Rủi ro, độc hại và thiệt thòi
"Mong được thất nghiệp!"
Chiếc thang máy của mỏ Mông Dương đưa chúng tôi xuống mức -97,5m. Từ đây, phải đi bộ hơn 1km đường lò nữa mới tới nhà ga, nơi chiếc xe song loan đang chờ chở chúng tôi tới trạm y tế ở mức -250, khu trung tâm mỏ Mông Dương. Để xóa tan không gian âm u của đường lò, bác sĩ Đinh Hải Long, Trạm trưởng Trạm Y tế Công ty CP Than Mông Dương, kể cho chúng tôi nghe về mô hình này. Theo anh, do sản xuất than hầm lò luôn đối mặt với nhiều bất trắc và rủi ro, việc chăm sóc sức khỏe, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho thợ lò luôn là ưu tiên hàng đầu với các doanh nghiệp. Vì thế, những năm gần đây, cùng với trạm y tế trên mặt đất, các doanh nghiệp ngành than đã triển khai mô hình trạm y tế dưới lòng đất.
Y sĩ Chu Hồng Thái khám bệnh cho thợ lò ở mức -250m |
Công ty CP Than Mông Dương chính thức đưa trạm y tế vào hoạt động năm 2015, sau trận mưa lụt lịch sử ở Quảng Ninh. Với hàng nghìn công nhân làm việc 3 ca ở các đường lò dài hàng chục kilômét dưới lòng đất, trạm y tế dưới hầm lò sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc trực cấp cứu, khám, sơ cứu những trường hợp công nhân đau ốm, bị tai nạn lao động ngay tại khu vực khai thác, giúp công nhân yên tâm sản xuất. Trạm y tế dưới hầm lò được bố trí đủ cán bộ thay phiên đi 3 ca, nhằm xử lý nhanh các vấn đề liên quan đến sức khỏe, sự an toàn của thợ lò.
Sau khoảng 20 phút đi bộ và 10 phút đi xe song loan trong lòng đất, chúng tôi tới được trạm y tế mức -250. Trạm chỉ rộng khoảng 20m2, nằm giữa vị trí cánh Đông, cánh Tây của mỏ.
Những cái khó, cái khổ, sự hiểm nguy chưa bao giờ làm nhụt ý chí, chùn bước chân của những cán bộ y tế dưới hầm lò, vì phía trước họ là tính mạng của đồng đội. Tinh thần kỷ luật và đồng tâm của thợ lò là như thế, trong gian nguy không bao giờ bỏ mặc nhau. |
Trong ánh sáng mờ mờ phát ra từ chiếc đèn nhỏ, anh Chu Hồng Thái, y sĩ trực ca 1, đang khám bệnh cho một số thợ lò đau bụng, sốt nhẹ. Chu Hồng Thái là y sĩ lâu năm nhất ở trạm với 8 năm công tác, trong đó 4 năm bám trụ dưới hầm lò. Thái chia sẻ: “Tốt nghiệp Trung cấp Y Quảng Ninh, em được nhận vào mỏ Mông Dương. Bố mẹ em đều làm việc ở đây. Duyên nghề của em có lẽ đến từ những câu chuyện kể thường ngày của bố về thợ lò, về mỏ than”.
Trước khi chưa lập trạm y tế dưới lòng đất, Thái làm việc ở trạm mặt đất Bắc Mông Dương. Từ năm 2015, Thái cùng 2 đồng nghiệp được bố trí làm ở mức -250m. “Làm việc dưới lò buồn lắm. Một mình một ca trực, quanh ra quẩn vào 4 bức tường. Không có việc làm thường xuyên, song lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng. Nhưng em cũng như các y sĩ chỉ... mong mình thất nghiệp” - Thái cười nói.
Dưới hầm lò có những rủi ro, bất trắc không nói trước được. Thái hồi tưởng: “Năm ngoái, đúng ca trực của em, trong không gian yên ắng lúc 3 giờ sáng, chuông điện thoại réo inh ỏi khiến em giật mình. Nhận được tin báo 4 thợ lò bị vùi lấp do tụt lò ở Phân xưởng đào lò 6, em vội vàng điện thoại báo trạm y tế công ty đến hỗ trợ, sau đó huy động thêm một số anh em mang cáng, nẹp, thuốc, bóng bóp, máy cứu sinh… đến hiện trường”. Sau bao nỗ lực cùng các đồng nghiệp đào bới than, người thứ nhất đã được tìm thấy. Thái vội vã kiểm tra. “Ơn trời! Anh ấy vẫn sống”, Thái thốt lên mừng rỡ, rồi vội vàng hô hấp, xử lý vệ sinh, băng sơ cầm máu và sau đó chuyển lên trên mặt đất điều trị. 6 giờ sáng, các nạn nhân lần lượt được tìm thấy. Thái cùng các y sĩ, bác sĩ của trạm y tế sơ cứu nạn nhân và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả. 3 trong số họ nhờ được sơ cứu kịp thời đã hồi phục, 1 người không may đã ngừng thở trước khi được tìm thấy. Thái nghẹn lời: “Đó là những phút giây em nhớ mãi. Thế nên chẳng bao giờ chúng em mong mình có bệnh nhân”. Khát khao cứu được thợ lò trong phút giây sinh tử chính là lý do mà Thái không bỏ nghề.
Tất cả vì tính mạng đồng đội
Không phải bất kỳ cán bộ y tế nào cũng có thể điều động làm việc dưới hầm lò, bởi phải có sức khỏe, có kỹ năng sơ cứu tốt, biết làm công tác tâm lý cho nạn nhân, chịu được sự buồn tẻ, không giao tiếp, không điện thoại, chấp nhận gian khổ, hy sinh… Nếu không có tình yêu hẳn Thái và những y sĩ, bác sĩ dưới lòng đất khó mà bám trụ được với nghề. Thái kể, có những y sĩ từng làm việc 4-5 tháng dưới hầm lò nhưng không chịu được đã bỏ việc.
Y sĩ Nguyễn Hữu Tuân khám bệnh cho thợ lò ở mức -100m |
Y sĩ Nguyễn Hữu Tuân, Công ty Than Dương Huy, chia sẻ rất thật rằng: Gần 30 năm gắn bó với Than Dương Huy thì có 6 năm anh làm việc dưới hầm lò. Dù ngày hay đêm, anh khó lòng mà chợp mắt được, bởi khí dưới mỏ rất nặng. Hôm nào quên mang khẩu trang thì hôm sau ho suốt cả ngày. Anh từng phải đi điều trị viêm phế quản nửa tháng ở Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh. Từ ngày làm việc trong lòng đất, dưới ánh sáng mờ mờ, thị lực của anh giảm sút nhiều...
Năm 2013, Công ty Than Dương Huy lập trạm y tế mức -100, anh Tuân cùng 3 đồng nghiệp được điều động làm việc dưới lò. Để trải nghiệm trước, các anh được đưa xuống lò và học về an toàn. Nhưng khi xuống làm việc ở hầm lò mới thấy nhiều việc khó lường. “Mỗi khi mìn nổ, cả mỏ rung chuyển, do chưa quen, tôi sợ muốn bắn tim ra ngoài. Ngày làm việc đầu tiên, trong không gian yên tĩnh, bỗng đâu ngay trên đầu mình có tiếng động rất mạnh. Tôi hô hét anh em chạy bán sống bán chết. Sau mới biết đó chỉ là một mũi khoan thăm dò, không phải bục lò như tôi tưởng…”.
Lo ngại là thế, nhưng mỗi khi có tai nạn xảy ra, trong đầu anh Tuân chỉ nghĩ “tất cả vì đồng đội”. Năm ngoái xảy ra vụ sạt than ở công trường khai thác 5, nhận được tin báo, anh Tuân cùng một đồng nghiệp vác dụng cụ chạy vào sơ cứu, nếu thiếu may mắn, cả 2 người đã bị gông sắt rơi trúng đầu. Song những cái khó, cái khổ, sự hiểm nguy chưa bao giờ làm nhụt ý chí, chùn bước chân của những cán bộ y tế dưới hầm lò, vì phía trước họ là tính mạng của đồng đội. Tinh thần kỷ luật và đồng tâm của thợ lò là như thế, trong gian nguy không bao giờ bỏ mặc nhau.
Bác sĩ Đinh Hải Long nói: “Không chỉ môi trường làm việc nguy hiểm, độc hại, các y sĩ dưới lòng đất thiệt thòi lắm. Họ không được thường xuyên va chạm, tiếp xúc với bệnh nhân, nên khó có điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn”. Các doanh nghiệp cũng thường xuyên tổ chức các chương trình huấn luyện nâng cao trình độ cho các y sĩ, như Thái đã được công ty cho đi học nâng cao trình độ ở Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện 103. Dù vậy, không phải ai cũng có điều kiện đi học.
Thiệt thòi như vậy, nhưng thu nhập của y sĩ dưới lòng đất chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp nào cao hơn thì 7-8 triệu đồng/tháng. Với thu nhập đó không khó để họ kiếm được một công việc trên mặt đất.
Để giữ chân cũng như thu hút y sĩ, bác sĩ đang ngày đêm làm việc dưới hầm lò vì sự an nguy của thợ mỏ còn nhiều việc phải làm. Anh Tuân và anh Thái đã từng chia sẻ rằng, họ mong môi trường mỏ ngày càng được cải thiện tốt hơn, công tác an toàn phải được giám sát chặt chẽ hơn nữa, cũng như sớm phát hiện được nguy cơ bục nước, cháy nổ khí mê tan... để bảo vệ tính mạng cho tất cả những người làm việc trong mỏ. Các doanh nghiệp, TKV cần tăng cường tập huấn nghiệp vụ, tiếp cận các phương pháp khám chữa bệnh tiên tiến; cải thiện thu nhập, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ y tế làm việc dưới hầm lò.
Quảng Ninh