Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

“Chút quà” tiền tỉ (!)

08:17 | 27/08/2023

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Văn hóa cho và nhận quà là điều cần bàn đến trong thời đại “kinh tế số”, “xã hội số”. Chúng ta, nhất là những người có chức, có quyền, không quá cứng nhắc nhưng lại phải rất tỉnh táo, cân nhắc trước những “chút quà” cảm ơn bất thường, mà phía sau là cạm bẫy.
Kit test Việt Á ra đời và Kit test Việt Á ra đời và "gây họa" như thế nào?
Vụ án “chuyến bay giải cứu” - Một cuộc đại phẫuVụ án “chuyến bay giải cứu” - Một cuộc đại phẫu

Cho, tặng, biếu thể hiện tình cảm yêu thương, quý mến giữa những con người, lớn hơn là cộng đồng, quốc gia. Chuyện tri ân đã có từ hàng ngàn năm nay. Trên thế giới, nhất là khu vực châu Á, từng có những nhà vua xây dựng tặng mẹ, tặng vợ cả những dinh thự nguy nga, những đền đài, lăng tẩm mà đến nay trở thành kỳ quan thế giới.

Những món quà có ý nghĩa thể hiện tấm lòng biết ơn luôn đáng được trân trọng. Thế nhưng, theo thời gian, việc cho, tặng, biếu không phải lúc nào cũng trong sáng, mà nhiều khi nó mang màu sắc vụ lợi, đổi chác. Biếu quà và hối lộ trong nhiều trường hợp có ranh giới rất mong manh. Người “biếu” biết rất rõ động cơ của mình, còn người nhận thì có khi vô tình, nhưng đối với không ít quan chức thoái hóa biến chất thì đã cố tình không hiểu, lập lờ đánh lận con đen. Họ thản nhiên khai báo với nhà chức trách là "tôi cứ nghĩ, đó là món quà bình thường".

“Chút quà” tiền tỉ (!)
(Ảnh minh họa)

Hãy cùng nhìn lại hai đại án “Chuyến bay giải cứu” và “Vụ Việt Á” gần đây. Ở cả hai vụ án cùng có tình tiết giống nhau, có những bị can, bị cáo phạm tội đưa và nhận hối lộ với số tiền lên đến nhiều chục tỉ đồng. Ở vụ án về những sai phạm nghiêm trọng trong việc mua sắm kit test của Công ty Việt Á, sắp đưa ra xét xử, theo cáo buộc, khi đề tài khoa học còn đang trong quá trình “nghiên cứu”, bị can Phan Quốc Việt, khi đó là Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, đã nhắn tin xin gặp Chu Ngọc Anh, bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, nhưng không được “quan bộ” gật đầu. Thế là vào cuối giờ chiều Việt mang theo một ba-lô (màu xanh), trong đó có 200 nghìn USD (hơn 4,6 tỉ đồng) và một số khẩu trang, nước sát khuẩn đến trụ sở Bộ.

Sau khi được Chánh văn phòng Bộ đưa đến gặp Chu Ngọc Anh, Việt nói dăm câu ba điều rồi lấy ba-lô đưa cho ông Chu: “Em có chút quà cảm ơn”. Khách ra về, chủ cất “chút quà” vào buồng ngủ phía trong phòng làm việc. Đến khi bị bắt và khai báo với cơ quan điều tra, Chu Ngọc Anh khai rằng đã “để quên” cái ba-lô, không hề biết trong đó có nhiều tiền đến thế (!).

“Ăn dầy” hơn ông Chu, bị can Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế được xác định nhận của Phan Quốc Việt 2,25 triệu USD (tương đương 51.108.500.000 đồng). Khác với Chu Ngọc Anh, bị can Long thông qua thư ký yêu cầu Việt phải có “quà” tương xứng để “xử lý công việc”. Không hiểu ông ta “xử lý” những công việc gì? Hay lại dùng “quà” ấy để biếu tặng những quan tham khác?

Trước đó, trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” công dân Việt Nam, nhiều bị cáo cũng loanh quanh chối tội, nhập nhằng giữa nhận quà và ăn hối lộ, nhập nhằng giữa rượu với tiền. Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, khai rằng, chỉ đến khi bị bắt, đến khi đọc mấy quyển Luật Hình sự mới ngộ ra rằng mình đã sai. Ông quan tham mũ cao áo dài này cho rằng mình đã “làm đúng nhiệm vụ được giao”, tuy nhiên do nhận thức sai, nghĩ là doanh nghiệp người ta đến cảm ơn sau khi xong việc nên vô tư nhận... tiền. “Lễ nhiều, nói ngọt, nghe lời dễ siêu” (Truyện Kiều), ông Tô bị “siêu” nên đã 37 lần nhận tiền, với tổng số tiền 21,5 tỉ đồng của các doanh nghiệp. Được nói những lời cuối tại phiên tòa, Tô Anh Dũng đã khóc, xin lỗi Đảng, Nhà nước, Nhân dân và thấm thía tội lỗi của mình. Thật là sự “nhầm lẫn” chết người của kẻ tham lam, khi trong tay có rất nhiều tiền bạc bất chính mới thấy hết cái “bạc” của đồng tiền.

Viết đến đây tôi nhớ tới những câu chuyện tặng quà chân thành, cảm động cách đây vài chục năm khi đất nước còn chiến tranh, còn nghèo. Tặng quà tết, quà trong ngày lễ, tiệc cưới, tất cả đều giản dị, cảm động. “Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy” trở thành một phong tục đẹp. Quà chỉ có tấm bánh chưng, bánh khảo, gói chè mạn, mấy bông hoa hái tự vườn nhà.... Đầu năm 1946, Bác Hồ kính yêu, nhà văn hóa lớn khi nhận quà của nữ sĩ Hằng Phương là mấy trái cam, Người đã viết mấy câu thơ: “Cảm ơn bà biếu gói cam/Nhận thì không đúng, từ làm sao đây...”. Những vần thơ thật tinh tế, thể hiện thái độ khiêm tốn của vị lãnh tụ thiên tài.

Ngày nay, cùng với yếu tố văn hóa ứng xử phù hợp truyền thống, đạo lý dân tộc, pháp luật rất cần những chế định rõ ràng, chặt chẽ về chuyện tặng và nhận quà - chuyện nhỏ mà không hề nhỏ này. Anh bạn tôi nhiều năm sống ở Mỹ kể rằng, ở quốc gia này quy định rất chặt chẽ: Công chức không được nhận quà có trị giá hơn 20 USD, tương đương 0,04% thu nhập trung bình hằng tháng, từ bất kỳ ai. Mượn cách tính này thì ở Việt Nam, mức quà được phép nhận chỉ tương đương... 25 nghìn đồng! Phải chăng vì thế ở Mỹ và nhiều nước tiên tiến có thói quen mở gói quà kiểm tra ngay để xem món quà đó có “trên mức tình cảm” hay không?

Trông người lại ngẫm đến ta. Không phải chuyện gì cũng học nước ngoài được, nhưng điều gì hay thì ta làm theo, đó cũng là biểu hiện cụ thể trong quá trình tiếp xúc, tiếp biến văn hóa. Còn cái hay, cái đẹp trong truyền thống cho và nhận quà ở Việt Nam thì bè bạn nước ngoài cũng lại phải sang đây để... học.

Thời gian sẽ sàng lọc những gì tinh túy, kết tinh những giá trị mới. Thời gian giúp ta tỉnh táo phân định đúng-sai, phê phán những ai đó quen rao giảng đạo đức mà không thực hành đạo đức; lên án thói tham lam, nhũng nhiễu, vấy bẩn lên truyền thống văn hóa Việt Nam.

Hải Đường