Ranh giới công và tội
Phiên tòa sơ thẩm khép lại, bản án cũng đã đưa ra nhưng luật sư Phan Trung Hoài (luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Văn Khương) cho biết: “Hoàng Khương đã trình bày nguyện vọng là sẽ kháng cáo”.
Sở dĩ có bản án như hôm nay là từ hai bài báo điều tra do Nguyễn Văn Khương (bút danh Hoàng Khương phóng viên Báo Tuổi Trẻ) thực hiện và đăng tải trên báo Tuổi Trẻ. Trong lúc nói lời sau cùng tại phiên tòa ngày 7/9, Hoàng Khương hối tiếc: “Nếu không có hai bài báo này thì bị cáo có phải đứng đây hôm nay không?”. Hoàng Khương thừa nhận là do mình sai sót nghiệp vụ, với động cơ trong sáng là phát hiện, đấu tranh chống tiêu cực. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát (VKS) không đồng ý với ý kiến trên vì cho rằng Hoàng Khương có hơn 15 năm trong nghề thì việc sai sót như vậy khó xảy ra.
Các bị cáo tại tòa
Công hay tội? Tòa đã phán quyết nhưng Hoàng Khương nhất mực đòi kháng cáo và người em vợ Nguyễn Đức Đông Anh cũng cùng quan điểm trên. Trong khi đó, Huỳnh Minh Đức – CSGT quận Bình Thạnh và các bị cáo khác đồng ý với phán quyết của tòa án đưa ra. Bản án thấp hơn đề nghị của VKS do có nhiều tình tiết giảm nhẹ và trong đó Huỳnh Minh Đức chủ động giao nộp số tiền đã nhận và có thái độ thành khẩn trước tòa.
Phán quyết của tòa đã có hiệu lực, 4 năm tù với Nguyễn Văn Khương về tội “Đưa hối lộ”; Huỳnh Minh Đức 5 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Khoan hãy nói đến tội, trước hết hãy nói đến công của phóng viên Hoàng Khương. Phóng viên Hoàng Khương làm việc tại tòa soạn Báo Tuổi Trẻ, anh đã có nhiều bài viết chống tiêu cực về một số CSGT, để từ đó lãnh đạo Công an hiểu thêm về đội ngũ này. Và cũng chính nhờ hai bài đăng trên báo Tuổi Trẻ: “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” đăng ngày 5/7/2011, và bài “Giải cứu xe đua trái phép” đăng ngày 10/7/2011 mới phát hiện được Huỳnh Minh Đức nhận hối lộ để “giải cứu” xe đua và lấy xe gây tai nạn.
Trước khi bị bắt, Hoàng Khương đã có rất nhiều bài điều tra về nạn mãi lộ trên tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến đường khác mà Hoàng Khương đi thực tế. Điều này cho thấy, bị cáo Huỳnh Minh Đức chỉ là số ít trong một lượng lớn CSGT thường xuyên nhận mãi lộ trên các tuyến xe đường dài.
Nguyễn Văn Khương (phóng viên Hoàng Khương - Báo Tuổi Trẻ) được dẫn ra xe
Tuy nhiên, theo bảng cáo trạng và đề nghị của VKSND TP HCM thì Nguyễn Văn Khương phải chịu mức án từ 6 đến 7 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, chứng tỏ phía cơ quan điều tra đã tìm ra “tội” của Nguyễn Văn Khương nên mới có phán quyết của tòa án như vậy. Cụ thể, theo tòa án thì Nguyễn Văn Khương đã nhận lời lấy chiếc xe vi phạm bị tạm giữ cho Trần Minh Hòa (bạn cùng khu phố với Nguyễn Đức Đông Anh) mà không phải làm bản kiểm điểm trước tổ dân phố nơi cư trú theo quy định, xuất phát từ quan hệ gia đình cùng lợi ích cá nhân.
Tòa án phán quyết, bị cáo Nguyễn Văn Khương lợi dụng là nhà báo, được phân công đề tài phản ánh về nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông và các sai sót trong xử lý vi phạm giao thông. Bị cáo Khương nắm được quan hệ tiêu cực giữa Tôn Thất Hòa (chủ Doanh nghiệp Duy Nguyên) với Huỳnh Minh Đức trong việc giải quyết trả xe vi phạm giao thông trái phép cho Trần Anh Tuấn; bị cáo Khương tiếp tục câu kết với Tôn Thất Hòa chủ động gợi ý, nhờ vả và trực tiếp đưa hối lộ 15 triệu đồng cho Huỳnh Minh Đức từ nguồn tiền do Trần Minh Hòa giao cho Nguyễn Đức Đông Anh và Đông Anh giao lại cho Khương với yêu cầu lấy bằng được chiếc xe vi phạm cho Trần Minh Hòa.
Hoàng Khương cho biết sẽ kháng cáo trong phiên phúc thẩm tới
Nhân vật cũng khá quan trọng trong vụ án này là Huỳnh Minh Đức – CSGT công tác tại Công an quận Bình Thạnh. Theo tòa án thì Huỳnh Minh Đức lợi dụng nhiệm vụ được giao và quyền năng của mình đã móc nối với với một số đối tượng: Tôn Thất Hòa, Nguyễn Văn Khương, Nguyễn Đức Đông Anh trả xe vi phạm cho Trần Anh Tuấn và Trần Minh Hòa trái pháp luật để nhận 3 triệu đồng của Trần Anh Tuấn và 15 triệu đồng của Nguyễn Văn Khương, Trần Minh Hòa và Nguyễn Đức Đông Anh thông qua sự môi giới của Tôn Thất Hòa. Hành vi của Huỳnh Minh Đức đã cấu thành tội “Nhận hối lộ”.
Người gắn kết các bị cáo lại với nhau để phạm tội là Tôn Thất Hòa, là người có quan hệ với phóng viên Hoàng Khương. Với mục đích được làm quen và có thế lực với CSGT, nhằm tạo thuận lợi cho kinh doanh vận tải, Tôn Thất Hòa đã chủ động gợi ý, môi giới việc đưa hối lộ cho Huỳnh Minh Đức 18 triệu đồng khi trả xe cho Trần Anh Tuấn và Trần Minh Hòa. Hành vi sai phạm của Tôn Thất Hòa đã cấu thành tội “Môi giới hối lộ”.
Gia đình và luật sư của Hoàng Khương khẳng định sẽ kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Dù phiên xử phúc thẩm như thế nào Hoàng Khương đã khẳng định rằng đây là một bài học lớn cho chính mình. Nhưng có lẽ, đây là bài học cho tất cả các nhà báo, nhưng người luôn dấn thân với trách nhiệm xã hội.
Đôi khi, ranh giới giữa công - tội thật mong manh…
Tòa tuyên án bị cáo Huỳnh Minh Đức 5 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, Nguyễn Văn Khương 4 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Cùng với tội danh “Đưa hối lộ”, bị cáo Trần Minh Hòa nhận 5 năm tù, bị cáo Nguyễn Đức Đông Anh 4 năm tù, bị cáo Trần Anh Tuấn 1 năm tù. Bị cáo Tôn Thất Hòa nhận 2 năm tù vì tội “Môi giới hối lộ”. Các bản án được áp dụng bắt đầu từ ngày tạm giam. Tòa quyết định tịch thu số tiền 18 triệu đồng (3 triệu đồng trong vụ tai nạn tại giao lộ Phan Đăng Lưu và Đinh Tiên Hoàng, 15 triệu đồng vụ “giải cứu” xe đua), số tiền này Huỳnh Minh Đức có được từ nguồn thu bất chính. Trả lại tang vật cho bị cáo Nguyễn Văn Khương trong quá trình tác nghiệp bị tịch thu để điều tra. Theo chủ tọa phiên tòa, các bị cáo có thể kháng cáo trong 15 ngày kể từ ngày tuyên án. |
Nguyễn Hiển
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường