'Tàu lạ, người lạ' - nhưng thủ đoạn hèn hạ thì quen!
Ngư dân Việt Nam bị bắn chết ở biển Trường Sa |
Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi. |
Hình ảnh những ngư dân lam lũ, đương đầu với con sóng ngọn gió để mưu sinh bị sát hại ngay trên chính vùng biển quê hương và chết dưới họng súng của cái gọi là “tàu lạ”, “người lạ” càng làm cho chúng ta thêm chua xót.
Ngay trong sáng ngày 30/11, chúng tôi đã liên lạc với Hiệp hội Nghề cá Việt Nam và Tổng thư ký hiệp hội Hoàng Đình Yên cho biết: Cũng như những lần trước, chưa xác định được những kẻ xả súng là ai và con tàu gây án là của quốc gia nào.
Như vậy là một lần nữa, chúng ta lại gọi chúng là “tàu lạ”, “người lạ”.
Đây không phải là lần đầu tiên, cụm từ “tàu lạ” “người lạ” xuất hiện trên biển Việt Nam. Đã không ít lần, người lạ, tàu lạ gây ra thiệt hại, thậm chí cướp bóc ngư dân nước ta, đặc biệt là các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Ngày 28/11, tàu cá QNg95861 - TS của ông Bùi Văn Cu đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa, bất ngờ xuất hiện 6 người mặc thường phục từ tàu khác áp sát. Đám này xả súng AK bắn chết ngư dân Trương Đình Bảy.
Thật không thể hình dung được, trong xã hội văn minh mà có hành vi ôm súng tiểu liên AK, nhắm vào người khác và “quét” cả băng. Đây rõ ràng là hành vi giết người tàn bạo, hành vi khủng bố. Trên biển thì người ta thường gọi là “cướp biển”.
Nếu đây là cướp biển, khủng bố thì đương nhiên, cơ quan công an, biên phòng cần khởi tố vụ án. Có điều lạ là loại “cướp biển” này lại không cướp tiền, tài sản, ngư cụ, cướp tàu mà chỉ bắn người xong rồi rút. Rõ ràng, đây là hành vi giết người có chủ đích.
Một tàu cá của ngư dân Lý Sơn bị Trung quốc đập phá và cướp tài sản tại ngư trường Hoàng Sa vào tháng 5/2013 (Ảnh: Văn Minh/Tuổi trẻ) |
Ví thử đây là lực lượng thực thi công vụ của một quốc gia nào đó “uống chung nước biển Đông” thì rõ ràng, còn đáng lên án hơn. Đây thậm chí không thể gọi là “thực thi công vụ một cách thô bạo” như ngôn ngữ ngoại giao thường dùng, mà phải gọi là hành vi “chống lại loài người”.
Với ngư dân, các lực lượng chấp pháp trên biển thường chỉ xua đuổi, cùng lắm là bắt giữ, tịch thu tài sản, phạt tiền (hoặc mạnh tay như Indonesia là tịch thu tàu rồi đánh đắm). Ngư dân không có vũ khí, không thể chống cự và không tạo ra mối đe dọa cho lực lượng tuần tra được trang bị đầy đủ vũ khí và huấn luyện chuyên nghiệp.
Vậy nên, bắn súng vào ngư dân không chỉ là hành xử thiếu chuyên nghiệp mà còn là vấn đề đạo đức. Nói đúng hơn, đây không thể là việc làm của lực lượng chấp pháp mà là của cướp biển.
Đấy là chưa xét đến việc những “tàu lạ” “người lạ” này đang ngang nhiên sát hại ngư dân Việt Nam tại vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Đây có thể xem là hành vi xâm nhập trái phép.
Chúng ta hoàn toàn có thể báo cáo vụ việc lên Liên Hiệp Quốc và thậm chí là mở cuộc điều tra vụ án “giết người”, thông báo truy tìm thủ phạm lên hệ thống của cơ quan Cảnh sát quốc tế (Interpol) để cả nhân loại biết mà tránh những tên “người lạ”.
Đau đớn là kẻ xấu thì luôn đứng trong bóng tối, lởn vởn ngoài đại dương mênh mông và cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thể vạch mặt, chỉ tên mà chỉ có thể gọi là “tàu lạ”, “người lạ”.
Nhưng trong tâm thức người dân Việt Nam, hẳn, ai cũng có thể hiểu: Vâng, tàu lạ, người lạ, nhưng thủ đoạn hèn hạ thì đã có từ lâu lắm rồi!
1 năm sau "giàn khoan 981", chúng ta đã gọi đúng tên một cuộc chiến khác... Nhắc lại để chúng ta không bao giờ quên, không bao giờ mất cảnh giác với người hàng xóm đầy tham vọng bá quyền. Sự kiện giàn khoan 981 như một giọt nước tràn ly, để chúng ta hiểu và gọi đúng tên hơn bản chất của một cuộc chiến khác. |
H.C.T
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường