Sức sống vùng biên cương
Thử thách của thiên nhiên
Hôm tôi đến Na Dương, trời mưa tầm tã. Lòng moong của mỏ than vùng xa này không kém gì các mỏ than lớn vùng Đông Bắc. Tuy nhiên, với Na Dương thiên nhiên không dành cho vùng đất này sự ưu ái cho lắm.
Chị Dương Thị Thúy Nga, Phó giám đốc Công ty dẫn chúng tôi đi thực địa khai trường. Nga là người phụ nữ rắn rỏi. Chị đã có cả tuổi thơ, tuổi xuân trên vùng đất này. Chị cho biết, mỏ than Na Dương rất “quý người”, đặc biệt lúc trời mưa, người đi, đế giày sẽ… ở lại. Ra là thế này, không như các mỏ khác, đất sét ở mỏ Na Dương hễ gặp mưa là kết dính và trương nở một cách quái lạ, nó “nuốt” chặt bất cứ thứ gì dẫm lên, mưa nhỏ thôi cũng đủ để các công nhân phải nghỉ việc và tính ra thời gian nghỉ vì mưa đã hết gần một quý trong năm. Đó là một trong những khó khăn trong khai thác của mỏ mà Than Na Dương thường xuyên gặp phải, ngoài phải bơm nước moong, người Na Dương còn chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của thời tiết. Ai cũng biết cái gió của Na Dương như thế nào rồi, người ta từng nói: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Na Dương” để nói đến cái cửa hút gió đến “ghê người” ở vùng biên phía Bắc, đặc biệt vào những đợt có gió mùa.
Than Na Dương còn có nhiều nét đặc biệt. Tầng chứa than trên chạy dài từ phía Đông – Đông Bắc đến phía Tây Nam. Than Na Dương là loại than đặc chủng, ít có ở Việt Nam, là loại than nâu chuyển tiếp than ngọn lửa dài. Việc khai thác đã khó, nhưng việc sàng tuyển và lưu kho còn khó hơn rất nhiều. Trước đây, than được khai thác lên chưa dùng đến chỉ cần để lại có thể trong đêm đã bốc cháy mà đã cháy tự nhiên thì lưu huỳnh chưa được khử, nên bay ra mùi rất khó chịu. Thêm vào đó, khi gặp nước sẽ chuyển hoá thành axit sunfuaríc, loại axít này nếu thải ra môi trường sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường xung quanh. Nhưng đó chỉ là chuyện trước đây, còn bây giờ, việc xử lý các sự cố than cháy hay nước thải ra sông Kỳ Cùng ở Na Dương đã được đảm bảo an toàn.
Khai thác than tại mỏ Na Dương
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ than Na Dương cũng gặp rất nhiều trở ngại. Bởi đặc thù là loại than ngọn lửa dài (than nâu), nên chỉ dùng được trong công nghệ xi măng lò quay phương pháp ướt và cho các nhà máy nhiệt điện với công nghệ lò tần sôi tuần hoàn. Từ thập kỷ tám mươi, nước ta thực hiện nhiều công trình trọng điểm, theo đó, hàng loạt nhà máy xi măng được đầu tư xây dựng, trong đó có Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn công suất 1,2 triệu tấn/năm, công nghệ ướt của Liên Xô. Do vậy, than Na Dương là nguyên liệu mang lại hiệu quả nhất. CBCNV của Mỏ cũng được tăng cường lên đến trên 2 nghìn người,hầu hết là lao động địa phương.
Thời kỳ này được coi là thời hoàng kim nhất của Mỏ Than Na Dương. Rồi sau này, xi măng mang thương hiệu của Vinacomin do chính những người thợ Việt Bắc làm ra, mỗi năm chừng 3 triệu tấn. Tuy nhiên, những năm gần đây, các nhà máy xi măng đã chuyển sang sản xuất theo phương pháp khô, đồng nghĩa với việc dừng tiêu thụ than Na Dương. Đây chính là một trong vấn đề nan giải nhất của mỏ, làm thế nào để giữ sản xuất ổn định và còn bao nhiêu hệ lụy khác đến con người... luôn là những câu hỏi nhiều thách thức đối với Vinacomin.
Vươn lên từ một hướng đi
Nhà máy Nhiệt điện Na Dương
Năm 2005, Nhà máy Nhiệt điện Na Dương đi vào vận hành như một vị cứu tinh cho than Na Dương trong những năm đầu thế kỷ XXI này. Tính ra mỗi năm, Mỏ than Na Dương cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Na Dương trên 500.000 tấn than sạch. Với con số ấy, đủ cho hàng ngàn lao động yên tâm với nghề của mình. Trước những biến động của nền kinh tế, những khó khăn thách thức, các thế hệ cán bộ CB CNV của mỏ luôn ý thức quyết tâm xây dựng một vùng mỏ mang diện mạo mới. Hôm nay, vùng mỏ Na Dương đã khoác trên mình tấm áo mới, với khu điều hành khang trang, trên công trường được trang bị những thiết bị hiện đại, nhà xưởng quy củ hơn…
Nga nói, vùng khai thác nằm trong lòng chảo, nhưng là đỉnh gió, gió mùa đông bắc thổi bạt người. Trước đây khai trường nhỏ hẹp, manh mún như chiếc áo vá vụng, nay đã quy củ hơn nhiều. Việc cơ giới hóa cũng đã giúp người lao động đỡ vất vả hơn. Khó khăn nhất của cánh lái xe vận tải là đi làm ca ba vào mùa mưa trơn trượt. Trước lái xe Ben la của Liên xô cũ, ngồi trên ca bin nóng đổ mồ hôi, hệ thống lái nặng, rất nhanh mệt và tốn sức thì nay công ty trang bị ô tô HD của Nhật, cabin có máy điều hòa, hệ thống lái trợ lực, hệ thống phanh an toàn. Anh em cũng đỡ vất vả hơn nhiều và năng suất lao động cũng cao hơn. Để sản xuất phát triển, công ty coi trọng việc bồi dưỡng và đào tạo nhân lực.
Với quan điểm, đội ngũ lao động là “tài sản”, là “nguồn vốn cố định” lớn nhất và quý nhất, công ty luôn tạo mọi điều kiện để người lao động học tập không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề. Hàng trăm lượt người đã được qua đào tạo trong 5 năm qua… Bởi vậy, hiện nay, ở Than Na Dương, người quản lý đã có tầm nhìn xa, đội ngũ công nhân dần trở thành những “trí thức công nhân”. Các bộ phận hoạt động đều tay và có hiệu quả cao. Hơn thế nữa, Công ty đã mạnh dạn đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, áp dụng các tiến bộ kho học kỹ thuật vào sản xuất, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả, vừa bảo vệ, hỗ trợ được đội ngũ lao động và bảo vệ môi trường.
Để người lao động yên tâm, gắn bó với Công ty, Công đoàn cùng Ban giám đốc rất chú trọng việc cải thiện điều kiện ăn ở, làm việc; tăng cường các thiết bị bảo hộ lao động, vệ sinh môi trường làm việc cho CBCN, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, kịp thời phát hiện và chữa trị bệnh nghề nghiệp cho công nhân. Bằng quỹ phúc lợi, Công đoàn Công ty còn thường xuyên tổ chức cho NLĐ được đi nghỉ mát, nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe, tổ chức hoạt động văn nghệ thể thao... tạo ra sân chơi lành mạnh cho CBCN.
Chính những điều này đã tạo nên sức mạnh của tập thể CBCN nơi đây, không chỉ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ SXKD hiện nay mà còn có thể làm chủ công nghệ, về năng lực khai thác khi mỏ than Na Dương tăng sản lượng lên 1,2 triệu tấn than/năm (gấp 2 lần so với công xuất mỏ hiện nay) theo KH mở rộng giai đoan hai, song song với Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2 ra đời. Như vậy, một Tổ hợp Than - Điện Na Dương sẽ sản xuất hàng tỷ kWh điện mỗi năm, sẽ góp phần ổn định việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân trong vùng đất này, khẳng định cho một hướng đi đúng của Na Dương.
Hùng Hải
-
Than Hà Tu nâng cao hiệu suất lao động từ các phong trào thi đua thiết thực
-
EVN: Thông tin kêu gọi doanh nghiệp phía Bắc giảm 30% mức sử dụng điện là không chính xác
-
Vinacomin tham gia triển lãm quốc tế Mining Vietnam 2024
-
TKV và Tổng Công ty Đông Bắc giữ vai trò nòng cốt trong việc phát triển bền vững ngành than
-
EVN và TKV, Tổng Công ty Đông Bắc ký thỏa thuận hợp tác cung cấp than dài hạn