắc phục bởi hiện nay, trên thế giới đã có hàng chục lò CFB cỡ lớn hơn 300MW) đang vận hành và dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong những năm tới với công suất lên tới 600 đến 800MW. Hiện 2 nhà máy Cẩm Phả 1&2, với 4 tổ máy của Công ty mới chỉ có tổng công suất là 670MW.
Mong giá điện minh bạch
Gọi là phát điện cạnh tranh, nhưng sự thật là giá mua điện chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. “Tôi xin khẳng định rằng, giá điện của nhà máy nhiệt điện ngoài EVN chỉ được EVN mua với giá bằng 80% so với các nhà máy nhiệt điện do EVN đầu tư, Phó tổng giám đốc Vũ Công Trình tiếp tục thể hiện những băn khoăn. Hiện nhà máy chỉ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (bên mua) huy động 40-50% công suất thiết kế. EVN còn chờ thời tiết để cân nhắc việc huy động từ các nhà máy thủy điện, vốn có giá thành rẻ hơn và đa số đã hết khấu hao.
Sự thua thiệt này còn xuất phát từ cơ chế huy động nguồn trong thị trường phát điện cạnh tranh. Khi chào giá lên hệ thống, công ty mua bán điện của EVN sẽ chỉ chọn lựa nhà cung cấp điện có giá thấp nhất để mua. Như vậy, nguồn thủy điện giá thấp sẽ luôn chiếm ưu thế, còn nguồn điện than, khí, dầu chắc chắn sẽ bị hạn chế mua. Ngoài ra, những tình huống trong điều độ hệ thống điện như liên tục có việc ngừng máy và khởi động máy nhiệt điện than vừa qua cũng gây tốn kém lớn cho các nhà máy điện. Mỗi lần khởi động như vậy, chi phí tốn kém 3-4 tỉ đồng. Điều này cho thấy, mối quan hệ giữa Trung tâm điều độ A0 của EVN với các nhà máy điện than của TKV có lẽ vẫn chặt chẽ.
Theo quan điểm của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, EVN cần sớm minh bạch và công khai giá thành giá đầu vào và giá đầu ra, lỗ lãi, để nhân dân biết từ đó việc tăng giá điện hay giảm giá điện như thế nào là hợp lý, để nhân dân đồng tình.
Nếu giá thành bán điện ở khâu bán buôn cũng như khâu bán lẻ đều tính đầy đủ chi phí cho truyền tải điện, chi phí cho phân phối, chi phí cho bộ máy quản lý vận hành từ trên xuống dưới, chi phí trượt giá, chi phí khấu hao, lợi nhuận, thuế, tổn thất điện năng và các chi phí khác thì cả EVN, TKV đều không những không bị lỗ mà còn có lãi để tiếp tục tái đầu tư xây dựng các công trình mới theo Quy hoạch điện VII.
Tùng - Kiên